18/10/2024 lúc 10:45 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng nguyên tắc phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm

Ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược xác định sự cần thiết phải: “Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo”. Hệ thống văn bản cần xây dựng trên nguyên tắc chuẩn mực về pháp luật, đạo đức và tính bền vững về kỹ thuật, công nghệ hướng tới lợi ích vì con người…

AI là viết tắt của Artificial Intelligence có nghĩa là trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo. Đây là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính (Computer science); là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người.

Trí tuệ nhân tạo trong đời sống xã hội

Một trong những lợi ích quan trọng nhất của trí tuệ nhân tạo (AI) là khả năng tự động hóa các nhiệm vụ tốn thời gian và lặp đi lặp lại, giải phóng con người để tập trung vào công việc phức tạp và sáng tạo hơn. AI cũng có thể phân tích lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng và chính xác, cung cấp những hiểu biết sâu sắc và dự đoán mà con người không thể tự mình tạo ra được. Khả năng này đã dẫn đến những tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, tài chính, giáo dục và giao thông vận tải.

Trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển nhanh chóng và đang có những tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống. Nhưng bên cạnh những lợi ích to lớn, sự phát triển của AI đã và đang làm dấy lên những quan ngại sâu sắc về các rủi ro tiềm ẩn từ khía cạnh đạo đức, xã hội, pháp lý. Đạo đức và trách nhiệm trong AI nằm ở tất cả các khâu, từ xây dựng thuật toán, thu thập dữ liệu, đến công cụ huấn luyện, và ứng dụng. Vì vậy, vấn đề này phải được quan tâm ngay từ khâu xây dựng hệ thống, liên quan đến nhiều bộ, ngành…

Để thúc đẩy phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang tính đột phá, Việt Nam cần quan tâm đến việc xây dựng và ban hành các biện pháp, chính sách thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ trí tuệ nhân tạo sản xuất trong nước; xây dựng hệ thống pháp luật quản lý trí tuệ nhân tạo, trong đó quy định mức độ rủi ro, tính tin cậy, thực thi đạo đức và cách thức quản lý sản phẩm, ứng dụng trí tuệ nhân tạọ... Trong đó, xây dựng Bộ nguyên tắc đạt chuẩn là yêu cầu cần thiết hiện nay nhằm thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm; đồng thời xây dựng trên nguyên tắc về pháp luật, đạo đức và tính bền vững về kỹ thuật, công nghệ hướng tới lợi ích vì con người… 

Khách quan mà nói, so với nhiều quốc gia trên thế giới, các thảo luận chính sách về trí tuệ nhân tạo có đạo đức hay trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ở Việt Nam còn khá ít ỏi trên Internet, các diễn đàn, hội nghị, hội thảo cũng như trên các phương tiện truyền thông. Tương tự như vậy, với tốc độ phát triển AI trên thế giới như hiện nay, tốc độ triển khai của Việt Nam có sự chậm hơn, do đó cần sớm có những chính sách phù hợp để bắt kịp xu hướng. Theo đó, Việt Nam cần chú ý đến một số trụ cột, bao gồm nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, dữ liệu và thể chế...

Chiến lược phát triển AI

Nhưng nói như vậy hoàn toàn không có nghĩa là Việt Nam không quan tâm tới vấn đề này. Việt Nam đã coi ngành công nghiệp công nghệ số trong đó ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây,Internet vạn vật, thiết bị điện tử viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn, là 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng. Trong đó, riêng trong lĩnh vực AI, những năm gần đây Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng, ngày càng đi vào chiều sâu và mở rộng ở nhiều lĩnh vực. Theo Báo cáo “Chỉ số sẵn sàng về AI của chính phủ” do tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện đưa ra tháng 2/2023, ghi nhận chỉ số sẵn sàng cho AI của Việt Nam đã đạt mức 51,82/100, tăng 14 bậc so với trước và vượt qua mức trung bình toàn cầu là 47,72. Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực về khả năng tiếp cận và phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam…

