VNHN - Ngày 19/8, Học viện Ngoại giao và cùng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Hà Nội và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đã tổ chức Đối thoại Biển.
Cuộc đối thoại với chủ đề “Phát triển biển bền vững: Chia sẻ quan điểm của Việt Nam và EU”, tạo cơ hội trao đổi quan điểm và thực tiễn phát triển bền vững kinh tế biển và thúc đẩy hợp tác biển giữa Việt Nam và EU.
Sau một ngày làm việc tích cực trong không khí thẳng thắn, cởi mở và thực chất, đối thoại đã nghe 12 bài tham luận, 2 bài phát biểu dẫn đề và gần 50 bình luận về nội dung phát triển biển bền vững, thu được nhiều ý kiến đóng góp bổ ích thúc đẩy hơn nữa hợp tác biển Việt Nam - EU.
Các phát biểu tại hội thảo nêu bật nhu cầu và tầm quan trọng của hợp tác biển giữa giữa hai bên khi Việt Nam triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và EU triển khai Chiến lược an ninh biển (2014).
Các học giả dự hội thảo.
Hợp tác biển Việt Nam - EU góp phần thúc đẩy liên thông, kết nối trên biển, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, an toàn đường vận tải biển, thương mại không bị cản trở giữa các vùng biển từ châu Âu đến Đông Á, đồng thời góp phần quản lý và giải quyết tranh chấp các vùng biển bằng các biện pháp hoà bình theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Việt Nam và EU có nhiều điểm có thể bổ sung tốt cho nhau trong quá trình triển khai chiến lược biển của mình, nhất là hợp tác biển cùng có lợi theo tiêu chuẩn và quy định của luật pháp quốc tế.
Các học giả đánh giá cao kinh nghiệm và năng lực của EU trong việc phát triển biển bền vững. EU là tổ chức đi đầu thế giới về phát triển bền vững biển tầm khu vực, đã triển khai đồng bộ và hài hoà chính sách ở cấp độ khu vực và quốc gia. EU đã ban hành tầm nhìn, chính sách và kế hoạch chung với các mục tiêu cao (ví dụ, hướng tới mục tiêu tới năm 2030 có 30% diện tích biển là khu bảo tồn), trong khi các quốc gia thành viên có trách nhiệm triển khai trong phạm vi chủ quyền của mình. Mục tiêu hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh phát triển bền vững với sự kết hợp chặt chẽ giữa đánh bắt, nuôi trồng, du lịch, năng lượng tái tạo biển, công nghệ sinh học xanh, chuỗi giá trị tuần hoàn xanh và vận tải xanh.
Các đại biểu chia sẻ, EU đang triển khai nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển tại khu vực như dự án “Tăng cường vai trò của EU trong kỷ nguyên đa phương ở châu Á” trong khuôn khổ Đối thoại cấp cao EU - ASEAN về an ninh biển; dự án “An ninh với châu Á 2020-2024”. EU cũng triển khai dự án giải pháp kinh tế tuần hoàn rác thải biển cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam (5/2019 - 4/2022)...
Một số đại biểu EU cho rằng hợp tác biển EU-Việt Nam trong các nội dung cụ thể còn hạn chế dù hai bên đã nỗ lực tìm kiếm các cơ hội hợp tác. Do vậy, các dự án của EU tạo đà tốt để Việt Nam và EU tiếp tục hợp tác biển sâu rộng hơn. Nhiều kiến nghị thúc đẩy hợp tác biển Việt Nam - EU thời gian tới đã được đề xuất; trong đó có tăng cường hợp tác ở cấp thể chế giữa các cơ quan chức năng, hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường công tác quản lý và nâng cao nhận thức của người dân. Các nội dung phát triển kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn, du lịch biển bền vững, xây dựng khu bảo tồn biển, xử lý rác thải nhựa đại dương, năng lượng tái tạo, nhận thức biển, khai thác nuôi trồng và bảo tồn nguồn lợi thuỷ hải sản, đa dạng hệ sinh thái biển là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai bên.
Phát biểu tại phiên bế mạc, ông Juan Zaratiegui đại diện Phái đoàn EU nhấn mạnh Việt Nam luôn là đối tác tích cực và năng động hàng đầu của EU. Đối thoại biển lần này phản ánh quyết tâm của Việt Nam và EU nhằm nâng cao hơn nữa hợp tác biển giữa hai bên.
Chia sẻ ý kiến này, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng hợp tác giữa Học viện Ngoại giao, Phái đoàn EU tại Hà Nội và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung tại hội thảo lần này là minh chứng cho thấy nhu cầu hợp tác của Việt Nam và EU, đồng thời là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên. Sự kiện này sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác biển thực chất và cụ thể giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới./.