30/11/2024 lúc 23:24 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tham gia CPTPP với Anh

VNHN - Việt Nam, với tư cách là nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẵn sàng chia sẻ thông tin, cũng như kinh nghiệm tham gia CPTPP nếu phía Anh quan tâm.

VNHN - Việt Nam, với tư cách là nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẵn sàng chia sẻ thông tin, cũng như kinh nghiệm tham gia CPTPP nếu phía Anh quan tâm.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh điều này tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao tổ chức vào chiều 17/9 khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam về việc gần đây Anh trao đổi và đàm phán gia nhập CPTPP.

Bà Hằng cho biết, CPTPP là một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao với các cam kết toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa các nước thành viên và tự do hóa thương mại theo hướng mở, dựa trên luật lệ quốc tế cũng như khu vực.

Ảnh minh họa

Các nước thành viên CPTPP đã thông qua quy trình gia nhập. Theo đó, các nền kinh tế quan tâm cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao của Hiệp định, cũng như quy trình gia nhập.

“Theo chúng tôi được biết, phía Anh đã có một số hoạt động trao đổi với các nước thành viên của CPTPP. Việt Nam, với tư cách là nước thành viên của CPTPP, sẵn sàng chia sẻ thông tin, cũng như kinh nghiệm tham gia CPTPP nếu phía Anh có quan tâm”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

*Về kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam và các đối tác, bà Hằng cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã có quyết định nối lại một số chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và 6 địa bàn, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào và Campuchia.

Theo đó, các đối tượng được phép nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại nói trên bao gồm công Việt Nam, người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, học sinh, sinh viên quốc tế, nhân thân của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Để thực hiện mục tiêu này, vừa qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã làm việc với các cơ quan chức năng của nước ngoài với một điều kiện là có hệ số an toàn cao. Các chuyến bay giữa Việt Nam tới Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan (Trung Quốc), Quảng Châu (Trung Quốc) được triển khai về nguyên tắc từ 15/9; với Vientiane (Lào) và Phnom Penh (Campuchia) sẽ được triển khai về nguyên tắc từ ngày 22/9.

Người muốn nhập cảnh Việt Nam trên những chuyến bay này, bao gồm cả người quá cảnh ở nước thứ 3 tại các điểm mở lại đường bay đến Việt Nam, phải tuân thủ nghiêm túc các điều kiện kiểm định y tế, xét nghiệm sau khi nhập cảnh và phải thực hiện cách ly phù hợp theo quy định về phòng chống dịch của Việt Nam.

* Liên quan đến vụ việc 18 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ tại Malaysia, bà Hằng nêu rõ: Vụ việc xảy ra vào ngày 16/8 vừa qua giữa lực lượng quản lý bờ biển Malaysia và 2 tàu cá của Việt Nam, làm 1 ngư dân Việt Nam thiệt mạng, Bộ Ngoại giao đã giao thiệp và trao công hàm gửi Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ việc nghiêm trọng này, đề nghị các cơ quan chức năng của Malaysia điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm nhân viên công vụ đã làm ngư dân Việt Nam thiệt mạng và không để lập lại hành động tương tự trong tương lai.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã đề nghị phía Malaysia sớm có hình thức hỗ trợ để đưa thi hài nạn nhân về nước theo nguyện vọng của gia đình, đối xử nhân đạo với số ngư dân đang bị bắt giữ, sớm thu xếp cho đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đi thăm lãnh sự các ngư dân để tìm hiểu thông tin và thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

“Tuy nhiên, cho đến nay, phía Malaysia chưa thu xếp được cho đại diện Đại sứ quán Việt Nam thăm lãnh sự. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy việc này”, bà Hằng cho biết thêm.