11/11/2024 lúc 04:30 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam với mục tiêu phát triển xanh và bền vững – một số vấn đề đặt ra

Phát triển xanh và bền vững vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng trong xu thế phát triển chung với mọi quốc gia trên thế giới hiện nay, trong đó có Việt Nam. Bài viết đề cập các vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trước mục tiêu phát triển xanh và bền vững, từ đó đề xuất giải pháp đồng bộ, đáp ứng xu thế hội nhập và toàn cầu hóa để Việt Nam phát triển bền vững trong thế kỷ XXI.

Từ khóa: Việt Nam, vấn đề đặt ra, phát triển xanh và bền vững, mục tiêu.

1. Đặt vấn đề

Phát triển xanh và bền vững đã trở thành yêu cầu, mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng đến, khi loài người đang phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên cũng như phát sinh hàng loạt các dấu hiệu về khủng hoảng môi trường toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống trên trái đất.

Thuật ngữ “phát triển xanh” xuất hiện lần đầu tiên trong Chiến lược bảo tồn thế giới do Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên quốc tế, viết tắt là IUCN (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources) ban hành năm 1980. Chiến lược đã khẳng định “Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học”1. Như vậy, phát triển xanh thực chất là hướng đến sự phát triển nhằm bảo đảm môi trường sống, bảo đảm phát triển kinh tế không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của thế giới.

Trong khi đó, phát triển bền vững được phổ biến rộng rãi vào năm 1987 trong Báo cáo Brundtland của Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới – WCED (nay là Ủy ban Brundtland). Báo cáo đã khẳng định, phát triển bền vững là “sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai…”2. Nói cách khác, phát triển bền vững phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, không đe doạ, ảnh hưởng đến môi trường sống trong hiện tại và ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. 

Dù với cách diễn đạt dưới các giác độ khác nhau, phát triển xanh và bền vững đều hướng đến mục tiêu bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường có hiệu quả; bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, không làm ảnh hưởng đến nhu cầu của thế hệ tương lai.

Phát triển xanh và bền vững là tiền đề và động lực cơ bản để hội nhập thành công. Toàn cầu hóa và hội nhập vừa mở ra triển vọng hợp tác, vừa tạo ra những thách thức, áp lực lớn cho phát triển xanh và bền vững. Ở Việt Nam, rõ ràng cách thức phát triển theo kiểu cũ, phát triển “nóng”, không bền vững không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, có nhiều thách thức đặt ra trước mục tiêu phát triển xanh và bền vững, cần nghiên cứu và giải quyết trước hết ở tầm vĩ mô, từ cơ chế, chính sách đến nguồn lực con người.

2. Thực trạng thực hiện mục tiêu phát triển xanh và bền vững ở Việt Nam

Việt Nam đã và đang tích cực tham gia triển khai thực hiện những cam kết về phát triển xanh và bền vững. Ngày 17/8/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ban hành “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam” hay còn gọi “Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam”, gồm những định hướng làm cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân phối hợp hành động nhằm bảo đảm phát triển bền vững đất nước trong thế kỷ XXI. Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đề ra 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, trong đó định hướng thứ 6 về lĩnh vực bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu có nhiều nội dung mới, cụ thể, thể hiện quyết tâm cao, như: quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh.

Có thể khẳng định, sau một thời gian thực hiện đổi mới, nền kinh tế nước ta đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trên nhiều mặt trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế. Với việc trở thành thành viên của Tổ chức Kinh tế thế giới (WTO), nền kinh tế Việt Nam được xác lập một vị thế mới, tăng cường sức hấp dẫn đầu tư. Nền kinh tế đang có những đổi mới căn bản ở cả thế và lực, đứng trước những cơ hội to lớn đó là sự thay đổi chất lượng quan trọng của quá trình phát triển, đưa nền kinh tế nước ta sang một giai đoạn mới, đổi mới và phát triển trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện và sâu sắc hơn. Với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, mục tiêu phát triển xanh và bền vững đã và đang được triển khai, đưa vào thực tiễn. 

