VNHN - Trang mckinsey.com mới đây đăng bài viết nhận định về khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam sau thành công kiểm soát đại dịch Covid-19.
Theo bài báo, Việt Nam đã trải qua hơn 2 tháng không có ca nhiễm nào trong cộng đồng, thành tích giúp Việt Nam được ca ngợi là một trong số những quốc gia thành công trong việc kiểm soát Covid-19 và là một trong những nước đầu tiên mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.
Hầu hết các cơ quan quốc tế dự kiến kinh tế Việt Nam phục hồi sẽ bắt đầu vào cuối năm nay và sẽ tăng tốc trong năm tới. (Nguồn: Bambooairways)
Những yếu tố nền tảng
Trong khi nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn hiện hữu, Chính phủ Việt Nam hiện đang chuyển sự chú ý sang việc khôi phục nền kinh tế bị thiệt hại. Việt Nam đã phát triển kinh tế tốt hơn nhiều nước, nhưng vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn. Tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên ở mức thấp nhất kể từ năm 2010, mặc dù vẫn nằm trong vùng tích cực ở mức 3,8%. Xuất khẩu và du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiêu dùng trong nước đã (và dự kiến sẽ tiếp tục) đóng vai trò rất quan trọng để phục hồi nền kinh tế.
Việt Nam có tầng lớp trung lưu và thu nhập khả dụng đang gia tăng nhanh chóng, chi tiêu trong nước từ lâu đã trở thành động lực tăng trưởng chính, chiếm 68% GDP. Cùng với áp lực từ nhu cầu giảm, 2/3 số người Việt Nam được khảo sát vào tháng 4 cho biết thu nhập đã bị giảm sút do Covid-19 và 55% cho biết họ đã cắt giảm chi tiêu.
Tình trạng phong tỏa của Việt Nam chỉ kéo dài 22 ngày, ngắn hơn đáng kể so với nhiều quốc gia khác. Điều này đã giúp giảm bớt một số áp lực đối với tiêu dùng. Gói kích thích trị giá 27 nghìn tỷ đồng được thực hiện vào tháng 3, nhắm vào các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ, cũng giúp tăng nhu cầu.
Hiện vẫn phải quan sát xem tiêu dùng trong nước có thể giữ cho nền kinh tế tăng trưởng bao lâu nếu tăng trưởng trong các lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế không phục hồi. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ đặc điểm chi tiêu của Việt Nam, có thể rút ra một số yếu tố giúp đem lại sự tự tin cho nền kinh tế.
Lý do chính cho sự lạc quan nằm ở chi tiêu cho các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, chiếm 42% GDP quốc gia, so với chỉ 26% cho các chi tiêu không cố định. Cắt giảm chi tiêu chủ yếu được cảm nhận trong danh mục chi tiêu không cố định, do đó, một phần đáng kể của nền kinh tế đất nước có thể được bảo vệ tương đối tốt.
Vẫn sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới
Tuy nhiên, theo bài báo, chỉ riêng tiêu dùng trong nước sẽ không thể đưa Việt Nam trở lại gần quỹ đạo tăng trưởng trước Covid-19. Do đó, triển vọng ngắn hạn của kinh tế Việt Nam gắn chặt với khả năng khởi động lại nền kinh tế toàn cầu và sự phục hồi của mức tiêu thụ trên toàn thế giới sẽ quay trở lại.
Hầu hết các cơ quan quốc tế dự kiến kinh tế Việt Nam phục hồi sẽ bắt đầu vào cuối năm nay và sẽ tăng tốc trong năm tới. Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều đưa ra dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,8 đến 7% vào năm 2021. Sự phục hồi du lịch quốc tế và xuất khẩu các sản phẩm sử dụng nhiều lao động sẽ rất quan trọng cho sự tăng trưởng này.
Do tính chất không thể đoán trước của Covid-19, rất khó để phân tích sự phục hồi du lịch sẽ diễn ra như thế nào, nhưng có khả năng ngành công nghiệp không khói sẽ khởi động lại trước tiên ở khu vực ASEAN khi biên giới mở cửa trở lại. Tình trạng hiện nay của Việt Nam tương đối thuận lợi để nước này có cơ hội đón được lượng lớn khách du lịch quốc tế trong chừng mực và vẫn thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn sự tái phát dịch.
