04/01/2025 lúc 03:05 (GMT+7)
Breaking News

Vụ Hè Thu thành công, vụ Thu Đông dành phục vụ xuất khẩu

Dịch COVID-19 tác động đáng kể đến việc chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ lúa Hè Thu nhưng về cơ bản các tỉnh ĐBSCL đã có một vụ lúa Hè Thu thành công. Theo kế hoạch, vụ Thu Đông 2021, vùng ĐBSCL gieo sạ 700.000 ha; sản lượng ước đạt 3,864  triệu tấn. Toàn bộ sản lượng lúa Thu Đông có thể phục vụ xuất khẩu mà không cần san sẻ cho nhu cầu trong nước.

Dịch COVID-19 tác động đáng kể đến việc chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ lúa Hè Thu nhưng về cơ bản các tỉnh ĐBSCL đã có một vụ lúa Hè Thu thành công. Theo kế hoạch, vụ Thu Đông 2021, vùng ĐBSCL gieo sạ 700.000 ha; sản lượng ước đạt 3,864  triệu tấn. Toàn bộ sản lượng lúa Thu Đông có thể phục vụ xuất khẩu mà không cần san sẻ cho nhu cầu trong nước.

Sản xuất vụ Hè Thu thắng trong bối cảnh dịch COVID-19

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông, vụ mùa năm 2021 tại các tỉnh, thành phố Nam Bộ, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, dịch COVID-19 tác động đáng kể đến việc chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ lúa Hè Thu nhưng về cơ bản các tỉnh ĐBSCL đã có một vụ lúa Hè Thu thành công.

Ảnh minh họa 

Theo đó, tổng diện tích xuống giống vụ Hè Thu 2021 toàn vùng Nam Bộ là 1,599  triệu ha, giảm 11.000 ha so với vụ Hè Thu 2020 nhưng nhờ năng suất tăng 1,14 tạ/ha (ước đạt 56,51 tạ/ha) nên sản lượng vụ Hè Thu 2021 vẫn đạt 9,036 triệu tấn, tăng 120.000 tấn so với vụ Hè Thu 2020. Riêng vùng ĐBSCL, vụ Hè Thu 2021 xuống giống 1,515 triệu ha, giảm 9.000 ha; năng suất ước đạt 56,66 tạ/ha, sản lượng ước đạt 8,584 triệu tấn, tăng 124.000 tấn.

Diện tích lúa vụ Hè Thu giảm chủ yếu do chuyển đổi sang trồng cây rau màu hằng năm, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn và nhu cầu nguồn nước tưới ít hơn so với trồng lúa.

Về tình hình sử dụng giống trong vụ Hè Thu 2021, theo báo cáo sơ bộ từ các tỉnh, tỉ lệ sử dụng giống nguyên chủng là 0,2% (3.000 ha); tỉ lệ sử dụng giống xác nhận là 76,7% (khoảng 1,166 triệu ha). Đáng chú ý, tỉ lệ sử dụng lúa thường làm giống vẫn còn cao 23,1% (343.000 ha). Ông Tùng cho biết, việc giảm lượng lúa giống gieo sạ ở ĐBSCL diễn ra chậm.

“Cơ cấu giống lúa sản xuất từng mùa vụ đang có xu hướng chuyển dịch dần sang các giống lúa thơm, đặc sản (nhất là giống lúa thơm ST 24, ST 25) và giống lúa chất lượng cao phù hợp với yêu cầu thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường EU theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU đang có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới và nâng cao giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam”, ông Tùng nói.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, vụ Hè Thu 2021, chi phí dành cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chiếm khá cao trong giá thành sản xuất lúa. Nếu như chi phí làm đất chỉ chiếm 8%, chi phí giống chiếm 9% thì chi phí phân bón chiếm tới 22%, thuốc bảo vệ thực vật chiếm 16%.

Theo kế hoạch của Cục Trồng trọt, vụ Thu Đông 2021, vùng ĐBSCL gieo sạ 700.000 ha; năng suất ước đạt 55,19 tạ/ha, tăng 0,11 tạ/ha; sản lượng ước đạt 3,864  triệu tấn.

Thời điểm xuống giống vụ Thu Đông phân theo vùng ngập sâu, ngập nông và vùng ven biển. Cụ thể, vùng ngập sâu (vùng Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên) xuống giống vào cuối tháng 6 nửa đầu tháng 7, kết thúc xuống giống vào 20/8. Vùng ngập nông là vùng tương đối thuận lợi cho sản xuất 3 vụ, không bị ảnh hưởng của ngập lũ, do vậy cần tập trung triển khai đúng lịch thời vụ sản xuất, xuống giống vào đầu tháng 7 kết thúc xuống giống vào 10/8. Vùng ven biển, xuống giống vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 kết thúc vào 30/8.

Về cơ cấu giống lúa, Cục Trồng trọt khuyến nghị ưu tiên sử dụng một số giống lúa thơm chiếm tỉ lệ 30% trong cơ cấu giống: Jasmine 85, nhóm giống ST, Nàng Hoa 9, VD20, Đài Thơm 8,... Giống lúa chủ lực xuất khẩu cần chiếm tỉ lệ 50-60%: OM5451, OM6976, OM18, OM 7347, OM4900,... Hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống chất lượng trung bình IR 50404, OM 576.

Có nên giảm diện tích lúa Thu Đông?

Trước một số ý kiến của các chuyên gia về ĐBSCL cho rằng, ĐBSCL nên giảm diện tích lúa Thu Đông, chuyển sang cơ cấu cây trồng, vật nuôi khác, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, giá gạo Việt Nam đang cao hơn Thái Lan, Ấn Độ, triển vọng xuất khẩu vẫn lạc quan.

“Giai đoạn 2010-2020, diện tích lúa Thu Đông ổn định ở mức 700.000 ha cho thấy vấn đề sản xuất an toàn trong mùa lũ vẫn đảm bảo. Đáng chú ý, từ năm 2010 đến nay, năng suất lúa Thu Đông đã tăng thêm 1 tấn/ha. Lúa Thu Đông thu hoạch ở thời điểm thế giới không có gạo, nên giá lúa cao, các doanh nghiệp cũng mạnh dạn ký các hợp đồng xuất khẩu gạo cho năm sau. Toàn bộ sản lượng lúa Thu Đông có thể phục vụ xuất khẩu mà không cần san sẻ cho nhu cầu trong nước”,  ông Tùng nói.

Đối với tình hình nguồn nước phục vụ vụ lúa Thu Đông, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam Nguyễn Đức Dũng dự báo, khu vực đang trong giai đoạn mùa mưa, với lượng mưa và nguồn nước cho sản xuất dự báo sẽ khá thuận lợi. Với mực nước lũ đầu vụ không lớn nên cơ bản hệ thống đê bao, bờ bao lửng đảm bảo cao trình an toàn cho sản xuất. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần rà soát lại các tuyến bờ bao xung yếu và xây dựng kế hoạch ứng phó nếu xảy ra sự cố.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, trước tình trạng giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật tăng cao thì hiệu quả sản xuất không chỉ là sản lượng mà cần tính đến chi phí đầu vào. Việc lệ thuộc vật tư đầu vào từ nhập khẩu cũng đặt ra bài toán cần tính đến việc tự chủ những vật tư này. Bên cạnh đó, những mô hình tôm – lúa, cá – lúa… hay thay vụ lúa bằng vụ tôm, vụ cá cũng cần nhân rộng để có tư duy tích hợp trong sản xuất.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chỉ ra, mã số vùng trồng sẽ tích hợp được thông tin mùa vụ, thông qua đó để chuyển hóa, thay đổi hành vi sản xuất nông sản chất lượng hơn. Do vậy, ngành nông nghiệp phải đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng để có thể số hóa dữ liệu, làm chủ con số thống kê để đưa ra phân tích, khuyến cáo trong sản xuất. Từ đó, tránh gặp phải câu chuyện như trồng hồ tiêu, diện tích đã tăng lên gấp đôi so với định hướng sản xuất của ngành.

Nguồn: baochinhphu.vn