23/01/2025 lúc 02:45 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam - Xuất siêu trở lại trên các thị trường chủ lực

Tính chung 9 tháng qua, xuất khẩu hàng hóa giữ được sự tăng trưởng dương và tăng ở hầu hết các thị trường chủ lực. Đáng chú ý, cán cân thương mại quay trở lại “vị thế” xuất siêu trong tháng 9 với 0,5 tỷ USD.

Tính chung 9 tháng qua, xuất khẩu hàng hóa giữ được sự tăng trưởng dương và tăng ở hầu hết các thị trường chủ lực. Đáng chú ý, cán cân thương mại quay trở lại “vị thế” xuất siêu trong tháng 9 với 0,5 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 đạt 53,5 tỷ USD, giảm 2% so với tháng 8/2021, nhưng tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 27 tỷ USD, nhập khẩu đạt 26,5 tỷ USD.

Ảnh minh họa

31 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Nhìn chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 62,72 tỷ USD, tăng 8,5%, chiếm 26,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 177,8 tỷ USD, tăng 22,8%, chiếm 73,9%. Tính riêng quý III/2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 83,89 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,2% so với quý II năm nay.

Cả nước có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,2%).

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỉ trọng 86,27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này ước đạt 207,5 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng "tỷ đô" đóng góp lớn vào mức tăng trưởng có thể kể đến như: sắt thép các loại, ước đạt 8,23 tỷ USD, tăng 125,4% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 26,25 tỷ USD, tăng 44,5%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 36,4 tỷ USD, tăng 13,1%; điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 41,33 tỷ USD, tăng 12,4%.

Đặc biệt ghi nhận các nhóm hàng tăng về giá trị nhưng giảm về lượng như: Gỗ và sản phẩm gỗ, ước đạt 11,14 tỷ USD, tăng 30,9% mặc dù giảm 35,3% về lượng; hàng dệt và may mặc ước đạt 23,46 tỷ USD, tăng 5,8% (giảm 18,6% về lượng); giầy dép các loại ước đạt 13,33 tỷ USD, tăng 9,8% (giảm 44,2% về lượng).

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020 do sự gia tăng cả về lượng và giá xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản.

Tiêu biểu là xuất khẩu sắn tăng tới 67,6% về trị giá và tăng 50,2% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu cao su mặc dù chỉ tăng 17,1% về lượng nhưng tăng tới 52,7% về trị giá xuất khẩu; xuất khẩu hạt tiêu mặc dù giảm 3,3% về lượng nhưng tăng tới 46,9% về trị giá xuất khẩu; xuất khẩu nhân điều tăng 16,6% về lượng và tăng 14,8% về trị giá; xuất khẩu rau quả tăng 11,1% về trị giá xuất khẩu.

Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản đạt kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu than đá tăng mạnh cả về lượng và trị giá xuất khẩu (tăng 147,4% về lượng và 126,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020).

Xuất khẩu xăng dầu các loại mặc dù chỉ tăng 2,8% về lượng nhưng tăng tới 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, xuất khẩu dầu thô sụt giảm mạnh tới 45,5% về lượng và giảm 11,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu quặng và khoáng sản khác mặt dù tăng tới 28,5% về lượng nhưng do giá xuất khẩu giảm nên trị giá xuất khẩu giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Tổng cục Thống kê, một điểm tích cực nữa là hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng ở hầu hết các thị trường chủ lực, từ Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN... Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 69,8 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 38,5 tỷ USD, tăng 18,3%. Thị trường EU đạt 28,8 tỷ USD, tăng 11,6%. Thị trường ASEAN đạt 20,6 tỷ USD, tăng 21,2%. Kế đến là Hàn Quốc và Nhật Bản, lần lượt đạt 16,1 tỷ USD và 11,4 tỷ USD, tăng 11,4% và 5,1%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 đã đổi chiều khi ghi nhận kết quả xuất siêu 500 triệu USD. Mặc dù tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa vẫn nghiêng về nhập siêu 2,13 tỷ USD (trong khi cùng kỳ năm 2020 xuất siêu 16,66 tỷ USD) nhưng việc xuất siêu quay trở lại trong tháng 9 là tín hiệu tốt cho thấy sự phục hồi của doanh nghiệp sau thời gian "đóng băng" vì giãn cách xã hội.

Tại buổi họp báo ngày 30/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chỉ rõ, kết quả khả quan của xuất khẩu tháng 9 và 9 tháng vừa qua có sự nỗ lực rất cao của Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương, để duy trì sản xuất, xuất khẩu. Cụ thể, trong khi nhiều tỉnh phía nam gặp khó khăn thì doanh nghiệp thuộc những trung tâm xuất khẩu rất lớn như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên vẫn duy trì xuất khẩu, giúp bù đắp một phần khó khăn của khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương, GTVT đã rất quyết liệt giải quyết khó khăn cho lưu thông hàng hoá và giữ an toàn cho tất cả các cửa ngõ xuất khẩu như các cảng biển, cửa khẩu xuất khẩu chính của cả nước.

Động lực cho tăng trưởng 

Để tiếp tục tăng cường xuất khẩu trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Viết Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê, cho rằng, ngoài việc nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và tiêm vaccine, phải tập trung vào các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu và tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực.

Đồng thời, cần không ngừng đổi mới và tổ chức có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến, dựa trên những nền tảng mới. Cùng với đó là tập trung vào xuất khẩu trong lĩnh vực hàng hoá chế biến nông sản và thực phẩm bởi đây là những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế.

Ngoài ra, công tác phòng, chống dịch tại các địa phương phải hết sức thận trọng, linh hoạt, chắc chắn và phải bảo đảm được mục tiêu là giữ vững và mở rộng vùng xanh. Đây là điều kiện tiên quyết để tiến tới hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại dịch vụ phục hồi bền vững.

Nhận định xuất khẩu sẽ là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng trong quý IV, đại diện lãnh đạo Tổng cục Thống kê kỳ vọng, xuất khẩu có thể tăng tốc khi chính sách nới lỏng giãn cách được áp dụng tại nhiều địa phương, đặc biệt là phía nam và độ bao phủ tiêm vaccine cho người lao động ngày càng rộng hơn.

Còn theo Bộ Công Thương, thời gian tới, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi khi doanh nghiệp tiếp tục khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA, cùng với nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm. Mặt khác, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình hình dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp ở TPHCM và các tỉnh phía nam, giao thông vận tải, logistics chưa bình thường trở lại. Các doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục hoạt động trong điều kiện đảm bảo phòng chống dịch, đáp ứng điều kiện sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến”.

Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là TPHCM đang từng bước mở cửa lại, giúp doanh nghiệp dần phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, với vai trò là địa phương quan trọng bậc nhất trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Nam, việc mở cửa TPHCM sẽ giúp các địa phương lân cận đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá.

"Thị trường cơ bản hiện nay không có biến động gì. Sức mua của thị trường thế giới ổn định, có sự tăng nhẹ khi các nước đang tích cực nhập hàng để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm. Do vậy, doanh nghiệp được trở lại sản xuất sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó, có dòng tiền để trang trải chi phí, tiếp nhận người lao động trở lại làm việc và 'chạy đua' để hoàn thành các đơn hàng bị chậm muộn, giữ chân được khách hàng để có hợp đồng mới", đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Trên cơ sở sơ bộ tình hình xuất khẩu, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục trở lại, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng khoảng 10,7% so với năm 2020, vượt mục tiêu Chính phủ giao (4-5%) và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra của Bộ Công Thương tại Quyết định số 163/BCT-KH ngày 19/1/2021 (4-5%).