VNHNO - Sáng 18/10, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa ra xét xử vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) đối với bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (GrabTaxi). Trong phiên tòa này, khi đại diện nguyên đơn hỏi về thông tin hóa đơn cước phí chuyến đi thì các đại diện của bị đơn trả lời mâu thuẫn nhau.
Grab mâu thuẫn về thông tin hóa đơn cước phí
Mở đầu phiên tranh tụng, nguyên đơn tiếp tục hỏi bị đơn. Luật sư đại diện Vinasun chất vấn: Grab có quyền phạt tiền lái xe khi vi phạm? Theo đại diện Grab thì có quyền phạt. Vậy dựa vào quy định nào Grab được quyền phạt? Theo luật sư của Grab, trong Quyết định 24 nếu xét thấy có hành vi vi phạm thì Grab có quyền chấm dứt hợp đồng với đơn vị vận tải. Tuy nhiên, theo luật sư của Vinasun thì trong Quyết định 24 quy định chỉ chấm dứt hợp đồng chứ không được xử phạt.
Luật sư Vinasun đề cập theo Quyết định 24 thì Grab không những cung cấp phần mềm kết nối mà được quyền quản lý. Vậy nội dung quản lý gồm những công việc gì? Theo đại diện Grab, Grab được quyền cung cấp phần mềm kết nối và hỗ trợ trong quản lý, bao gồm thu hộ trong kinh doanh, phát hành hóa đơn trong trường hợp khách hàng yêu cầu, đào tạo tài xế, hướng dẫn tài xế sử dụng phần mềm và nguyên tắc về ứng xử, thưởng phạt, tạm dừng kết nối nếu đối tác tài xế không hoạt động đúng thỏa thuận...
Vậy Grab được quyền phát hành hóa đơn trong trường hợp khách hàng yêu cầu? Mọi chuyến đi có cam kết đều có hóa đơn? Grab cho hay, Grab không cam kết với Vinasun. Đến đây, Grab lúng túng trong việc ủy quyền người trả lời...
Phiên tòa xét xử vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam đối với bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam bước vào ngày làm việc thứ hai.
Luật sư Vinasun chất vấn, từ năm 2016 đến nay Grab có cam kết xuất hóa đơn trên tất cả chuyến đi hay không? Grab cho hay, trước tháng 11-2016 xuất hóa đơn cho dịch vụ chia sẻ.
Vậy trong Quyết định 24 lại quy định hóa đơn cước phí chuyến đi chứ không phải hóa đơn chia sẻ? Hóa đơn chia sẻ và cước phí có phải là một hay khác biệt nhau? - luật sư Vinasun thắc mắc. Đại diện Grab cho biết, trước tháng 11-2016 thì Grab chỉ xuất hóa đơn chi phí chia sẻ chứ không phải hóa đơn cước phí vận tải. Tiếp đó, luật sư Grab lại khẳng định, ngày từ đầu Grab sử dụng hóa đơn cước phí chuyến đi.
Vậy Grab sao lại có sự mâu thuẫn về thông tin hóa đơn cước phí? - luật sư Vinasun chất vấn. Theo Grab, Grab được quyền xuất hóa đơn cho toàn bộ chuyến đi. “Vậy tại sao tôi đã từng đi Grab sao không thấy Grab xuất hóa đơn?’- luật sư Vinasun nêu. Grab đề nghị cung cấp bằng chứng chứng minh.
Luật sư Vinasun đề cập, mỗi ngày Grab đưa ra bao nhiêu mức giá? Khi đưa ra cước phí Grab tự đưa ra hay báo cho cơ quan có thẩm quyền? Ai quản lý các mức cước phí? Theo Grab, việc điều chỉnh mức cước phí hoàn toàn được quản lý của công nghệ và sự thỏa thuận của đối tác kinh doanh vận tải, HTX và Bộ GT-VT.
Vậy mỗi lần tăng giá cước thì các doanh nghiệp vận tải có biết không? "Hàng năm chúng tôi đều có hợp đồng hợp tác với bên đối tác vận tải, cùng với các đơn vị vận tải và HTX sẽ kết hợp với nền tảng công nghệ sẽ đưa ra mức giá cước phù hợp với khách hàng" - đại diện Grab trả lời.
Theo luật sư Vinasun, trước đó thì Grab nói do các đơn vị vận tải và HTX quyết định giá cước còn bây giờ Grab nói do nền tảng công nghệ quyết định giá, vậy Grab giải thích tại sao có sự mẫu thuẫn này? Đại diện Grab cho hay, mức cước phí thì các đơn vị vận tải và HTX đưa ra, Grab chỉ hỗ trợ trên nền tảng công nghệ để đưa ra mức giá tối ưu cho khách hàng.
Luật sư Vinasun chất vấn, từ giai đoạn năm 2014-2017, Grab báo lỗ 1.700 tỷ đồng, trong khi vốn Grab chỉ có 20 tỷ đồng, gấp 85 lần vốn điều lệ, vậy Grab lấy đâu ra tiền để hoạt động? Grab từ chối trả lời.
