Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới thì đội ngũ trí thức DTTS ở Tây Nguyên còn nhiều hạn chế, cần có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
1. Thực trạng xây dựng đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Tây Nguyên là nơi hội tụ của 52/54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong đó DTTS tại chỗ chiếm hơn 26% dân số; DTTS từ nơi khác đến gần 12% và dân tộc Kinh 62%. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2021, dân số khu vực Tây Nguyên khoảng 6 triệu người, chiếm 6,13% dân số cả nước. Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức ở Tây Nguyên có những chuyển biến tích cực.
Các cấp ủy đảng, chính quyền ở Tây Nguyên nhận thức ngày càng đầy đủ tầm quan trọng của đội ngũ trí thức nói chung, trí thức DTTS nói riêng; từ đó đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tạo môi trường, điều kiện phát triển đội ngũ trí thức DTTS phù hợp với từng điều kiện cụ thể[2]. Các địa phương luôn chú trọng tới việc đào tạo học sinh, sinh viên và cán bộ là người DTTS, đồng thời đề ra các chính sách ưu đãi đặc biệt cho đối tượng là người DTTS đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong cả nước nhằm xây dựng đội ngũ trí thức có khả năng đảm nhiệm công việc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ít trí thức DTTS trưởng thành, được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân tin tưởng phân công giữ những chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị.
Tính đến cuối năm 2021, số người có trình độ đại học trở lên ở Tây Nguyên là 322.056 người, chiếm 5,3% dân số; thạc sĩ 13.175 người, chiếm 4,1%; tiến sĩ 631 người, chiếm 0,19%. Trong đó, Kon Tum có 27.653 cử nhân, 1.047 thạc sĩ, 25 tiến sĩ. Gia Lai có 87.276 cử nhân, 3.453 thạc sĩ, 21 tiến sĩ. Đắk Lắk có 108.449 cử nhân, 4.222 thạc sĩ, 200 tiến sĩ. Đắk Nông có 29.977 cử nhân, 1.362 thạc sĩ, 19 tiến sĩ. Lâm Đồng có 68.701 cử nhân, 3.091 thạc sĩ, 366 tiến sĩ[3]. Trí thức DTTS có trình độ đại học trở lên là 9.078 người; trong đó ở Kon Tum: 794 người, chiếm 6,93% dân số; Gia Lai: 2.744 người, chiếm 8,89% dân số; Đắk Lắk: 3.651 người, chiếm 11,02% dân số; Đắk Nông: 147 người, chiếm 2,7% dân số; Lâm Đồng: 1.742 người, chiếm 5,84% dân số[4].
Đội ngũ giáo viên người DTTS không ngừng phát triển. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 9/2021, số giáo viên DTTS trực tiếp giảng dạy ở Tây Nguyên là 6.786 người. Cụ thể, Kon Tum: 1.087 người; Gia Lai: 1.820 người; Đắk Lắk: 2.068 người; Đắk Nông: 673 người; Lâm Đồng: 1.138 người[5]. Đây là lực lượng quan trọng trong phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí vùng đồng bào các DTTS.
Số lượng học sinh phổ thông các cấp người DTTS cũng không ngừng tăng. Tính đến tháng 9/2021, số học sinh DTTS ở các tỉnh Tây Nguyên là 470.648 người; trong đó, Kon Tum: 69.944 người; Gia Lai: 142.040 người; Đắk Lắk: 140.337 người; Đắk Nông: 47.253 người; Lâm Đồng: 71.074 người[6]. Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, đào tạo ở vùng đồng bào DTTS được đầu tư xây mới và nâng cấp, sửa chữa. Hệ thống trường, lớp nội trú, bán trú từng bước kiện toàn. Các trường Dân tộc nội trú và trường, lớp bán trú được mở đến cụm xã, tạo nguồn cho các trường chuyên nghiệp và đại học để đào tạo cán bộ người DTTS.
