18/01/2025 lúc 19:30 (GMT+7)
Breaking News

Vĩnh Long: Mừng Tết năm mới 2023 của đồng bào Khmer

Trong 3 ngày (14,15,16/4/2023) đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long sẽ làm lễ mừng Chôl Chnăm Thmây năm 2023. Trong dịp Tết cổ truyền này cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, công nhân lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang... dân tộc Khmer tỉnh Vĩnh Long sẽ được nghỉ 3 ngày.

Tết Năm mới Chôl Chnăm Thmây là lễ hội lớn nhất của đồng bào Khmer, thường diễn ra vào khoảng giữa tháng tư dương lịch hằng năm, thể hiện ước vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu – (Ảnh: Internet)

Trong lễ hội lớn nhất của đồng bào Khmer năm nay, lãnh đạo tỉnh cũng đã ra văn bản chỉ đạo, các doanh nghiệp chủ động sắp xếp, bố trí cho người lao động dân tộc Khmer được nghỉ Tết Chôl Chnăm Thmây sao cho phù hợp, tùy theo kế hoạch và tình hình thực tế của đơn vị mà bảo đảm thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và chính sách đặc thù của đồng bào dân tộc Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các cơ quan liên quan và các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, cùng nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc Khmer và truyền thống Đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua tổ chức những hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh.

Công tác bảo vệ tốt an ninh, trật tự xã hội cho đồng bào dân tộc Khmer vui tết được giao cho lực lượng công an, quân đội. Cũng như đề cao việc chú trọng vào phát động phong trào giữ gìn ấp, khóm an toàn; ngăn chặn kịp thời các tệ nạn xã hội làm mất trật tự trong khu dân cư.

Với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cùng cấp phối hợp cùng chính quyền và địa phương tổ chức thăm viếng chùa, sư sãi, các gia đình chính sách người dân tộc Khmer tiêu biểu, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây...

Đồng thời, thông qua lễ hội, cụ thể là tết Chol Chnăm Thmây sắp đến, các ngành, cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer cùng nhau phát huy khối đại doàn kết ân tộc, đề cao cảnh giác để chống lại luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng nhau phấn đấu xây dựng quê hương, thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer./.

Chôl Chnăm Thmây (hoặc Chaul Chnam Thmay) là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. “Chôl” nghĩa là “Vào” và “Chnăm Thmay” là “Năm Mới”. Hằng năm, lễ hội thường diễn ra vào khoảng giữa tháng Tư Dương lịch, bao gồm nhiều nghi lễ truyền thống và trò chơi dân gian. Lễ hội có nhiều nét tương đồng với Tết Bunpimay của Lào, Tết Songkran của Thái Lan, hay Tết Thingyan của Myanmar.

Trong ngày Tết đầu tiên - Chôl sangkran Thmây, người Khmer sẽ chọn giờ tốt nhất trong ngày, tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, trang trọng và lịch sự, mang theo lễ vật nhang đèn vào chùa làm lễ rước Đại lịch “Maha Sangkran,” đồng thời diễu hành 3 vòng chung quanh chính điện để đón chào Têvêđa. Tối đến sẽ tổ chức các trò chơi dân gian cùng các vũ điệu như hát, múa dukê, robăm, ramvông...

Ngày Tết thứ hai - Wonbơf (năm nhuận tổ chức 2 ngày), mọi người bày tỏ lòng thành tâm tín ngưỡng bằng cách mang đồ ăn thức uống đến cho các sư sãi. Đáp lại, các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn những người đã làm ra hạt gạo, đã trồng trọt, chăn nuôi, tạo cho cuộc sống ấm no, đầy đủ. Buổi chiều theo sự hướng dẫn của vị Achar, mọi người làm lễ “Đắp núi cát” (Puôn phnôm khsach) ngay tại khuôn viên chùa để mong gặp được điều lành. Tập tục này gắn với thuật cầu mưa của người xưa.

Ngày Tết thứ ba - Lơm săk, còn gọi là ngày Lễ tắm Phật. Các nhà sư dùng những cành hoa, vẩy những giọt nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát lên tượng Phật. Trong làn khói hương, người Khmer thành tâm khấn nguyện cầu mong Trời Phật gia hộ cho dân làng được dồi dào sức khỏe, ruộng rẫy tốt tươi và được mùa.

 

Hoàng Châu