Thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hiện diện ngày càng nhiều trên thế giới, nhiều sản phẩm dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao khả năng cạnh tranh. Trong định hướng phát triển xuất khẩu bền vững, đa dạng hóa thị trường, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại là giải pháp mang tính lâu dài, hữu hiệu.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam ước đạt gần 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2020. Đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 230 thị trường, trong đó có hiệp định thương mại tự do với 60 nền kinh tế. Thị trường xuất khẩu chính của hàng hóa Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực Đông Nam Á… Theo ông Dương Hoàng Minh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga chia sẻ: Hàng hóa Việt Nam chỉ chiếm 0,7% tổng kim ngạch thương mại của Nga và 0,9% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam năm 2020.
Ảnh minh họa
Và theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: việc xuất khẩu sang một số thị trường tăng trưởng nhanh thường gặp phải các biện pháp phòng vệ thương mại. Đơn cử, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng từ 19,5% năm 2018 lên 23,2% năm 2019 và 27,3% năm 2020.
Do vậy, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh. Từ ngày 1-5, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh chính thức có hiệu lực, cùng 99,2% số dòng thuế nhập khẩu với hàng hóa Việt Nam được xóa bỏ. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, bởi hàng hóa Việt Nam mới chiếm không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa khoảng 700 tỷ USD/năm của Anh. Cùng với đó 15 hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết mở ra nhiều thị trường tiềm năng để hàng hóa Việt Nam tiếp tục “khai phá”.
Để đi được vào các thị trường mới, doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục điểm yếu như thiếu nhân công tay nghề cao, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, hạn chế về xúc tiến thương mại, một số sản phẩm nông, thủy sản chưa bảo đảm chất lượng; doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu ưu đãi về thuế nhập khẩu, thích ứng với quy tắc, thủ tục chứng minh xuất xứ, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện năng lực cạnh tranh.
Mặt khác các doanh nghiệp sẽ chủ động chuyển đổi số để tìm kiếm bạn hàng, đa dạng hóa thị trường là hướng đi được Bộ Công Thương và các địa phương tích cực triển khai thời gian qua. Bộ Công Thương đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử toàn cầu như Alibaba, Amazon tổ chức đào tạo nâng cao năng lực thương mại điện tử, xuất khẩu hàng hóa cho hàng nghìn doanh nghiệp. Tại Thành phố Hà Nội đã triển khai song song kênh xuất khẩu truyền thống và kênh xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba.
Cũng từ đó, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, đẩy mạnh đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ của các thị trường xuất khẩu, thực hiện giải pháp tiết giảm chi phí logistics, tăng cường trao đổi thông tin với các địa phương, doanh nghiệp để mở rộng và đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu.