Hiện nay, các đô thị đang đứng trước khả năng đưa ra một lựa chọn là vẫn duy trì cách thức vận hành theo phương thức truyền thống nhưng ổn định hoặc phải dồn sức để thay đổi nhằm thích ứng với môi trường, điều kiện và hoàn cảnh mới nhưng đi kèm với đó có thể là những rủi ro sẽ xuất hiện. Có thể khẳng định rằng, theo nguyên lý của sự phát triển, các đô thị không thể duy trì một cách cứng nhắc phương thức quản lý, vận hành như trước đây nữa. Bởi điều đó sẽ làm gia tăng các sức ép trong việc quản lý đô thị. Vì thế, ưu tiên đổi mới sáng tạo, thay đổi nhanh chóng hơn nữa cách thức tổ chức và vận hành là điều mà các đô thị luôn phải quan tâm, chú trọng. Đó là một trong những tiền đề cơ bản dẫn đến sự hình thành và phát triển của các đô thị thông minh.
Mặc dù thuật ngữ “đô thị thông minh” hay “thành phố thông minh” được sử dụng khá phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về thuật ngữ này.
Thành phố thông minh có thể được hiểu như một thành phố nhấn mạnh chức năng nghiên cứu khoa học và đổi mới kiến thức/công nghệ, với khả năng sáng tạo được coi như là nguồn lực chủ yếu. Để đạt được mục đích này, hệ thống IT phục vụ mọi lĩnh vực hoạt động của thành phố phải có bước chuyển vượt bậc về chất, với các dịch vụ web toàn cầu được đặt ở vị trí trung tâm[1].
Còn theo Hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Công văn số: 58/BTTTT-KHCN, ngày 11/01/2018, về các nguyên tắc định hướng về công nghệ thông tin trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam, thì “đô thị thông minh là đô thị hoặc khu vực cư dân ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp, tin cậy, có tính đổi mới sáng tạo và các phương thức khác nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phân tích, dự báo, cung cấp các dịch vụ, quản lý các nguồn lực của đô thị có sự tham gia của người dân; nâng cao chất lượng cuộc sống và làm việc của cộng đồng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế; đồng thời bảo vệ môi trường trên cơ sở tăng cường liên thông, chia sẻ dữ liệu, an toàn, an ninh thông tin giữa các hệ thống và dịch vụ”.
Hiện nay, cư dân ở các đô thị ngày càng trở nên đông đúc, hệ thống các đô thị thông minh đang dần hình thành và mở rộng ở các quốc gia[2]. Đây được xem là xu hướng chung trong quá trình phát triển của các đô thị mà nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ngày càng rộng khắp. Khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của công dân sẽ ngày càng tăng cao trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Chẳng hạn như: nhu cầu được tiếp cận các dịch vụ được dễ dàng, thuận tiện hơn ở cả khu vực công lẫn khu vực tư cũng như khả năng kết nối bên trong lẫn bên ngoài phạm vi đô thị, quốc gia được nhanh chóng hơn. Theo xu hướng đó, dần dần “nhiều thành phố sẽ kết nối các dịch vụ, tiện ích và đường sá với internet. Thành phố thông minh sẽ quả lý năng lượng, dòng nguyên liệu, hậu cần và giao thông. Các thành phố thông minh đang liên tục mở rộng hệ thống cảm biến và xây dựng nền tảng dữ liệu làm cốt lõi nhằm kết nối nhiều dự án công nghệ khác nhau và bổ sung các dịch vụ tương lai dựa trên phân tích dữ liệu và mô hình dự đoán”[3].
Quá trình hình thành và phát triển các đô thị thông minh sẽ mang đến những tác động tích cực như: tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực; cải thiện chất lượng cuộc sống; người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn lực hơn; tăng tính di động; giảm tội phạm; giảm ô nhiễm; tiếp cận giáo dục dễ dàng hơn; tiếp cận thị trường nhanh hơn; Chính phủ điện tử thông minh hơn[4]…Nói cách khác, những tiện ích mà đô thị thông minh mang lại là rất lớn trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Chính vì lẽ đó, vấn đề xây dựng và phát triển các đô thị thông minh ở Việt Nam cũng là một nhu cầu mang tính tất yếu, điều đó sẽ giúp cho các đô thị ở Việt Nam có thể bắt kịp với xu thế phát triển chung của các đô thị ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.
Gần đây, Nghị quyết số 18-NQ/TW (Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII): “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đã xác định nhiệm vụ: “…,đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh”.
Ngày 01/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 950/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030[5]. Thời gian qua, một số tỉnh, thành phố cũng đã xây dựng các đề án thành phố thông minh/đô thị thông minh.
Tựu chung lại, xây dựng và phát triển các đô thị thông minh là một nhu cầu cấp bách ở Việt Nam hiện nay, đây cũng chính là một trong những định hướng phát triển đô thị đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, ghi nhận, hoàn toàn phù hợp với các định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vấn đề cần phải tiếp tục được làm rõ là trong tiến trình này, các đô thị Việt Nam cần phải huy động các nguồn lực, tranh thủ những cơ hội như thế nào và vượt qua những thách thức ra sao để chúng ta có được những đô thị thông minh xứng tầm trong thời gian tới.
Những vấn đề đặt ra
Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, đô thị thông minh chắc hẳn sẽ tiếp tục được nâng chất ở một tầm cao mới. Vì vậy, việc hòa mình vào cuộc cách mạng này, tận dụng những thành tựu khoa học mới là một cơ hội rất lớn để chúng ta có thể xây dựng thành công các đô thị thông minh. Nhưng ngược lại, đây cũng chính là một trong những thách thức có thể tạo nên điểm nghẽn nếu như chúng ta không tranh thủ tận dụng được những cơ hội này.
Quá trình xây dựng và phát triển các đô thị thông minh còn đòi hỏi các nguồn lực nền tảng phải được huy động đến một mức độ cần thiết bao gồm: tài chính, nguồn lực con người, công tác quy hoạch cũng như năng lực của cơ quan quản lý nhà nước....v.v. Nhưng khả năng tiềm ẩn có thể xảy ra trong quá trình xây dựng đô thị thông minh chính là việc đầu tư đơn lẻ, manh mún, thiếu tính hệ thống.
Một trong những nút thắt khác cũng không thể xem nhẹ là năng lực thích ứng và tiếp cận môi trường mới của các công dân đô thị, nói chính xác hơn đó chính là khả năng cũng như nhu cầu, “thị hiếu” tham gia dưới góc độ chủ thể của người dân. Ngoài ra, còn có một số tác động chưa xác định hoặc vừa tích cực vừa tiêu cực như: tác động đến văn hóa và cảm xúc đô thị; thay đổi tập quán của cư dân thành thị[6]. Chẳng hạn, khi các cư dân ở đô thị thông minh ngày càng sử dụng phổ biến các thiết bị khoa học, công nghệ thông tin hiện đại, quá trình giao tiếp sẽ có những thay đổi lớn và dễ dẫn đến sự thờ ơ, vô cảm.
Một số giải pháp, khuyến nghị
Một là, xây dựng thể chế quản trị linh hoạt dành cho đô thị thông minh thông qua việc đổi mới hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư hạ tầng; quản lý, chia sẻ thông tin, dữ liệu; an toàn thông tin, an ninh mạng; Đồng thời, phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, mà nhất là khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình công tác cũng như năng lực làm việc trong môi trường quốc tế; tập trung hiện đại hóa nền hành chính công, xây dựng và triển khai Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử; đổi mới hoạt động cung ứng dịch vụ công trực tuyến…; nâng cao năng lực phòng, chống các hành vi tấn công hệ thống mạng.
Hai là, tăng cường công tác truyền thông chính sách, hướng đến năng lực tiếp nhận chính sách của công chúng, lấy công chúng làm trung tâm trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách về đô thị thông minh. Trong thời gian tới, cần phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách xây dựng đô thị thông minh và năng lực tiếp nhận chính sách này của công chúng. Chỉ khi công chúng có đầy đủ năng lực tiếp nhận, tham gia tích cực vào chu trình chính sách thì chính sách mới có thể đảm bảo tính khả thi cao. Thêm vào đó, cần phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của báo chí - truyền thông trong việc nắm bắt, truyền tải thông tin, tạo đồng thuận xã hội và tăng cường niềm tin của công chúng đối với chính sách xây dựng đô thị thông minh. Ngoài ra, cần chú trọng công tác đào tạo, hỗ trợ trực tiếp nhằm giúp người dân nâng cao hiểu biết và có thể tăng cường các kỹ năng sử dụng máy vi tính, truy cập internet, kết nối trên môi trường mạng...v.v. Mặt khác, cũng cần có những giải pháp giải đi kèm để quyết tốt các vấn đề phát sinh liên quan đến văn hóa, cảm xúc đô thị, tập quán sinh sống của người dân trong môi trường mới.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong một môi trường sinh sống và làm việc mới, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có chất lượng tương ứng. Do vậy, ngay từ bây giờ vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải được quan tâm hàng đầu. Trước bối cảnh cuộc CMCN 4.0, xu hướng việc làm cũng như hệ thống các kỹ năng cần thiết sẽ có những thay đổi không nhỏ. Vì vậy, vấn đề này sẽ phụ thuộc rất lớn vào vai trò ứng phó, thích nghi của hệ thống giáo dục đại học thông qua việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo cũng như cần có sự quan tâm thỏa đáng đến những ngành, nghề đặc thù như công nghệ thông tin – truyền thông; hay những ngành, nghề mới có thể xuất hiện ngày càng phổ biến hơn trong tương lai nói chung và ở các đô thị thông minh nói riêng.