Về chia sẻ dữ liệu cho bên thứ ba, luật sư Vinasun đặt ra vấn đề, hôm qua (ngày 17-10), Grab có chia sẻ dữ liệu người dùng cho bên thứ ba, vậy khi hoạt động đến nay Grab đã chia sẽ dữ liệu của người dùng báo nhiều lần? Grab từ chối trả lời.
Về dịch vụ đi chung xe, luật sư đại diện quyền lợi cho Vinasun cho hay, trong hoạt động của Grab có sử dụng dịch vụ đi chung xe, tức GrabShare? Theo Grab xác nhận có triển khai dịch vụ GrabShare. Vậy khi hoạt động thì Bộ GT-VT có ý kiến gì không? Theo Grab, Bộ GT-VT đã gửi công văn để xin ý kiến về dịch vụ này năm 2017 cho Bộ Tư pháp. Sau đó, Bộ Tư pháp khẳng định không có luật nào cấm dịch vụ đi chung xe vì tạo lợi ích cho xã hội.
Vậy Grab có nhận được các văn bản của Bộ GT-VT là dừng ngay dịch vụ GrabShare hay không? Grab cũng xác nhận là có nhận được và đó chỉ là đề xuất ngừng dịch vụ chứ không phải quyết định bắt Grab dừng.
Vậy trong Đề án 24 có điều khoản nào quy định cho phép Grab triển khai dịch vụ đi chung xe không? - luật sư Vinasun nêu ra. Tiếp đó, đại diện nguyên đơn là ông Trương Đình Quý hỏi, nếu các đơn vị vận tải đối tác của Grab làm sai về vấn đề thuế thì Grab có trách nhiệm liên đới hay không? Theo đại diện Grab thì không thể nắm được vì không có chức năng quản lý các đơn vị vận tải này. Tuy nhiên, theo ông Quý, Grab đã hợp tác với các đối tác vận tải này sao lại không có trách nhiệm?
Vinasun không cung cấp thông tin khách hàng cho bên thứ ba
Trước khi đến phần hỏi của bị đơn dành cho nguyên đơn, luật sư đại diện bị đơn là Grab đề nghị Tòa triệu tập đại diện Bộ GT-VT vì là cơ quan quản lý nhà nước ban hành Quyết định 24 về thí điểm đề án triển khai công nghệ hỗ trợ kết nối dịch vụ kinh doanh vận tải hành khách. Đồng thời, triệu tập đại diện Công ty Cửu Long - công ty giám định để đối chất và làm rõ một số vấn đề liên quan; yêu cầu tập hợp các đơn vị vận tải có thực hiện theo đề án thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GT-VT.
Tiếp đó, Chủ tọa phiên tòa cho rằng, sau khi thẩm tra của các bên liên quan, đương sự, luật sư… Nếu hôm qua đề nghị này được đưa ra thì HĐXX đã xem xét từng vấn đề. Tuy nhiên, hiện đang là phần tranh tụng giữa hai bên nên nếu thật cần thiết mới triệu tập.
Luật sư Grab đặt câu hỏi: Vinasun có đăng ký ngành nghề kinh doanh trồng trọt không? Đại diện Vinasun khẳng định, Vinasun chỉ đăng ký ngành nghề hoạt động kinh doanh vận tải taxi.
Phía Vinasun có chương trình dịch vụ V.Car phải không? Theo Vinasun xác nhận là có nhằm để ứng dụng công nghệ kinh doanh vận tải taxi, tạo tiện lợi cho khách hành.
Luật sư Grab hỏi: Trong trường hợp khách hàng gọi phần mềm Vinasun App thì ai điều xe? Đại diện Vinasun cho biết đặt xe bằng nhiều phương thức, có thể qua phần mềm, tổng đài đặt xe, khách hàng gọi xe.
Luật sư Grab nêu, khách hàng muốn sử dụng phần mềm App thì phải tải phần mềm đó đúng không? Vinasun khẳng định phải tải chương trình để sử dụng.
Trong đó có điều kiện cam kết nào không? - luật sư Grab chất vấn. “Chúng tôi cam kết không cung cấp bất cứ thông tin nào của khách hàng cho bên thứ ba” - đại diện Vinasun khẳng định.
Về vấn đề khởi kiện, yêu cầu khởi kiện là gì? Đại diện Vinasun đáp: “Hành vi vi phạm của Grab liên quan đến hành vi vi phạm ngoài hợp đồng trong việc kinh doanh vận tải taxi. Chúng tôi chứng minh rõ Grab là đơn vị kinh doanh vận tải taxi”, ông Trương Đình Quý - đại diện cho Vinasun khẳng định.
Chủ tọa cũng đề nghị luật sư Grab hỏi từng vấn đề cụ thể chứ không hỏi nhiều sẽ khó nắm rõ để trả lời.
Tiếp đó, luật sư đại diện cho Grab nêu: Vinasun tham gia đề án theo Quyết định 24 chứ không tham gia hợp đồng điện tử? Đại diện Vinasun cho biết, Vinasun không kinh doanh hợp đồng điện tử. Vinasun chạy xe hợp đồng và taxi, dùng chung 3 phương thức là kết nối qua tổng đài, công ty và phần mềm để kết nối xe và hành khách theo đúng quy định nhà nước.
Chiều nay tòa tiếp tục làm việc./.