20/05/2024 lúc 12:27 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam sẽ phát triển mạnh nhờ vào quyết tâm chuyển đổi số

Từ Chiến thắng 30-4-1975 đến nay, gần nửa thế kỷ trôi qua, mặc dù phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách, trở ngại rất lớn, nhưng Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ rất quan trọng.

Mặc dù được đánh giá có những thành công bước đầu trong việc tạo dựng nền tảng cho sự chuyển đổi số một cách toàn diện trong giai đoạn tới, tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức trong tiến trình chuyển đổi số nền kinh tế.
Chuyển đổi số là một trong những chủ đề được bàn luận nhiều trong suốt thập niên qua do tính tất yếu của chúng cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Nhiều học giả cho rằng, trước bối cảnh đầy biến động của nền kinh tế thế giới, trong chuyển đổi số, các chính phủ cần có chiến lược hành động xuyên suốt, nhất quán để phối hợp, hỗ trợ cho khu vực tư nhân, tăng cường đầu tư cơ bản, thậm chí giữ vị trí dẫn dắt, sáng tạo tiên phong trong một số lĩnh vực công nghệ nhất định.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có hành động kịp thời trong xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật, định hình chiến lược phát triển trong tiến trình chuyển đổi số nền kinh tế. Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và trên 30% GDP vào năm 2030, với năng suất lao động tăng trên 7%/năm. Năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dẫn đầu châu Á.
Việt Nam đang đứng trước các cơ hội và thách thức trong tiến trình chuyển đổi số. Theo đó, một số tiền đề quan trọng cho chuyển đổi số như: 1- Tỷ lệ người sử dụng các nền tảng internet cao; 2- Sự sẵn sàng thích ứng của người dân, doanh nghiệp và chính quyền trong chuyển đổi số; 3- Mức độ cạnh tranh cao về các dịch vụ internet góp phần đa dạng hóa loại hình dịch vụ và hạ thấp giá thành so với các nước trong khu vực; 4- Các dịch vụ liên kết liên ngành và cấu trúc kết cấu hạ tầng ngày càng được cải thiện.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng còn nhiều thách thức để đạt được các mục tiêu đề ra: 1- Tỷ lệ sử dụng tiền mặt cao gây trở ngại đến phát triển một hệ thống giao dịch đồng bộ; 2- Tỷ lệ lao động có kỹ năng cao còn hạn chế (chỉ khoảng 10%), cản trở tiếp cận tới việc phát triển công nghệ; 3- Khả năng chia sẻ nguồn lực liên ngành còn thấp, khả năng liên kết khu vực hạn chế, đặc biệt khả năng ứng phó trước những rủi ro liên khu vực; 4- Chậm trễ trong xây dựng một số thiết chế pháp lý nhằm ứng phó các vấn đề mới trong nền kinh tế số, đặc biệt liên quan đến việc thu thuế trên nền tảng internet.
Từ Chiến thắng 30-4-1975 đến nay, gần nửa thế kỷ trôi qua, mặc dù phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách, trở ngại rất lớn, nhưng Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ rất quan trọng.
Đó là, hàn gắn vết thương chiến tranh, đấu tranh làm thất bại kế hoạch hậu chiến của đế quốc Mỹ và âm mưu chiến lược Diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới; bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, ký kết và thực hiện thành công các hiệp định, hiệp nghị về biên giới quốc gia với các nước láng giềng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; tiến hành sự nghiệp đổi mới, hội nhập với thế giới đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần giữ vững hòa bình, ổn định, tăng cường hợp tác bền vững với các nước. 

Những thắng lợi, thành tựu của đất nước gần nửa thế kỷ qua, tiếp tục chứng minh ý chí kiên cường của dân tộc, tinh thần tự lực tự cường của nhân dân ta không chỉ trong chống giặc ngoại xâm, mà còn được thể hiện trong mọi hoàn cảnh; dù khó khăn, phức tạp đến mấy, bản lĩnh của người Việt Nam luôn luôn tỏa sáng, nhất là những lúc “lửa thử vàng” vượt qua nghịch cảnh.

Tuy nhiên, đích đến nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trên thực tế còn nhiều khó khăn, trở ngại. Do đó, dân giàu không đều, tỷ lệ người nghèo còn cao. Nước thì có cơ đồ vị thế, nhưng trong tổ chức, vận hành bộ máy Nhà nước, trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp còn nhiều những vấn đề bất cập, thậm chí còn kìm hãm sự phát triển, nhất là vấn đề đào tạo, sử dụng cán bộ và thực thi dân chủ.