Nhìn một cách tổng thể, đội ngũ trí thức DTTS ở Tây Nguyên đã có sự phát triển và từng bước trưởng thành cùng với quá trình phát triển của sự nghiêp cách mạng. Sinh ra, lớn lên trên chính vùng đất đỏ Bazan, các trí thức luôn thể hiện rõ lòng yêu nước và gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Cũng xuất phát từ tâm tình đó, những người con của núi rừng có khát vọng cống hiến, tinh thần trách nhiệm, tìm tòi, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị.
Những kết quả đạt được trên đây là những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, so với mục tiêu và yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới, thì việc xây dựng đội ngũ trí thức DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở Tây nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập:
Thứ nhất, những hạn chế, bất cập xuất phát từ đội ngũ trí thức DTTS.
Trong những năm qua, đội ngũ trí thức DTTS ở Tây Nguyên đã tăng lên, nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu về số lượng; hạn chế về chất lượng và cơ cấu. Số lượng đồng bào các DTTS chiếm 38% dân số của vùng, nhưng đội ngũ trí thức các DTTS chỉ chiếm 2,73%. Chỉ có 9.078 người DTTS có trình độ đại học trở lên. Đội ngũ trí thức chủ yếu hoạt động trong các đơn vị hành chính sự nghiệp nhưng chưa nhiều trong lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ, lĩnh vực đòi hỏi tính sáng tạo cao. Trí thức có trình độ cao là rất ít. Hiện nay, ở Tây Nguyên có 04 trường đại học[7] (không tính các phân hiệu đại học), tuy nhiên chỉ có 2 trường có giảng viên là người DTTS. Cụ thể, Trường Đại học Đà Lạt có 330 giảng viên, thì chỉ có 01 giảng viên người DTTS, chiếm 0,03%; Trường Đại học Tây Nguyên có 473 giảng viên, thì chỉ có 15 giảng viên người DTTS, chiếm 3,2%[8]. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, các kiến thức xã hội, kỹ năng làm việc, giao tiếp, thái độ làm việc… của một bộ phận trí thức người DTTS vẫn hạn chế. Ngay cả việc cán bộ DTTS học các chương trình lý luận chính trị cũng chưa nhiều. Từ năm 2017 đến nay, trong tổng số 3.208 cán bộ của 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông theo học chương trình Cao cấp Lý luận chính trị chỉ có 344 cán bộ người DTTS[9]. Thực tế này ít nhiều gây ra khó khăn trong việc phân bổ nguồn nhân lực giữa các ngành, nghề, lĩnh vực, ảnh hưởng đến việc tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, đời sống xã hội,... trong vùng đồng bào DTTS, làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa các khu vực, các dân tộc.
Kết quả học tập của học sinh DTTS trên địa bàn Tây Nguyên còn thấp, nhất là so học sinh người Kinh. Tỷ lệ nhập học ở bậc mẫu giáo thấp, chỉ đạt 33%, bằng 2/3 mức trung bình của cả nước (khoảng 46,4%)[10]. Học sinh DTTS chưa được chuẩn bị tốt về kỹ năng nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1, làm hạn chế khả năng tiếp thu kiến thức và học tập hòa nhập. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ bỏ học cao ở bậc học phổ thông và ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển đội ngũ trí thức DTTS.
Thứ hai, những hạn chế, bất cập xuất phát từ cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức DTTS.
Các chủ trương, chính sách của các địa phương Tây Nguyên về xây dựng đội ngũ trí thức nói chung, đội ngũ trí thức DTTS nói riêng chủ yếu mới ban hành từ khi thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Việc các chủ chương, chính sách ra đời muộn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức DTTS. Cùng với đó, một số chính sách chưa theo kịp thực tiễn đặt ra (hoặc đã lạc hậu) nên không phát huy tác dụng khuyến khích, động viên trí thức có trình độ cao, thậm chí đang dần trở thành rào cản.
Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng, bố trí, ưu đãi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS hiện nay trong hệ thống chính trị còn những bất cập, tạo nên rào cản, ảnh hưởng đến sự cống hiến của các trí thức người DTTS. Một bộ phận trí thức DTTS ở Tây Nguyên có bằng đại học không được bố trí hoặc bố trí công việc không phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Số lượng sinh viên DTTS tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học thất nghiệp, chưa có việc làm còn khá nhiều, thậm chí phải đi làm công nhân ở địa phương khác. Chính sách cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng đang có những bất cập. Học sinh cử tuyển được hưởng nhiều ưu đãi trong thời gian học tập và được phân công công tác (bố trí việc làm) sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trong khi những học sinh DTTS khác sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông tự thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học công lập không được hưởng chế độ ưu đãi trong quá trình học tập và không được ưu tiên bố trí việc làm, tạo ra sự không công bằng trong cùng đối tượng học sinh DTTS. Mặt khác, khi tiến hành cử tuyển, không có quy định điều kiện về chọn ngành học, mà để học sinh cử tuyển tự chọn ngành, nên các em chọn những ngành chưa thực sự cần thiết đối với địa phương hoặc những ngành hiện được đào tạo nhiều trong xã hội, nên sau khi tốt nghiệp khó bố trí việc làm. Quy trình chọn học sinh cử tuyển chưa được tuân thủ nghiêm nên chất lượng sinh viên cử tuyển thấp, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc còn hạn chế nên nhiều cơ quan, đơn vị không muốn tuyển dụng sinh viên cử tuyển vào làm việc. Điều này tạo tâm lý, dư luận không tốt trong việc thực hiện chính sách sử dụng nguồn nhân lực trí thức DTTS.
Trong các cơ quan, công sở ở Tây Nguyên, cán bộ DTTS chiếm tỷ lệ thấp so với quy định của nhà nước, đặc biệt, tỷ lệ người DTTS tại chỗ chỉ chiếm phần rất nhỏ. Có trường hợp, lãnh đạo cơ quan chưa thật sự quan tâm đến trí thức người DTTS. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dựng, ưu đãi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức DTTS hiện nay còn những bất cập, đặc biệt là đối với con em người DTTS tại chỗ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân có thể triệt tiêu năng lực của các trí thức người DTTS cũng như làm giảm sút niềm tin của cộng đồng DTTS tại chỗ, dẫn đến dễ bị tổn thương, thậm chí có thể bị các thế lực thù địch lợi dung để kích động, lôi kéo. Hiện nay, đáng quan ngại khi tình trạng chạy chức quyền, “con ông, cháu cha” vẫn tồn tại, tạo ra dư luận xấu đối với việc thực hiện chính sách cán bộ, hạn chế sự cống hiến của trí thức người DTTS có năng lực, có trình độ. Trong môi trường giáo dục trình độ cao, việc quy hoạch cán bộ người DTTS còn ít hoặc chưa thật sự được quan tâm. Việc bổ nhiệm một số người trục lợi, cơ hội,... vào các vị trí quan trọng trong tổ chức khiến cho các trí thức nói chung, trong đó có trí thức người DTTS chán nản, mất lòng tin, hạn chế sự cống hiến.
Trong quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức DTTS tập trung chủ yếu vào các ngành chính trị, văn hóa, khoa học xã hội mà chưa nhiều ở các ngành kinh tế, kỹ thuật, tài chính, ngân hàng, du lịch, dịch vụ... nên số lượng cán bộ người DTTS đảm nhận các vị trí công tác ở các lĩnh vực này còn rất hạn chế. Hơn nữa, trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức DTTS vẫn chưa phát huy được đối tượng là DTTS tại chỗ, “trí thức dân gian” (già làng, trưởng họ, các nghệ nhân...) vốn có vai trò quan trọng đối với việc bảo tồn và phát triển tri thức bản địa cũng như trong sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.
Ngoài ra, mối liên hệ, gắn kết của đội ngũ trí thức ở Tây Nguyên chưa được chú trọng. Vai trò cầu nối của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật các tỉnh Tây Nguyên khá mờ nhạt. Công tác kết nối giữa liên hiệp hội với các cơ quan, ban, ngành cũng như khả năng tập hợp, đoàn kết trí thức còn yếu. Hoạt động của trí thức nơi đây chủ yếu mang tính cá nhân, đơn lẻ, thiếu gắn kết nhằm học hỏi, trao đổi nâng cao trình độ. Trí thức giỏi có vai trò định hướng, quy tụ, dẫn dắt sự đi lên của đội ngũ trí thức ở Tây Nguyên hiện nay rất ít.
Sự thiếu gắn kết còn thể hiện qua việc chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ, bền vững giữa các cơ sở giáo dục đại học với các viện, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Chưa tạo nhiều điều kiện, môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức giao lưu, hợp tác; gắn kết giữa lý luận với thực tiễn, lý thuyết với thực hành, nghiên cứu với sản xuất, ứng dụng để có thể phát huy được tối đa sức mạnh, sự cống hiến của trí thức đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Những hạn chế, bất cập nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau: Một là, nhận thức của một bộ phận chủ thể chưa thật đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức DTTS. Điều đó dẫn đến việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển lực lượng trí thức người DTTS đạt hiệu quả chưa cao. Một số địa phương chưa xây dựng được cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ trí thức DTTS sát với tình hình thực tiễn. Chưa xây dựng được chiến lược tổng thể, tiêu chí cụ thể đối với đội ngũ trí thức DTTS của từng ngành, lĩnh vực dẫn đến khó khăn trong công tác đào tạo, quản lý, sử dụng. Hai là, về cơ bản điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào các DTTS còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc đầu tư cho phát triển giáo dục- đào tạo. Sự khó khăn về kinh tế của những người thân trong huyết tộc, dòng họ sẽ là mối bận tâm (một trách nhiệm lớn lao) đối với các trí thức DTTS; tác động không nhỏ đến sự cống hiến của họ cho tổ chức. Ba là, phần lớn đội ngũ trí thức DTTS ở Tây Nguyên xuất thân từ nông dân, nông thôn (trên địa bàn Tây Nguyên và các nơi khác đến) nên chịu ảnh hưởng nặng nề tâm lý tiểu nông, do vậy, dễ có tư tưởng an phận, ngại thay đổi, sức ỳ lớn; chưa có nhiều động lực trong hoạt động nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Tâm lý, tính cách của đồng bào các DTTS Tây Nguyên là sự bộc trực, thẳng thắn; khả năng biểu đạt ngôn ngữ (tiếng Việt) chưa đủ phong phú (đến mức tinh tế, uyển chuyển). Vì vậy, trong giao tiếp hằng ngày cũng như trong công việc không ít trường hợp đã xảy ra những va chạm không đáng có. Nhiều trường hợp, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tâm lý co cụm, thụ động - thậm chí chán chường, không muốn đóng góp ý kiến (chưa kể đến trường hợp cá biệt là những đóng góp của họ không được chú ý, ghi nhận). Bốn là, điều kiện giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ ở Tây Nguyên còn nhiều hạn chế. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nguồn lực tài chính chưa đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục, phát triển khoa học - công nghệ trong giai đoạn mới.
2. Một số giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay
Để xây dựng đội ngũ trí thức DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho các chủ thể về ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng đội ngũ trí thức DTTS.
Cấp uỷ, chính quyền các cấp ở Tây Nguyên cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong toàn hệ thống chính trị, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp về vị trí, vai trò đội ngũ trí thức DTTS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, để từ đó xây dựng được chiến lược phát triển đội ngũ trí thức đúng hướng.
