VNHN-Sáng 2/4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Việt Nam trong Hội đồng Bảo an: Đối tác vì một nền hoà bình bền vững”.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh, Việt Nam lần đầu tiên tham gia đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) nhiệm kỳ 2008-2009. Điều này xuất phát từ mong muốn trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực chất, tích cực, để lại dấu ấn như chủ trì soạn thảo, thương lượng giúp HĐBA thông qua Nghị quyết 1889 về phụ nữ, hòa bình và an ninh, một trong 4 văn kiện quan trọng của HĐBA trong lĩnh vực này. Việt Nam cũng đưa ra sáng kiến về việc tham vấn với các thành viên Liên hợp quốc để xây dựng Báo cáo hàng năm của HĐBA thực chất, toàn diện hơn.
Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam tiếp tục ứng cử làm thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021. Qua hơn 30 năm đổi mới, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế hiện nay ngày càng được khẳng định. Trong lĩnh vực hòa bình và an ninh quốc tế, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thiết thực, tham gia chủ động, tích cực vào các cơ chế đa phương về giải trừ quân bị, không biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là một trong 10 quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Từ năm 2014, Việt Nam đã đóng góp lực lượng cho phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Việc Việt Nam ứng cử vào HĐBA lần thứ hai tiếp tục khẳng định chủ trương của Việt Nam là trở thành thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời là cơ hội để Việt Nam có thể đóng góp xây dựng tại cơ chế có tầm quan trọng chiến lược đối với hòa bình, an ninh quốc tế này, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Ông Peter Girke, Đại diện Quỹ KAS thường trú tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Peter Girke, Đại diện Quỹ KAS thường trú tại Việt Nam cho biết, tháng 6 tới, Việt Nam sẽ tham gia vào quá trình bầu cử làm thành viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021. Hội thảo lần này là cơ hội để các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cùng bàn luận Việt Nam sẽ làm được gì và cần phải làm gì để tạo sự khác biệt trong HĐBA.
Theo ông Peter Girke, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong quá trình hội nhập quốc tế như vị thế tại các cơ chế đa phương ASEAN, APEC. Nhiều sự kiện quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Việt Nam có thể chế kinh tế thị trường hội nhập được với hệ thống kinh tế quốc tế. Việt Nam cũng đã thể hiện được những kết quả kinh tế ấn tượng trong thời gian qua.
Đông Nam Á là khu vực có nhiều xung đột tiềm ẩn liên quan tới nhiều vấn đề như kinh tế, an ninh như vấn đề Biển Đông, Malacca, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Khi trở thành Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ gánh nhiều trách nhiệm quốc tế nặng nề trong việc ngăn ngừa, giải quyết xung đột chung trên khu vực, thế giới cũng như khâu quản lý hậu xung đột.
Ông Peter Girke hy vọng, khi được trúng cử vào vị trí thành viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt trách nhiệm của mình để xây dựng, bảo đảm an ninh, hòa bình trong khu vực cũng như trên thế giới.
Tại Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá, việc Việt Nam lần thứ hai tham gia quá trình bầu chọn thành viên không thường trực của HĐBA cho thấy sự kiên quyết của Việt Nam khi tích cực tham gia vào các hoạt động của Liên hợp quốc, đặc biệt là cơ quan quan trọng nhất trong việc bảo đảm an ninh và hoà bình thế giới.
Ông Nguyễn Vũ Tùng cho rằng, điều này tạo cơ hội tốt cho Việt Nam trong thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình; thể hiện rõ Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo hòa bình và phát triển bền vững thế giới. Việc trở thành thành viên không thường trực của HĐBA sẽ mang đến cho Việt Nam cơ hội cũng như những thách thức khác nhau.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham dự ba phiên thảo luận: HĐBA và chương trình nghị sự 2020-2021; HĐBA và vai trò của các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa xung đột; HĐBA và vấn đề giải quyết hậu quả xung đột. Các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến xoay quanh những nội dung trọng tâm của chủ đề Hội thảo như: Tình hình thế giới, khu vực giai đoạn 2008-2009 và triển vọng sắp tới; Tình hình HĐBA hiện nay và triển vọng giai đoạn 2020-2021; Các vấn đề lớn tại HĐBA trong giai đoạn 2020-2021 và cách tiếp cận; HĐBA và các tổ chức khu vực: Ngăn ngừa xung đột và duy trì hòa bình; Thúc đẩy vai trò của ASEAN trong HĐBA; Vai trò của HĐBA trong việc tái thiết hậu xung đột...