Tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng được đóng góp từ nhiều mảng. Thu nhập lãi thuần tăng hơn 10% đạt 11.972 tỷ đồng do thu lãi của ngân hàng tăng trưởng 17,3%. Thu thuần từ mảng dịch vụ trong quý tăng 15% trong đó đáng chủ ý thu phí tài trợ thương mại và phí hoa hồng bảo hiểm tăng trưởng mạnh.
Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng gần 58% mang về hơn 813 tỷ đồng trong khi mảng mua bán chứng khoán đầu tư lãi gấp 10 lần mang về hơn 238 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm trước lãi 22 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, một nguyên nhân thúc đẩy lợi nhuận nữa là chi phí dự phòng rủi ro trong quý II giảm 17,2% so với cùng kỳ do không còn chịu tác động từ việc tăng trích lập dự phòng theo Thông tư 03.
Điều này được ngân hàng lý giải rằng trong quý II/2021 là quý đầu tiên VietinBank trích lập dự phòng rủi ro bổ sung cho nợ cơ cấu lại theo Thông tư 03 nên chi phí dự phòng rủi ro tăng cao so với bình quân các năm. Đồng thời, ngân hàng đã trích lập gần như đẩy đủ dự phòng theo Thông tư 03 trong năm 2021.
Bù trừ với việc lợi nhuận sụt giảm gần 28% trong quý I, luỹ kế 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của VietinBank tăng 7% so với cùng kỳ năm trước đạt 11.607 tỷ đồng, vẫn kém xa "quán quân" lợi nhuận Vietcombank và thấp hơn ba ngân hàng tư nhân lớn gồm Techcombank, VPBank và MB.
Trong nửa đầu năm, lãi từ kinh doanh ngoại hối của VietinBank tăng tưởng tới 86%, trong khi đó chứng khoán đầu tư từ âm 88 tỷ của cùng kỳ năm ngoái, thoát lỗ và mang về cho VietinBank 5,8 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của VietinBank tăng tới 10,4% đạt 1.691.062 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 9,5% với 1.238.483 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng trưởng khiêm tốn 3,8%.
Cùng với tăng trưởng cho vay tương đối cao, số dư nợ xấu nội bảng của ngân hàng cũng tăng 33,4% với 16.667 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,11% cuối năm trước lên 1,35%.