Thông tin, tuyên truyền, định hướng cho người dân về nhiệm vụ, yêu cầu phát triển đội ngũ trí thức. Bằng nhiều phương thức khác nhau như: thông qua các phương tiện tuyền thông, các cuộc tiếp xúc cử tri, hội họp... tuyền truyền nâng cao nhận thức, định hướng cho người dân, nhất là vùng đồng bào các DTTS về nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đối với phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn phát triển.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân đào tạo, sử dụng đội ngũ trí thức, trong đó cần chú ý đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, nhất là đối với các cơ sở đào tạo ngành, nghề các cấp. Huy động các cá nhân, tổ chức đầu tư, liên kết trong đào tạo, sử dụng đội ngũ trí thức có hiệu quả nhằm khắc phục sự thiếu thống nhất giữa đào tạo và sử dụng như hiện nay.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ trí thức DTTS trong giai đoạn mới.
Ngoài những quy định chung của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ trí thức, các tỉnh Tây Nguyên cũng cần nghiên cứu để xây dựng các chính sách đặc thù sát với thực tiễn địa phương. Tiến hành rà soát, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định hiện có; ban hành chính sách, quy định mới đối với đội ngũ trí thức, chú trọng đến đội ngũ trí thức DTTS; các chính sách đối với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dựng, ưu đãi đội ngũ cán bộ, nhà khoa học người DTTS tham gia hoạt động trong hệ thống chính trị tại các địa phương ở Tây Nguyên.
Trong bố trí, sử dụng, tôn vinh đội ngũ trí thức DTTS cần cụ thể hoá tiêu chuẩn tuyển dụng theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch và bình đẳng. Có chính sách ưu tiên, tiêu chuẩn đặc thù đối với cán bộ DTTS. Tăng cường đầu tư mạnh mẽ cơ sở vật chất, kỹ thuật, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Cải cách mạnh mẽ chế độ tiền lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đối với sinh viên mới ra trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh đối với vùng DTTS, để thông tin đến với đồng bào nhanh chóng và đầy đủ.
Có chính sách sử dụng hết số sinh viên DTTS đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học chưa có việc làm. Khuyến khích, động viên, khen thưởng, đầu tư thỏa đáng đối với những học sinh, sinh viên DTTS có thành tích cao trong học tập, đạt giải trong các kỳ thi các cấp để tạo nguồn trí thức lâu dài cho địa phương.
Xây dựng, hoàn thiện cơ chế gắn kết, phát huy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ trí thức ở Tây Nguyên. Trước hết, cần bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật để trở thành trung tâm kết nối đội ngũ trí thức. Các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường trao đổi, liên kết trong nghiên cứu, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhân lực, ứng dụng, triển khai các kết quả nghiên cứu. Hình thành đội ngũ trí thức “hạt nhân” để làm cầu nối liên kết đội ngũ trí thức trên địa bàn. Xây dựng “mạng lưới” liên kết đội ngũ trí thức trẻ, thu hút đội ngũ trí thức DTTS tham gia dưới sự dẫn dắt của đội ngũ trí thức giỏi có nhiều kinh nghiệm. Chú trọng xây dựng và nhân rộng các đề án, mô hình phát triển đội ngũ trí thức DTTS tiêu biểu để tạo động lực và sự lan tỏa phát triển trong toàn vùng.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là vùng đồng bào các DTTS.
Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân là một trong những nội dung cơ bản, tạo điều kiện để đầu tư cho giáo dục đào tạo phát triển. Cần quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội đối với Tây Nguyên nói chung, vùng đồng bào các DTTS nói riêng. Đặc biệt là quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Quan tâm xây dựng chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào các DTTS. Trong đó, chú trọng đến hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập; chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ thoát nghèo; dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo; chính sách xuất khẩu lao động; chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo mới ở khu vực nông thôn; chính sách hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hóa, thông tin; dự án hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới.
Thứ tư, thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục - đào tạo đối với đồng bào các DTTS.
