VNHN - WHO đánh giá cao ngành y tế Việt Nam trong việc giám sát, chẩn đoán, điều trị nCoV. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Việt Nam ứng phó virus corona.
Chiều 31/1, tại cuộc họp báo thông tin về phòng chống dịch bệnh nCoV do Bộ Y tế tổ chức, PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp y tế công cộng Việt Nam cho biết, dịch đang diễn biến phức tạp, các vấn đề thời gian ủ bệnh, người lành có lây hay không chưa thật rõ ràng. Hiện, Việt Nam đã có 5 trường hợp dương tính với nCoV. Đây đều là những ca xâm nhập, đều trở về từ vùng có dịch. Đến nay, Việt Nam chưa có ca bệnh mắc virus Corona do lây lan trong cộng đồng.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện nay, sự hiểu biết về dịch bệnh, thông tin tiếp nhận, nguồn bệnh, virus chưa thực sự rõ ràng khiến người dân cũng lo lắng, hoang mang. Vì vậy, ngành y tế cần phải xác định rõ tình hình dịch bệnh. PGS Trần Đắc Phu cũng khẳng định, thời gian qua, từ khi có thông tin về dịch bệnh, Việt Nam đã làm rất quyết liệt, từ chỉ đạo của Ban Bí thư đến Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương. Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban hành kế hoạch đáp ứng theo từng cấp độ.
Đồng thời, tổ chức giám sát các cửa khẩu, các cơ sở y tế. “Việc giám sát tại các cơ sở y tế là rất quan trọng, vì nhiều ca bệnh thường vào cơ sở y tế. Còn giám sát tại cửa khẩu là cần thiết nhưng không phải lúc nào cũng có thể bắt được ca bệnh.”- ông Phu cho biết. Ông Phu cũng nhấn mạnh, tất cả thông tin về tình hình dịch bệnh liên quan đến virus corona đều được phải được công khai minh bạch. Việc này sẽ giúp người dân không hoang mang. Bên cạnh đó, từ việc cung cấp rõ ràng các thông tin, Bộ Y tế cũng sẽ nắm được phản hồi của người dân để đưa ra các biện pháp đáp ứng kịp thời. Đồng thời tiến hành điều tra dịch tễ để tìm hiều các nguồn lây, đường lây.
“Cần phải phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng để người dân hiểu đi từ vùng dịch về phải có khai báo, phải thực hiện cách ly tại nhà như thế nào, có các triệu chứng sốt cần đến các cơ sở y tế. Chúng tôi cũng mong rằng, các cán bộ nhân viên của ngành y tế sẽ làm hết sức để phòng chống dịch. Trong Tết vừa rồi, anh em dự phòng không có Tết 1 tí nào. Vì vậy, sẽ phối hợp làm tốt hơn để hạn chế dịch bệnh lây lan”- ông Phu cho biết. Bà Satoko Otsu, Trưởng nhóm đáp ứng sự kiện y tế cộng đồng khẩn cấp, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, việc WHO quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sự bùng phát của chủng mới của virus corona gây quan ngại quốc tế.
Satoko Otsu, Trưởng nhóm đáp ứng sự kiện y tế cộng đồng khẩn cấp, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam.
Quyết định này dựa trên 1 số yếu tố, trong đó bao gồm: nguy cơ lây lan dịch bệnh sang quốc tế; khả năng cần thiết có sự phối hợp toàn cầu trong nỗ lực đáp ứng ổ dịch. Theo bà Satoko, việc công bố này khẳng định đây là thời điểm cộng đồng quốc tế cùng làm việc với nhau để đưa ra các biện pháp tốt nhất, chuẩn bị, đáp ứng tốt với dịch bệnh. “Việc công bố không có nghĩa là nâng cấp độ nguy cơ hay sự đe dọa dịch bệnh đang diễn ra trên toàn cầu.
Cần phải nhìn vào thực tế, hiện nay, phần lớn các ca bệnh đều được báo cáo chủ yếu từ Trung Quốc và đã có sự lây lan ra một số nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện WHO lo ngại khả năng virus corona lây lan sang các nước có hệ thống y tế yếu hơn và chưa sẵn sàng để đối phó với dịch bệnh”- bà Satoko cho biết.
Bà Satoko cũng nêu rõ, WHO đánh giá cao ngành y tế Việt Nam trong việc giám sát, chẩn đoán, điều trị virus corona. “Chúng tôi cũng thấy rất rõ sự cam kết ở mức cao nhất của Chính phủ Việt Nam, sự vào cuộc của tất cả các ban ngành phối hợp cùng với Bộ Y tế trong việc chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng khả năng, năng lực kiểm soát và ứng phó với dịch bệnh của ngành y tế Việt Nam. Chúng tôi cam kết làm việc chặt chẽ và song hành với Việt Nam trong việc ứng phó với dịch bệnh do nCoV gây ra”- bà Satoko cho biết.