Bộ Quốc phòng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kép mang tính đột xuất và rất khó khăn trong năm qua, vừa chống dịch COVID-19, vừa đóng góp cho nỗ lực của Việt Nam hoàn thành vai trò Chủ tịch ASEAN.
Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc
Đó là khẳng định của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ trước thềm xuân mới Tân Sửu.
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong năm 2020?
Năm 2020 là năm thế giới phải đối mặt với rất nhiều vấn đề phức tạp, khó lường. Đại dịch COVID-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu, tác động nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, mà Việt Nam không là ngoại lệ. Bên cạnh đó, các điểm nóng an ninh ở khu vực và thế giới tiếp tục tăng nhiệt như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền, biến đổi khí hậu, khủng bố, an ninh mạng… cũng tác động không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, trong đó có công tác đối ngoại quốc phòng.
Biến động đã làm cho toàn bộ các kế hoạch hoạt động đối ngoại quốc phòng năm 2020, nhất là chương trình các hoạt động, hội nghị quân sự-quốc phòng ASEAN đã xây dựng sẵn cho năm 2020 khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, bị đảo lộn hoàn toàn, buộc chúng ta phải điều chỉnh để thích nghi với bối cảnh mới.
Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, Bộ Quốc phòng đã nỗ lực, chủ động thích ứng, biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội, không để đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hợp tác quốc phòng với các nước cũng như năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN.
Chúng ta đã đổi mới tư duy, phương thức hành động, nhanh chóng đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác phù hợp với tình hình mới. Đến thời điểm này tôi có thể khẳng định, Bộ Quốc phòng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kép mang tính đột xuất và rất khó khăn trong năm 2020, đó là vừa chống dịch COVID-19, vừa hoàn thành vai trò Chủ tịch ASEAN.
Năm 2020, Việt Nam giữ vai trò là Chủ tịch ASEAN, đồng thời là Ủy viên không Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Lĩnh vực quân sự, quốc phòng của Việt Nam trong năm 2020 đã có những điểm gì nổi bật để đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới?
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bám sát phương châm chỉ đạo “gắn kết và chủ động thích ứng”, với quyết tâm chính trị, sự tích cực, chủ động, vai trò dẫn dắt và điều phối của nước Chủ tịch và sự đoàn kết của các nước ASEAN, chúng ta đã hoàn thành tất cả các ưu tiên, sáng kiến đặt ra. Trong đó, đã tổ chức thành công các Hội nghị quân sự, quốc phòng ASEAN, bảo đảm hiệu quả, thực chất về nội dung; trọng thị, chu đáo về lễ tân; tuyệt đối an toàn về an ninh, y tế, an ninh mạng. Các sáng kiến Việt Nam đưa ra tại các hội nghị lần này đều nhận được sự đồng thuận cao của các nước.
Đặc biệt, khi COVID-19 còn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới coi là một đại dịch toàn cầu, chúng ta đã kịp thời đề xuất và tham vấn các nước để ASEAN ra Tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh tại Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN vào tháng 2/2020, tại Hà Nội, làm cơ sở, nền tảng quan trọng để quân đội các nước ASEAN đề xuất, triển khai nhiều sáng kiến trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh cũng như hoạt động hợp tác giữa quân đội các nước ASEAN, phù hợp với bối cảnh mới.
Khép lại năm Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ Quốc phòng đã tổ chức thành công Hội nghị ADMM-14, ADMM+ lần thứ 7 và Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập ADMM+ với việc ra Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về Hợp tác quốc phòng vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng (ADMM-14); Tuyên bố chung Bộ trưởng Quốc phòng các nước ADMM+ về Tầm nhìn chiến lược an ninh của ADMM+ (ADMM+ lần thứ 7). Điều này có ý nghĩa rất lớn, khẳng định tầm quan trọng của cơ chế ADMM, ADMM+, thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao, cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của các quốc gia thành viên ASEAN và ADMM+ trong tăng cường hợp tác quốc phòng, đóng góp hiệu quả cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Có thể nói, việc các nước phối hợp rất chặt chẽ với chúng ta để tổ chức thành công các hội nghị quân sự, quốc phòng cũng như triển khai các hoạt động hợp tác trong năm 2020 đã thể hiện sự ủng hộ rất cao của các nước đối với năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Đồng thời, điều đó cũng thể hiện rõ uy tín, vị thế của chúng ta, được các nước ASEAN và đối tác lắng nghe, đạt được sự đồng thuận cao trong triển khai các kế hoạch, chương trình, sáng kiến đề ra trong năm 2020, góp phần tích cực nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam đã tham gia vào Liên Hợp Quốc và trong chính sách đối ngoại, chúng ta tuyên bố một cách mạnh mẽ và cũng luôn là quốc gia có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Xin Thượng tướng đánh giá về tầm quan trọng của các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc?
