01/11/2024 lúc 00:07 (GMT+7)
Breaking News

Võ Nhai, Thái Nguyên: Ngày tựu trường đến gần với học sinh trường vùng dân tộc thiểu số

Bước vào năm học mới 2023 - 2024, mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện Võ Nhai được đầu tư kịp thời, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em trong huyện. Hiện nay, các trường đang gấp rút hoàn thành các hạng mục được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị nhằm chuẩn bị cơ sở vật chất tốt nhất để đón học sinh vào năm học mới, đặc biệt là các trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Trường Tiểu học Cúc Đường, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên năm học 2023 - 2024, có 1 điểm trường chính với 9 lớp và 1 điểm trường lẻ Lam Bình Sơn với 5 lớp. Trường có tổng số 304 học sinh trong đó 95% học sinh là người dân tộc thiểu số gồm các dân tộc như Tày, Mông.

Từ đầu tháng 8, thầy cô của các đơn vị, trường học trên địa bàn huyện đã bắt đầu đến trường để chuẩn bị, dọn dẹp chào đón năm học mới.

Hiệu trưởng Nhà trường - Thầy giáo Vũ Kỳ, cho biết: “Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 4 ngành Giáo dục thực hiện Chương trình GDPT 2018, theo lộ trình đã áp dụng đến lớp 4, 8 và 11. Để chủ động nguồn SGK phục vụ năm học mới, căn cứ vào đăng ký của phụ huynh học sinh thời điểm cuối năm học, Nhà trường đã thống kê số lượng và chuyển cho đơn vị cung ứng. Trước đó, khi phòng GD&ĐT huyện yêu cầu các đơn vị chọn SGK, nhà trường đã triển khai kế hoạch đến tất cả giáo viên. Việc chọn một bộ sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu dạy và học vô cùng quan trọng bởi vậy trước khi quyết định chọn, nhà trường đã tư vấn đến giáo viên những yêu cầu cần thiết đáp ứng mục tiêu cần đạt của chương trình, cấp học và phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường.”

Tại trường Phổ thông DTBT THCS Nghinh Tường, xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, với đặc thù 100% học sinh là người dân tộc thiểu số chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Nùng. Năm học này trường có tổng 171 học sinh, với 5 lớp từ lớp 6 đến lớp 9, tăng 1 lớp so với các năm học trước.  

Tại trường Phổ thông DTBT THCS Nghinh Tường các em học sinh bán trú ở lại trường nên cơ sở vật chất cần được đảm bảo trước khi các em về tựu trường.

Theo thầy giáo Vi Văn Nam, Hiệu trưởng trường Phổ thông DTBT THCS Nghinh Tường chia sẻ: Với đặc thù đối tượng tuyển sinh là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên học sinh khi bước vào các trường Phổ thông DTNT, Phổ thông DTBT gặp không ít khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng giao tiếp, nơi ăn, chốn ở. Tuy nhiên, thông qua các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước ngoài được hưởng các chế độ, chính sách về chi phí tiền ăn, trang thiết bị y tế, mua sắm thiết bị thể thao, các em còn được hưởng chi phí học tập 150.000 đồng/ tháng nhờ đó, học sinh và phụ huynh đều yên tâm cho con tới trường học tập. Đối với sách giáo khoa, nhà trường đã cho học sinh đăng ký, hiện nay đã có đủ sách và đến tay học sinh.

Cũng theo thầy Nam, mặc dù cơ sở vật chất trường còn khó khăn tuy nhiên bằng tất cả tình yêu thương, trách nhiệm các thầy cô giáo đang công tác tại trường luôn nỗ lực dành mọi sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục để học sinh người dân tộc thiểu số được hưởng đầy đủ các quyền lợi.

Đến với trường Phổ thông DTBT THCS Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, 1 trong những trường thuộc vùng sâu vùng xa khó khăn nhất của huyện Võ Nhai, trong năm học 2023 – 2024 trường có tổng số 4 lớp với 115 học sinh, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 58,6%. Để nâng cao chất lượng giáo dục, trường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, đẩy mạnh việc dự giờ, thao giảng, động viên giáo viên nêu cao tinh thần tự nghiên cứu để đổi mới, sáng tạo trong dạy học, chú trọng phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, tổ chức tốt các tiết học hướng nghiệp nhằm giúp các em lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Cùng với việc trang bị kiến thức, nhà trường còn quan tâm đến việc quản lý, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm các điều kiện nuôi dưỡng học sinh nội trú, cũng như tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa phù hợp.

Thầy Hoàng Minh Đức cho biết: Trước khi năm học mới diễn ra, đơn vị thực hiện rà soát các trường học về vật chất, trang thiết bị để đảm bảo việc giảng dạy đạt hiệu quả tốt nhất.

Thầy giáo Hoàng Minh Đức, Hiệu trưởng Nhà trường cũng chia sẻ: là một xã vùng sâu vùng xa, dân cư ít nên năm học 2023-2024 trường có 4 lớp với 115 học sinh. Đặc biệt 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong số đó 82 em học sinh là con hộ nghèo và 5 em học sinh thuộc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…Các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho học sinh người DTTS luôn được nhà trường triển khai nhanh chóng, kịp thời, nhờ đó giúp các em học sinh yên tâm hơn khi đến trường.

Thông qua các chính sách, sự quan tâm của các cấp mà sĩ số các lớp của nhà trường hàng năm được duy trì và tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi càng tăng, tình trạng bỏ học giữa chừng đã không còn diễn ra như những năm trước. Đặc biệt từ chính sách hỗ trợ 116 và các chính sách khác đã giúp cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã được tới trường, tới lớp đầy đủ và từ đó tạo nguồn nhân lực cho địa phương.

Nguyễn Hồng