23/12/2024 lúc 13:25 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa Quốc hội và các cơ quan báo chí

VNHN – Trước yêu cầu đổi mới về các mặt hoạt động của Quốc hội đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri, các cơ quan báo chí cần không ngừng nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, trau dồi, tăng cường năng lực, kỹ năng cho đội ngũ phóng viên nghị trường.

VNHN – Trước yêu cầu đổi mới về các mặt hoạt động của Quốc hội đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri, các cơ quan báo chí cần không ngừng nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, trau dồi, tăng cường năng lực, kỹ năng cho đội ngũ phóng viên nghị trường.

Quang cảnh hội thảo "Báo chí với hoạt động của đại biểu Quốc hội". (Ảnh: Kiều Giang)

Trong khuôn khổ hoạt động của dự án “Tăng cường năng lực cho Văn phòng Quốc hội Việt Nam – Giai đoạn 2”, ngày 8/8, Văn phòng Quốc hội Việt Nam phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo “Báo chí với hoạt động của đại biểu Quốc hội”.

Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và cán bộ, công chức Văn phòng Quốc hội,Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan quản lý báo chí và cơ quan thông tấn báo chí trao đổi về vai trò của truyền thông; cách thức tiếp cận với báo chí và xử lý sự cố truyền thông đối với hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Bên cạnh đó, hội thảo cũng cung cấp những thông tin, kiến thức, kinh nghiệm của Quốc hội Nhật Bản trong việc sử dụng công cụ báo chí phục vụ hoạt động của đại biểu Quốc hội, qua đó tăng cường năng lực của cán bộ, công chức Văn phòng Quốc hội trong việc tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo về lĩnh vực thông tin, báo chí, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định: “Trong lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội, báo chí và Quốc hội luôn có mối quan hệ thân thiết, trong đó báo chí giữ vai trò là cầu nối chuyển tải thông tin từ Quốc hội tới người dân, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân tới diễn đàn Quốc hội. Chính vì vậy, Quốc hội các nước nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng luôn quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền, đồng thời thông qua phương tiện truyền thông làm công cụ hỗ trợ đắc lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và ĐBQH”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Kiều Giang)

Ông khẳng định, hoạt động của Quốc hội và các ĐBQH trong thời gian qua luôn được các cơ quan thông tấn, báo chí bám sát và phản ánh kịp thời tới cử tri, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Bên cạnh việc tích cực tuyên truyền về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, báo chí cũng góp phần quan trọng trong việc chuyển tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân tới Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri giám sát hoạt động của Quốc hội và ĐBQH.

Tại hội thảo, các đại biểu của Nhật Bản và Việt Nam đã tham gia thảo luận xung quanh chủ đề “Báo chí với hoạt động của ĐBQH”. Trong đó, ông Kuboya Masayoshi – Giảng viên của Trường Đại học Tokai, Nhật Bản đã có bài tham luận về “Việc sử dụng truyền thông trong hoạt động tiếp xúc người dân của Nghị sỹ”. Nhà báo Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Le Group có bài tham luận “Vai trò và ảnh hưởng của mạng xã hội đối với hoạt động của ĐBQH”. Ông Yokoyama Hiroshi – Chuyên viên chính của Vụ Phát triển công nghiệp và chính sách công với tham luận “Hoạt động lấy tin từ Nghị sỹ và Văn phòng Nghị viện”. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng chia sẻ những ý kiến phát biểu tại hội thảo, trong đó nhấn mạnh sự tin cậy mà các cơ quan báo chí, các nhà báo cần tạo ra trong quá trình tuyên truyền về các hoạt động của ĐBQH. Ông Lê Bộ Lĩnh - Nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với tham luận "Kỹ năng tiếp xúc và tương tác với báo chí của ĐBQH Việt Nam"...

Trong thời gian qua, nhận thức rõ vai trò quan trọng của báo chí đối với hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH, Văn phòng Quốc hội Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự, đưa tin về hoạt động của Quốc hội. Số lượng phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tham gia tác nghiệp tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu về thông tin của các cơ quan thông tấn báo chí. Các yêu cầu về điều kiện tác nghiệp của báo chí ngày càng được cải thiện và trang bị hiện đại hơn. Thông tin tuyên truyền về các hoạt động của Quốc hội, ĐBQH ngày càng phong phú, đa chiều, thu hút sự quan tâm, theo dõi và ủng hộ của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước.

Tuy nhiên hiện nay, công tác tổ chức thông tin báo chí của Văn phòng Quốc hội vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, cải thiện; cần có cơ chế phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong việc bảo đảm thông tin kịp thời, chính xác về hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH cho các cơ quan thông tấn báo chí.

Bên cạnh đó, trước yêu cầu đổi mới về các mặt hoạt động của Quốc hội đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri, các cơ quan báo chí cũng cần không ngừng nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, trau dồi, tăng cường năng lực, kỹ năng cho đội ngũ phóng viên nghị trường. Đồng thời, công tác tập huấn, tăng cường các kỹ năng cho ĐBQH cũng cần được quan tâm để ĐBQH tích cực, chủ động tiếp xúc với báo chí, góp phần xây dựng mối quan hệ gắn bó, tự tin giữa ĐBQH và báo chí./.