Để giải quyết được các vấn đề bất cập, sai lệch trong thực tiễn phù hợp với cương lĩnh đường lối của Đảng, các ngành, các cấp và toàn dân ta đã đón nhận và chủ động, quyết tâm theo kịp các nước phát triển trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chủ động theo xu thế mới

Bước sang thế kỷ XXI, cả thế giới đã và đang chuyển mình theo xu thế mới, xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư khởi đầu thời đại mới, thời đại kỷ nguyên số.

Phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, truyền thống cần cù trong lao động, tinh thần tự lực, tự cường xây dựng đất nước, trong nhiều năm qua, nhận thức được xu thế và giá trị to lớn của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã và đang hăng hái hòa nhập với thế giới, nhịp bước với các nước đi tiên phong trong xu thế mới.

Có thể nói từ cuộc Cách mạng 3.0 chuyển sang cuộc Cách mạng 4.0, đất nước ta đã vượt qua được các bỡ ngỡ, thử thách ban đầu. Mặc dù, hiện tại vẫn còn nhiều bất cập về nhận thức, về xây dựng thể chế pháp luật và còn có những rào cản làm trở ngại những khát vọng cống hiến của người Việt Nam trong thời đại kỷ nguyên số. Tuy vậy, nhìn lại thập kỷ gần đây, Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ... đã sớm có chủ trương lãnh đạo, đồng thời chỉ đạo quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, sáng tạo, hội nhập để nhịp bước cùng các nước phát triển trong xu thế công nghệ mới. Do vậy, Việt Nam đã có bước đột phá trong phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông - hạ tầng cho chuyển đổi số quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội, gắn kết sự phát triển trên không gian số với không gian phát triển vật lý truyền thống, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chỉ tính riêng việc sử dụng internet, đến nay tỷ lệ sử dụng địa chỉ internet thế hệ mới IPv6 của Việt Nam đứng thứ 2 tại ASEAN và thứ 9 toàn cầu, xếp trên cả các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ, Canada. Điều này giúp Việt Nam có cơ sở và tiềm năng để tăng tốc trong phát triển IoT và thúc đẩy nền kinh tế số.

Một đất nước đang phát triển có mức thu nhập thấp, nhưng đã đạt được nhiều chỉ số công nghệ thông minh, ngang hàng, thậm chí vượt hơn các nước phát triển có mức thu nhập cao. Đây được coi là kỳ tích, đem đến nhiều giá trị thúc đẩy phát triển trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chuyển đổi số là đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước

Thúc đẩy chuyển đổi số trở thành phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam. Đây là quan điểm rất quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước đến năm 2030.

Gần đây số lượng các doanh nghiệp được thành lập tăng mạnh. Nhiều dự án công nghệ thông minh đã được triển khai trong nhiều năm. Có nhiều doanh nghiệp, dự án công nghệ không chỉ hoạt động trong nước mà còn phát triển ra toàn cầu. Theo đó, có nhiều diễn đàn về xu thế công nghệ mới được tổ chức và truyền thông. Có nhiều khái niệm đã phổ biến, quen thuộc với người dân, như: Internet thế hệ mới, điện toán đám mây, Blockchain, trí tuệ nhân tạo… Không gian số, tài nguyên số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số…

Sự phát triển của hạ tầng số, sự ra đời của các nền tảng, ứng dụng, hệ sinh thái số đã tạo ra môi trường thuận lợi, tiện ích cho con người đổi mới phương thức trong quan hệ giữa người với người. Có thể nói, chuyển đổi số sẽ tạo ra nhiều giá trị và lợi ích cho cả loài người, cho từng quốc gia, vùng lãnh thổ.

Giá trị cốt lõi của chuyển đổi số là bảo đảm tính công khai, minh bạch, khoa học trong quản lý và sử dụng dữ liệu; giúp các tổ chức và cá nhân quan hệ giao tiếp, kết nối, thương thảo… trực tuyến, giảm bớt triệt để các thủ tục truyền thống rườm rà; giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giá bán sản phẩm gần với giá thành sản xuất, dịch vụ; đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành thực hiện các nhiệm vụ quan trọng.

Đặc biệt chuyển đổi số tạo ra môi trường sống minh bạch, từ đó triệt trừ được các gian dối, lọc lừa trong quan hệ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, an sinh cuộc sống… bảo đảm phát hiện nhanh các hành vi lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, tăng tính hiệu quả chống lợi ích nhóm, tạo điều kiện cơ bản giải quyết quốc nạn tham nhũng ở nước ta.

Vũ Nhật