Theo Quyết định 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, định hướng chiến lược phát triển AI (trí tuệ nhân tạo) có trách nhiệm tại Việt Nam bao gồm các chiến lược như sau:

-Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo, gồm: Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý thông thoáng đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống; Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; cụ thể là: Thúc đẩy chia sẻ dữ liệu phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ, mở để nghiên cứu, phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu theo nguyên tắc các bên cùng có lợi, tạo động lực để chia sẻ, đồng thời bảo đảm được phân quyền truy cập dữ liệu, tránh để lộ, lọt thông tin dữ liệu có tính riêng tư của cá nhân hay tổ chức; Tăng cường năng lực quốc gia về tính toán hiệu năng cao, tính toán đám mây, tính toán sương mù.

- Phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo: Bao gồm Phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng tổ chức; Triển khai nghiên cứu và phát triển; Thúc đẩy xây dựng các trung tâm ươm tạo và thu hút đầu tư cho phát triển doanh nghiệp trí tuệ nhân tạo.

- Thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, bao gồm: Phát triển doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quốc phòng an ninh và các lĩnh vực kinh tế - xã hội; Nâng cao nhận thức về trí tuệ nhân tạo.

- Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, gồm có: Tham gia tổ chức và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học song phương và đa phương về trí tuệ nhân tạo. Thúc đẩy phát triển cơ sở, trung tâm hợp tác nghiên cứu trí tuệ nhân tạo; các dự án hợp tác chuyển giao công nghệ, khai thác các sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài… Hoàn thiện thể chế, các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), các tập đoàn công nghệ cao đa quốc gia xây dựng trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam. Trao đổi chuyên gia, người làm công tác nghiên cứu, sinh viên của tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp trí tuệ nhân tạo nước ngoài.

- Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành tài liệu hướng dẫn 9 nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có trách nhiệm, bao gồm: Tinh thần hợp tác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tính minh bạch; khả năng kiểm soát; an toàn; bảo mật; quyền riêng tư; tôn trọng quyền và phẩm giá con người; hỗ trợ người dùng; trách nhiệm giải trình.

- Yêu cầu đặt ra là cần có một hệ sinh thái tạo môi trường để tạo và quản lý, chia sẻ các sáng kiến về dữ liệu. Song, việc xây hệ sinh thái đang gặp một số vấn đề và thiếu nhiều yếu tố từ nhân tố lãnh đạo, cơ chế hợp tác, sự tin tưởng, chất lượng dữ liệu, tương tác, quy chế chia sẻ dữ liệu… Chúng ta cần xây dựng một chính sách rõ ràng về công việc, trách nhiệm của các cấp, đơn vị, trên cơ sở áp dụng chế tài, cơ chế thúc đẩy công nghệ số. Để phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm, cần có một hệ thống thể chế, chính sách, nguyên tắc điều chỉnh, với sự kết hợp chặt chẽ giữa các quy định pháp luật cứng mang tính ràng buộc với các quy tắc “mềm” như đạo đức, hướng dẫn, khuyến nghị, bởi pháp luật thường đi sau sự phát triển công nghệ, đối với các công nghệ mới nổi, cách tiếp cận kết hợp giữa luật cứng và luật mềm là sự lựa chọn phù hợp nhất. Mặt khác, cần xây dựng bộ nguyên tắc đạo đức thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm là nhu cầu tất yếu khách quan và xu hướng chung hiện nay của các quốc gia, khu vực trên thế giới. Bộ nguyên tắc này sẽ xây dựng niềm tin của người dùng và xã hội nói chung vào các hệ thống trí tuệ nhân tạo đang được phát triển và ứng dụng ngày càng sâu rộng vào mọi mặt của đời sống xã hội; cần mang tính linh hoạt, thích ứng, thường xuyên được đánh giá, cập nhật, bổ sung theo sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo. Xác định: Ba trụ cột cốt lõi để phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm là pháp luật, đạo đức và tính bền vững về kỹ thuật/công nghệ…

    Ths. Hoàng Xuân Thương

Thanh Khê