Cùng với nhiều nước trong khu vực và thế giới, phát triển xanh và bền vững hiện đang là một trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia ở Việt Nam, nhằm giảm phát thải các-bon, hướng đến xây dựng nền kinh tế các-bon thấp trong tương lai. Hiện nay, với 3 nội dung chính gắn liền với tăng trưởng xanh bao gồm: (1) Tăng trưởng kinh tế tập trung vào các ngành sản xuất thân thiện môi trường; (2) Giảm suy thoái môi trường; (3) Chiến lược giảm thiểu, thích ứng kịp thời với các tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định. Mô hình phát triển xanh và bền vững được nghiên cứu, áp dụng ở nhiều địa phương, lĩnh vực để giải quyết một cách hiệu quả các thách thức về kinh tế, môi trường và xã hội qua hướng tiếp cận về sinh thái, tập trung chủ yếu vào một số các công cụ, như: công nghiệp xanh, việc làm xanh, thị trường xanh, thuế xanh, cơ chế tài chính các-bon… 

3. Một số vấn đề đặt ra 

Thứ nhất, giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu tăng trưởng kinh tế với sự ổn định và phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường. 

Toàn cầu hóa tạo ra khả năng hội nhập của các quốc gia và quá trình hội nhập đã đẩy toàn cầu hóa lên mức cao, toàn diện hơn. Kéo theo đó, bất bình đẳng và phân hóa giàu – nghèo ngày càng lớn, ô nhiễm môi trường và khủng hoảng tài nguyên thiên nhiên gây tác động lớn với con người và thách thức đối với sự phát triển.

Vấn đề đặt ra ở đây không chỉ là nhận thức được mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với sự ổn định, hài hòa về mặt xã hội, môi trường mà còn phải hiểu được những quy luật khách quan để đưa ra được những quyết sách quan trọng, kịp thời huy động sức mạnh nội lực và ngoại lực, tiến hành hội nhập hợp lý, tạo nên những đột phá, nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức, thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Có thể nói, đây chính là bài toán mà các nhà hoạch định chính sách cần phải giải quyết, để vừa phát triển kinh tế nhưng vừa bảo đảm sự ổn định và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa, xã hội, bảo vệ, giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống. 

Hiện nay, một số cấp chính quyền đang theo đuổi tốc độ tăng trưởng nóng thông qua các chính sách thu hút đầu tư bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng ở những địa điểm thuận tiện, ưu đãi cho thuê đất, ưu đãi thuế, thu hồi đất nông nghiệp cho việc xây dựng sân golf, xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị… Các chính sách này cần được cân nhắc, xem xét theo các tiêu chí phát triển xanh và bền vững, tránh việc nới lỏng những tiêu chuẩn sử dụng tiết kiệm tài nguyên. Bên cạnh đó, tình trạng lãng phí đất ở các khu công nghiệp; chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành các khu công nghiệp, đô thị; cho phép đầu tư các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm cao; khai thác các loại khoáng sản để xuất khẩu thô hiện đang là những vấn đề đáng lưu ý. Luật Đất đai năm 2024 với việc thắt chặt các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng là một trong những yêu cầu tất yếu nhằm bảo vệ quỹ đất nông nghiệp hiện nay.

Trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế đạt được chủ yếu dựa vào tăng đầu tư hơn là nhờ nâng cao năng suất, hiệu quả trong sử dụng nguồn nhân lực. Việc tăng vốn đầu tư và đẩy mạnh khai thác tài nguyên nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng cao đã chiếm vị trí quan trọng trong quản lý nền kinh tế. Trong khi đó, lợi thế lớn nhất của nền kinh tế trong nước là nguồn lao động dồi dào, nhân công rẻ lại chưa được quan tâm đúng hướng và đúng tầm. Nguồn vốn đầu tư Nhà nước và khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế nhưng hiệu quả hoạt động và sử dụngcòn thấp. Tiềm năng của khu vực tư, trong đó có đầu tư nước ngoài chưa được phát huy đầy đủ do những cản trở về thủ tục hành chính và một số chính sách còn thiếu ổn định, nhất quán.