Bốn là, thu hút, kiểm soát hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông (ICT)…v.v. Để có thể có đầy đủ các nguồn lực cần thiết trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, thì cần phải thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa, giảm thiểu những rủi ro đầu tư không đáng có. Hoạt động đầu tư phải đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt, có hệ thống, chặt chẽ, có tính kết nối cao và phải thật sự có hiệu quả vững chắc.
Năm là, tham khảo, học tập kinh nghiệm từ mô hình đô thị thông minh của các nước. Xây dựng đô thị thông minh là vấn đề còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Vì vậy, để đẩy nhanh quá trình xây dựng các đô thị thông minh nhưng vẫn đảm bảo được tính an toàn, chắc chắn thì học tập kinh nghiệm của các quốc gia (như Nhật Bản, Singapore…) trong quá trình xây dựng đô thị thông minh là công việc rất cần thiết. Các đô thị ít nhiều sẽ có những điểm tương đồng nhất định, vì vậy có thể nghiên cứu, vận dụng một cách hợp lý, sáng tạo, có chừng mực từ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng đô thị thông minh vào điều kiện thực tiễn của nước ta.
Tóm lại, với những chủ trương, chính sách đúng đắn về xây dựng đô thị thông minh cùng với sự nổ lực, phấn đấu, sáng tạo, nhạy bén của các cấp, các ngành và các địa phương. Hy vọng rằng, tiến trình xây dựng các đô thị thông minh ở Việt Nam sẽ đạt được nhiều kết quả trong thời gian tới; mang lại cuộc sống nhiều tiện lợi, có chất lượng hơn cho người dân; góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân./.
Trương Thế Nguyễn – Đinh Hoài Phúc
Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Thông tin và Truyền thông, Công văn số: 58/BTTTT-KHCN, ngày 11/01/2018 về hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về công nghệ thông tin trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam.
- Tiến Long – Mai Hoa, Đô thị thông minh có lợi gì cho người dân Tp. Hồ Chí Minh, https://tuoitre.vn/do-thi-thong-minh-co-loi-gi-cho-dan-tp-hcm-20171017080113205.htm.
- Phan Nam – Lê Mây, Xây dựng đô thị thông minh trong thời đại 4.0, http://vneconomy.vn/xay-dung-do-thi-thong-minh-trong-thoi-dai-40-20180810105549049.htm.
- Trương Thế Nguyễn - Nguyễn Văn Lĩnh, Năng lực tiếp nhận chính sách công của công chúng từ thực tiễn chính sách cung ứng dịch vụ công trực tuyến ở Việt Nam, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế: “Truyền thông chính sách và năng lực tiếp nhận của công chúng”, HN, 11/2018.
- Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
- Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2018 phê duyệt Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030.
- Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 950/QĐ-TTg, ngày 01/8/2018 về phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.
------------------------------------------
[1] Dưới góc độ nhìn nhận này, thì còn có sự phân biệt cụ thể giữa thành phố thông minh (“intelligent city”) và thành phố khôn ngoan (“smart city”). Xem thêm: Mai Dương, Đô thị thông minh là gì? http://reatimes.vn/do-thi-thong-minh-la-gi-18314.html
[2] Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc đến năm 2050, cứ 10 người trên thế giới thì có 8 người sống ở các thành phố (Xem thêm tại: http://dothi.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=e8ae8598-a42d-43c1-869d-eb0c27cc160d).
[3] Klaus Schwab, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2018, tr.235.
[4] Klaus Schwab, sđd, tr.236.
[5] Theo Quyết định này, trong thời gian tới ở Việt Nam sẽ hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.
[6] Klaus Schwab, sđd, tr.237.