Tuy nhiên, ngay cả sự phục hồi mạnh mẽ trong du lịch nội khối ASEAN cũng sẽ không ngăn được số lượng khách du lịch quốc tế giảm từ 50-70% trong năm nay. Sự sụt giảm này rõ ràng sẽ tác động đáng kể đến một lĩnh vực đã chứng kiến sự đóng cửa của hàng nghìn công ty du lịch lữ hành.
Trong khi đó, ngoài việc quảng bá đất nước là điểm đến an toàn và thú vị, không có nhiều điều mà Việt Nam có thể làm cho đến khi nhiều quốc gia mở cửa trở lại và nới lỏng các hạn chế du lịch. Mặc dù một số quốc gia có thể quảng bá du lịch nội địa để thay thế một phần thu nhập quốc tế đã mất, với GDP bình quân đầu người chỉ gấp 3 lần mức 900USD mà một khách du lịch nước ngoài thông thường chi tiêu cho mỗi chuyến đi, sẽ rất khó để thu hẹp khoảng cách này nếu Việt Nam chỉ dựa vào sức chi tiêu của khách du lịch trong nước.
Việt Nam có thể phải chủ động ủng hộ việc thực hiện các hoạt động đi lại từ các thị trường châu Á gần đó, như Trung Quốc, khi biên giới mở cửa trở lại.
Triển vọng tích cực cho các nhà sản xuất
Sản xuất là một ngành quan trọng cho sự tăng trưởng của Việt Nam, giúp Việt Nam đạt được một trong những tỷ lệ thương mại trên GDP cao nhất ở Đông Nam Á.
Covid-19 trước hết đã tấn công mạnh vào nhóm này bằng việc làm gián đoạn nguồn cung, khi Trung Quốc rơi vào tình trạng phong tỏa và sau đó do nhu cầu giảm mạnh khi các thị trường xuất khẩu chính bị đình trệ. Với xuất khẩu giảm và triển vọng phục hồi trong ngắn hạn có vẻ không chắc chắn, các doanh nghiệp bắt đầu hoãn các chương trình đầu tư theo kế hoạch, làm giảm 21% các cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 3 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, vẫn có một số “điểm sáng” đáng khích lệ ở cuối đường hầm. Rõ ràng, ngành sản xuất có tầm quan trọng lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, và vì vậy, các biện pháp quan trọng đã được thực hiện để duy trì hoạt động cho dù các nước khác vẫn đang trong tình trạng bị phong tỏa. Ví dụ, các kỹ sư từ 2 tập đoàn sản xuất điện tử nước ngoài lớn đã được phép vào Việt Nam vào đầu năm nay để đảm bảo các nhà máy của họ tiếp tục hoạt động hết công suất. Chính phủ cũng hợp tác với các doanh nghiệp địa phương để tăng cường sản xuất thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) cho các công nhân làm trong các lĩnh vực thiết yếu, giúp họ tiếp cận các thị trường toàn cầu.
Khi các nhà sản xuất trên toàn cầu bắt đầu đánh giá lại các chiến lược chuỗi cung ứng của họ để giải quyết các yếu kém bị đại dịch phơi bày, Việt Nam vẫn ở thế mạnh. Đất nước này từ lâu đã là một điểm đến hấp dẫn. Một cuộc khảo sát của McKinsey với các giám đốc điều hành tìm nguồn cung ứng thời trang được công bố vào tháng 5 ủng hộ nhận định này, với 24% số người được hỏi cho biết họ hy vọng sẽ thấy sự gia tăng sản xuất tại Việt Nam, nhiều hơn bất kỳ địa điểm nào khác ở châu Á.
Năm nay, chắc chắn sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức, nhưng Việt Nam có thể hy vọng sự tăng trưởng mạnh mẽ của những năm gần đây sẽ trở lại vào năm tới và nó có thể sẽ chứng kiến sự trở lại vị trí là một điểm đến hấp dẫn một khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi.
Nếu Việt Nam có thể tiếp tục "kỷ lục đáng gờm" về việc kiềm chế tốt dịch Covid-19, đồng thời tạo ra sự thay đổi cấu trúc phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng trong thập kỷ tới, quốc gia này không chỉ có thể lấy lại vị thế kinh tế trước Covid-19 mà còn tạo động lực cho đà tăng trưởng mới.