Đặc biệt, hệ thống thể chế thị trường phát triển chậm và thiếu đồng bộ, trong khi đó, các yếu tố của cơ chế kinh tế cũ còn duy trì, gây cản trở sự phát triển. Tình trạng bao cấp, độc quyền và cơ chế bộ chủ quản vẫn tồn tại, kéo dài, cản trở quá trình hình thành cơ chế thị trường lành mạnh. Bên cạnh đó, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, chưa cùng nhịp với sự chuyển dịch cơ cấu ngành và yêu cầu nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, trong đó lại đầu tư tập trung đối với các ngành, các dự án sử dụng nhiều vốn hơn là sử dụng lao động, chưa quan tâm đúng mức đến khu vực tạo nhiều việc làm trong nền kinh tế. Vì vậy, cần xác định chính xác những vấn đề về phát triển kinh tế cần phải giải quyết để đạt được mục tiêu phát triển xanh và bền vững.

Nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt trong một môi trường quốc tế có nhiều biến động, khó dự đoán và có độ rủi ro cao. Trong điều kiện đó, nếu không có một cơ cấu kinh tế tổng thể hiệu quả và vững chắc, một hệ thống thể chế vận hành đồng bộ, thống nhất, nền kinh tế sẽ không thể hội nhập thành công, càng không thể bảo đảm phát triển xanh và bền vững. Cầnthấy rõ đây chính là điểm mấu chốt khi xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của nước ta trong giai đoạn tới.

Thứ hainhững thách thức về bảo vệ môi trường. 

Cùng với việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, các tiêu chí về bảo vệ môi trường cần được đặc biệt quan tâm, trong khi ô nhiễm môi trường đe dọa trực tiếp đến môi trường sống của chúng ta. Việt Nam đã ban hành khá nhiều văn bản pháp luật bảo vệ môi trường, điều này đã phát huy tác dụng tích cực trong quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, còn tồn tại những “lỗ hổng” trong bảo vệ môi trường đang chưa được quy định, như: quy định chi trả dịch vụ môi trường,thiếu chính sách cụ thể khuyến khích công nghệ sản xuất sạch… Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường còn lỏng lẻo, chưa có những hình thức xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, nhiều ngành kinh tế phát triển nhanh gây áp lực lớn đến môi trường và xã hội, nhưng khi lập quy hoạch phát triển lại hầu như không đề cập đến phát triển xanh và bền vững theo khía cạnh môi trường và an sinh xã hội. Đa số các bản quy hoạch này thường nặng về mục tiêu phát triển kinh tế, chưa quan tâm đúng mức đến sinh kế của một bộ phận đông đảo dân cư và bảo vệ môi trường. Nói cách khác, yêu cầu về phát triển xanh và bền vững chưa được triển khai sâu rộng trong thực tiễn. 

Thống kê cho thấy, tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ hoạt động trồng trọt (ni lông, bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) khoảng 661,5 nghìn tấn /năm, gồm 550 nghìn tấn ni lông, 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chất thải rắn phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm khoảng 67,93 triệu tấn; 77 nghìn tấn chất thải nhựa vỏ bao bì thức ăn, khoảng 880 nghìn tấn bùn thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản và 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác cũng ảnh hưởng hưởng không nhỏ đến môi trường hiện nay3. Các con số này đã cho thấy những tác động không nhỏ đến môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay.

Thứ ba là những thách thức về mặt xã hội.

Thực hiện mục tiêu phát triển xanh và bền vững, một số chính sách mới đã được ban hành trong các lĩnh vực dân số, xóa đói giảm nghèo, đô thị hóa, di dân, y tế, giáo dục… Những chính sách này về cơ bản có tác dụng tích cực đối với ổn định xã hội, nâng cao thu nhập và phúc lợi của các nhóm yếu thế, góp phần phát triển nguồn lực con người. Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng giữa đô thị và nông thôn, giữa miền núi và đồng bằng… Phát triển kinh tế cần bảo đảm sự hài hòa, ổn định và gìn giữ những giá trị tốt đẹp của văn hóa, xã hội, đây là một thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt để giải quyết.  

3. Một số giải pháp

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho mục tiêu phát triển xanh và bền vững, đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm mục tiêu phát triển xanh và bền vững trong mọi hoạt động, mọi quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước. 

Phát triển xanh và bền vững phải được lồng ghép và thể hiện rõ trong mọi hoạt động của các cấp, các ngành, đồng thời, kiên quyết loại bỏ các kế hoạch mà ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển xanh và bền vững. Cần coi đây là nhiệm vụ then chốt, là mục tiêu hướng đến trong giai đoạn hiện nay, là tiêu chí đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức, trong khu vực công và khu vực tư.