Việc tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là một trong những chính sách đối ngoại của Việt Nam, là một trong những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho Quân đội và đã được tiến hành hơn 6 năm qua.
Việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là cam kết nghiêm túc và lâu dài của Việt Nam nhằm đóng góp vào công cuộc gìn giữ và kiến tạo hòa bình trên thế giới, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các nghĩa vụ của một quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, qua đó góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cho đến nay, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của ta được triển khai làm nhiệm vụ tại các Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và Cục Hoạt động hòa bình tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, đảm nhiệm vị trí quan sát viên, các sĩ quan tham mưu, phân tích tình báo, hậu cần, đảm bảo, trang bị, tập huấn.
Tất cả lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Liên Hợp Quốc đánh giá cao, góp phần khẳng định vai trò của Việt Nam với cộng đồng quốc tế nói chung, hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc nói riêng. Đặc biệt, trong năm 2020 chúng ta có hai sĩ quan đầu tiên trúng tuyển vào cơ quan tham mưu chiến lược của Liên Hợp Quốc tại trụ sở Liên Hợp Quốc. Điều này rất thuận lợi cho chúng ta trong việc triển khai các hoạt động trong thời gian tới, đồng thời cũng khẳng định trình độ, năng lực của quân nhân Việt Nam trong các môi trường làm việc quốc tế.
Trong năm 2020, bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 của ta cũng để lại dấu ấn tích cực khi chữa trị số lượng bệnh nhân nhiều hơn các bệnh viện tương đương, được Liên Hợp Quốc đánh giá rất cao về những kết quả và biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cho chính bệnh viện này cũng như cho lực lượng của Việt Nam và Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Chúng ta cũng đã hoàn thành công tác huấn luyện, sẵn sàng triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 khi có yêu cầu và đang tích cực làm tốt công tác chuẩn bị, phấn đấu trong năm 2021 đưa Đội Công binh của Việt Nam đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại một Phái bộ phù hợp.
Trong 5 năm vừa qua, cuộc chiến giữ hòa bình đã làm được rất nhiều việc. Trong thời gian tới, theo Thượng tướng, chúng ta sẽ tiếp tục đề ra những phương hướng và mục tiêu nào?
Nhiệm vụ và mục tiêu của đối ngoại quốc phòng là xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc; thu hút các nguồn lực từ bên ngoài để xây dựng quân đội, tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia.
Để thực hiện được nhiệm vụ đó, trước hết, quân đội phải chủ động nghiên cứu, nắm chắc tình hình thế giới, khu vực, kịp thời tham mưu xử lý các vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, vấn đề Biển Đông, không để bị động, bất ngờ.
Tiếp tục coi trọng cả quan hệ, hợp tác quốc phòng song phương và đa phương. Trong đó, tiếp tục ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước ASEAN và các nước bạn bè truyền thống, tập trung vào một số lĩnh vực như trao đổi đoàn cấp cao; đào tạo cán bộ; khắc phục hậu quả chiến tranh; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; quân y, đào tạo; nghiên cứu chiến lược, khoa học công nghệ; công nghiệp quốc phòng, an ninh; an ninh biển; kiểm soát dịch bệnh... Đặc biệt, cần tăng cường vận động các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và ổn định đời sống nhân dân.
Tiếp tục chủ động, tích cực tham gia các cơ chế, diễn đàn quốc phòng, quân sự đa phương do ASEAN giữ vai trò trung tâm; tham gia vào việc xây dựng, định hình, củng cố các cơ chế, luật pháp, chuẩn mực, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, ngăn ngừa xung đột, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi. Tiếp tục cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại quốc phòng; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đối ngoại quốc phòng, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương triển khai công tác đối ngoại quốc phòng; tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại quốc phòng, nắm chắc luật pháp quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, địa bàn và công nghệ thông tin... bảo đảm có đủ trình độ, khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng cả trước mắt và lâu dài.
Nguồn: http://baochinhphu.vn/Doi-ngoai/Xay-dung-long-tin-ngan-ngua-xung-dot-bao-ve-nen-hoa-binh-on-dinh/422650.vgp