23/11/2024 lúc 03:32 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác nghiên cứu vắc xin dịch tả lợn châu Phi

VNHN - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị với phía Hoa Kỳ chuyển giao giống virus đã nghiên cứu thành công để tổ chức nghiên cứu, sản xuất vắcxin dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam.

VNHN - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị với phía Hoa Kỳ chuyển giao giống virus đã nghiên cứu thành công để tổ chức nghiên cứu, sản xuất vắcxin dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam.

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết từ ngày 10-14/2, các đơn vị chức năng của Bộ cùng một số doanh nghiệp Việt Nam làm việc với đoàn chuyên gia nghiên cứu vắcxin dịch tả lợn châu Phi của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Trong thời gian làm việc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị với phía Hoa Kỳ chuyển giao giống virus đã nghiên cứu thành công để tổ chức nghiên cứu, sản xuất vắcxin dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam. Việt Nam cũng đã gửi cho Hoa Kỳ 20 mẫu virus dịch tả lợn châu Phi phân lập tại 17 tỉnh của Việt Nam.

Tiêu hủy ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị phía Hoa Kỳ sử dụng các mẫu virus này để nghiên cứu phát triển vắcxin dịch tả lợn châu Phi. Bộ cũng đề nghị Hoa Kỳ xem xét hỗ trợ cán bộ kỹ thuật của Việt Nam sang Hoa Kỳ hoặc chuyên gia Hoa Kỳ sang Việt Nam để cùng triển khai nghiên cứu, sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi sử dụng chủng virus của Hoa Kỳ và chủng virus của Việt Nam; hỗ trợ xây dựng quy trình đánh giá chất lượng vắcxin để Việt Nam ban hành tiêu chuẩn kiểm nghiệm vắcxin sau khi nghiên cứu thành công.

Cũng tại cuộc làm việc, các nhà khoa học Hoa Kỳ đã thông báo kết quả nghiên cứu vắcxin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi của Hoa Kỳ có hiệu quả tốt chống lại chủng virus này đang gây ra các ổ dịch tại Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á hiện nay. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng để đảm bảo vắcxin dịch tả lợn châu Phi có hiệu quả, vắcxin phải được chế từ chủng virus đang lưu hành hoặc từ một chủng phân lập có cùng kiểu gene. Nghiên cứu này đã tìm ra giải pháp xóa gien I177L từ chủng virus ASFV-G độc lực cao để tạo ra được một chủng virus nhược độc đối với lợn.