Hai là, đẩy mạnh tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường trong nền kinh tế. Trong đó, thị trường khoa học – công nghệ cần được xây dựng và phát triển, hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Cơ chế kinh tế cũ không còn phù hợp cần được xóa bỏ căn bản; đồng thời, tiếp tục đổi mới và phát triển cơ chế quản lý kinh tế phù hợp với thời kỳ mới, nhanh chóng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thị trường. 

Cần chuyển từ mô hình phát triển chủ yếu dựa vào vốn và khai thác tài nguyên bên trong quốc gia sang mô hình hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế thế giới, dựa trên lợi thế về lao động, tiềm năng trí tuệ, ứng dụng khoa học – công nghệ, phát triển kinh tế xanh. Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm công bằng xã hội; hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trung hòa các-bon, hạn chế việc tăng nhiệt toàn cầu, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên việc ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh quốc gia, giảm thiểu đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến môi trường sống.

Ba là, chú trọng phát triển và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Huy động mạnh mẽ các nguồn lực trong phát triển giáo dục – đào tạo, tạo ra một cơ cấu lao động mới, trong đó đặc biệt chú trọng nguồn lao động có trình độ cao, ứng dụng được công nghệ số trong kỷ nguyên số để góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững.

Bốn là, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của mọi người dân, tổ chức về phát triển xanh và bền vững, trở thành yêu cầu thường trực trong mọi hoạt động lập kế hoạch và quản lý ở các cấp, các ngành, được cụ thể hoá thành các chính sách, biện pháp và những công cụ hành chính, kinh tế, tài chính phù hợp. Làm tốt công tác truyền thông cũng sẽ góp phần đắc lực vào việc thực hiện mục tiêu phát triển xanh và bền vững.

Năm là, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát trong thực hiện mục tiêu phát triển xanh và bền vững. Có cơ chế theo dõi, báo cáo, giám sát, thu thập và công bố thông tin về quá trình thực hiện những nội dung phát triển xanh và bền vững. Huy động sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, các phương tiện truyền thông, bao gồm cả hệ thống mạng xã hội trong việc giám sát thực hiện mục tiêu phát triển xanh và bền vững. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, công bố rộng rãi việc xử lý các đối tượng vi phạm về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng.

4. Kết luận

Phát triển xanh và bền vững vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong sự phát triển chung của nhân loại. Để phát huy các lợi thế, vượt qua các thách thức trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đạt được những mục tiêu chung trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội, bảo vệ môi trường, hiện thực hóa mục tiêu phát triển xanh và bền vững, đưa Việt Nam vững bước tiến lên trong thế kỷ XXI.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà
Học viện Hành chính Quốc gia

Chú thích:
1, 2. Ngô Đình Xây (2011). Quan điểm phát triển nhanh và bền vững trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 3/2011.
3. Những con số biết nói! https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/nhung-con-so-biet-noi-639873.html
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Đức Chính (2020). Định hướng đổi mới quản lý nhà nước vì mục tiêu phát triển kinh tế du lịch bền vững. Tạp chí Quản lý nhà nước số 288, tháng 01/2020.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
3. Hồ Đức Hiệp (2023). Những vấn đề đặt ra trong quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam. Tạp chí Quản lý nhà nước số 327, tháng 4/2023. DOI: https://doi.org/10.59394/qlnn.327.2023.173.
4. Nguyễn Hoàng Quy, Lê Ánh Tuyết (2020). Định hướng phát triển chính sách công nghiệp xanh ở Việt Nam. Tạp chí Quản lý nhà nước số 296, tháng 9/2020.
5. Nguyễn Thị Thanh Tâm (2023). Một số giải pháp phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Tạp chí Quản lý nhà nước số 326, tháng 3/2023.
6. Lương Thu Thủy (2020). Đầu tư cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam và một số khuyến nghị chính sách. Tạp chí Quản lý nhà nước số 299, tháng 12/2020.
7. Trần Anh Tuấn (2023). Xây dựng đội ngũ công chức trong quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả. Tạp chí Tổ chức nhà nước, số tháng 10/2023.
8. Nguyễn Thị Thu Hà (2022). Xây dựng và phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/10/28/xay-dung-va-phat-trien-do-thi-thong-minh-o-viet-nam-hien-nay/

...