Cải cách để nâng cao chất lượng giáo dục đối với các DTTS ở Tây nguyên, chú ý đầu tư xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Thời gian qua, do nhiều nguyên nhân nên đội ngũ giáo viên giỏi chủ yếu tập trung khu vực đô thị và những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, còn vùng đồng bào các DTTS đội ngũ giáo viên vừa thiếu vừa hạn chế về chất lượng ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục - đào tạo. Vì vậy, thời gian tới các tỉnh Tây Nguyên cần chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên có trình độ, tâm huyết, bảo đảm các điều kiện vật chất và tinh thần để họ yên tâm công tác vùng đồng bào các DTTS, từ đó tạo cơ sở, nền tảng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và phát triển đội ngũ trí thức người DTTS.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng cần quan tâm tăng cường hệ thống trường Dân tộc nội trú, góp phần thực hiện tốt chính sách ưu tiên trong giáo dục - đào tạo đối với đồng bào DTTS. Tuy nhiên, số lượng 14.497 học sinh, chiếm 8,5% học sinh DTTS đang theo học như hiện nay là còn quá khiêm tốn so với yêu cầu nhiệm vụ của khu vực và thực tế của Tây nguyên[11]. Thông qua việc đào tạo ở các trường Dân tộc nội trú, lựa chọn học sinh có triển vọng cho đi đào tạo ở bậc cao hơn, và coi đây là nguồn bổ sung cán bộ chủ yếu và quan trọng cho các tỉnh Tây Nguyên, đảm bảo trong 5-10 năm tới có một đội ngũ cán bộ kế cận vững vàng cho vùng DTTS.
Song song với việc mở rộng và phát triển hệ thống trường Dân tộc nội trú, cần hoàn thiện quy chế, xây dựng nội dung chương trình và hệ thống trường lớp nhằm tổ chức bồi dưỡng thường xuyên về các lĩnh vực: quản lý nhà nước, lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ DTTS, để đảm bảo trong thời gian tới đội ngũ cán bộ người dân tộc có trình độ tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Từng bước nâng cấp và hiện đại hoá các trường dự bị đại học đối với con em đồng bào các DTTS. Đây là cơ sở quan trọng để con em đồng bào các dân tộc có thể được đào tạo ở các cấp học cao hơn.
Gắn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức DTTS với quy hoạch, chiến lược phát triển toàn vùng Tây Nguyên; xác định và dự báo nhu cầu, mục tiêu, nội dung đào tạo, bồi dưỡng của từng cấp, ngành, lĩnh vực theo từng giai đoạn cụ thể nhằm đáp ứng số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ trí thức hợp lý cho sự phát triển. Có cơ chế mạnh mẽ khuyến khích trí thức người DTTS không ngừng phấn đấu học tập về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, công nghệ thông tin; bồi dưỡng kiến thức xã hội, kỹ năng làm việc, giao tiếp; tu dưỡng đạo đức, tác phong, lý tưởng, ý chí, khát vọng cống hiến vì sự phát triển của quê hương, đất nước,tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học… để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, phát triển kỹ năng.
Tiếp tục thực hiện chính sách cử tuyển, đào tạo dự bị đại học, đồng thời có chương trình đào tạo phù hợp, kết hợp lý thuyết với thực hành, góp phần phát triển đội ngũ trí thức người DTTS ở Tây Nguyên cả về số lượng và chất lượng; chú ý đào tạo toàn diện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở Tây Nguyên, trong đó ưu tiên đào tạo các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, y tế, sư phạm (đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non và tiểu học, giáo viên dạy tiếng DTTS). Khuyến khích đội ngũ trí thức gắn bó với Tây Nguyên đi đào tạo ở nước ngoài, đặc biệt là các ngành mà Tây Nguyên đang cần.
Thứ năm, xây dựng chiến lược phát triển khoa học cho Tây Nguyên.
Công cuộc đổi mới đã và đang tạo ra những những thay đổi tích cực, toàn diện cho vùng Tây Nguyên, nhưng vẫn phải nhìn nhận một cách khách quan Tây nguyên vẫn là khu vực còn nghèo, kinh tế phát triển chậm, trình độ khoa học – công nghệ lạc hậu so với các vùng khác trong cả nước và cũng không tương xứng với tiềm năng của vùng. Do vậy, cùng với việc đào tạo đội ngũ trí thức, các tỉnh Tây Nguyên cần xây dựng chiến lược phát triển khoa học - công nghệ, khoa học xã hội để đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Việc xây dựng các chiến lược phát triển khoa học - công nghệ, khoa học xã hội phải xuất phát từ yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá Tây Nguyên mà nhất là vùng DTTS và phù hợp những điều kiện thực tế của vùng cũng như mỗi địa phương. Việc xây dựng chiến lược phát triển khoa học với tư cách là động lực phải tập trung trí tuệ của các chuyên gia, những nhà quản lý để phân tích một cách khoa học những kết quả kinh tế - xã hội, xây dựng nguồn lực con người mà Tây Nguyên đạt được trong thời gian vừa qua, trên cơ sở đó nhận rõ yếu tố khoa học nào đã đi vào đời sống, để từ đó xác định đúng về sự tác động của khoa học công nghệ đối với đời sống xã hội vùng DTTS trong thời gian tới.
Thực hiện tốt những nội dung trên sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, thúc đẩy hiệu quả công cuộc xoá đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, phát huy nguồn lực con người; để các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên đạt kết quả như mong muốn, tương xứng với tiềm năng, vị trí quan trọng của vùng.
PGS, TS Đoàn Triệu Long
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.
2. Nguyễn Minh Hải, Xây dựng đội ngũ giảng viên các trường đại học ở Tây Nguyên hiện nay, Luận án tiến sỹ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2019.
3.http://www.lapphap.vn/Pages/TinTuc/207149/Thuc-hien-chinh-sach-giao-duc-doi-voi-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-o-Tay-Nguyen---nhung-kien-nghi-hoan-thien.html
5. Lương Hữu Nam, Phát triển đội ngũ trí thức ở Tây Nguyên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Luận án tiến sỹ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2017.
6. Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 của các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
7. Tổng cục Thống kê, Niên giám Thống kê 2021, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2021.
[1]Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, Đà Nẵng.
[2] Điển hình là Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 3/12/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum khóa XIII “Về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS giai đoạn 2008 -2015”; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 23/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XV “Về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS giai đoạn 2016-2020”; UBND tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh ở các trường phổ thông Dân tộc nội trú, bán trú, học sinh học tiếng Êđê, giáo viên dạy tiếng Êđê, thực hiện chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo; UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 143/QĐ-UB ngày 26/01/2010 “Về chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên người DTTS tỉnh Đắk Nông”; Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND ngày 06/9/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông “Về việc ban hành chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Đắk Nông từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021; Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 08/10/2018 của Tỉnh ủy Lâm Đồng “Về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030…
[3] Số liệu tác giả tổng hợp.
[4] Xem Lương Hữu Nam, Phát triển đội ngũ trí thức ở Tây Nguyên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Luận án tiến sỹ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2017, tr.77 - 78.
[5] Tổng cục Thống kê, Niên giám Thống kê 2021, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2021, tr.788.
[6] Tổng cục Thống kê, Niên giám Thống kê 2021, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2021, tr.794.
[7] Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Buôn Ma Thuột, Trường Đại học Yessin Đà Lạt.
[8] Xem Nguyễn Minh Hải, Xây dựng đội ngũ giảng viên các trường đại học ở Tây Nguyên hiện nay, Luận án tiến sỹ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2019, tr.93, 95.
[9] Số lượng cụ thể: năm 2017-2018 có 81 cán bộ DTTS/661 cán bộ; năm 2018-2019 có 40/546, năm 2019-2020 có 50/519, năm 2020-2021 có 63/417, năm 2021-2022 có 53/363 và 2022-2023 có 57/522 (Nguồn do tác giả tự khảo sát).
[10] http://www.lapphap.vn/Pages/TinTuc/207149/Thuc-hien-chinh-sach-giao-duc-doi-voi-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-o-Tay-Nguyen---nhung-kien-nghi-hoan-thien.html
[11] https://baodaklak.vn/channel/3486/201603/tay-nguyen-85-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-duoc-hoc-tai-truong-pho-thong-dan-toc-noi-tru-2426710/