15/01/2025 lúc 06:37 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam nâng cao vị thế, tạo được niềm tin trong khu vực và toàn cầu

Theo Giáo sư Thayer, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đề ra các biện pháp ứng phó với COVID-19 trong khu vực, giúp nâng cao uy tín của nước này, đặc biệt là giữa các đối tác đối thoại.

Theo Giáo sư Thayer, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đề ra các biện pháp ứng phó với COVID-19 trong khu vực, giúp nâng cao uy tín của nước này, đặc biệt là giữa các đối tác đối thoại.

Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) vừa đánh giá rằng 2020 là năm Việt Nam nâng tầm vị thế, tạo được niềm tin trong khu vực và toàn cầu trong bối cảnh thế giới trải qua một năm đầy thách thức và biến động do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo ông Thayer, trong năm 2020, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đề ra các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 trong khu vực, giúp nâng cao uy tín của nước này, đặc biệt là giữa các đối tác đối thoại.

Việt Nam đã chủ động thể hiện vai trò lãnh đạo đặc biệt trong bốn lĩnh vực gồm thống nhất các quốc gia thành viên ASEAN trong nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi; tạo dựng sự đồng thuận về lập trường trung lập và vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh giữa các siêu cường; điều hành thành công việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); củng cố tuyên bố mang tính chính sách của ASEAN về Biển Đông bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Cũng trong năm 2020, Việt Nam lần thứ hai trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Điều này thể hiện sự ủng hộ nhất trí của khối châu Á tại Liên hợp quốc và đa số ủng hộ của các thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ ba nguyên tắc xây dựng an ninh toàn cầu gồm cam kết đa phương hóa lấy Liên hợp quốc làm trung tâm; nâng cao vai trò của các tổ chức khu vực, chẳng hạn như ASEAN và sự hợp tác mở rộng của ASEAN với Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an; tất cả các quốc gia tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc lần thứ 11.

Đánh giá về chính sách của Việt Nam đối với các vấn đề “nóng” như dịch bệnh COVID-19 và các tranh chấp trên Biển Đông, học giả Thayer cho rằng khi đại dịch COVID-19 bùng phát và lan sang Đông Nam Á, Việt Nam đã nhanh chóng chuyển chương trình nghị sự thông thường của ASEAN sang trọng tâm ưu tiên là tổ chức ứng phó với đại dịch.

Việt Nam đã đi tiên phong trong việc sử dụng hình thức trực tuyến để tổ chức các cuộc họp giữa các quan chức y tế ASEAN và các nhà lãnh đạo chính phủ chủ chốt khác. Việt Nam hoãn Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt về COVID-19.

Việt Nam đã chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của các đối tác đối thoại bằng cách tổ chức các cuộc họp cấp cao ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) cũng như các cuộc gặp song phương với các đối tác đối thoại khác như Mỹ.

Thành công của Việt Nam trong việc dẫn dắt ASEAN ứng phó với COVID-19 là nhờ một phần không nhỏ vào những nỗ lực thành công trong việc kiểm soát đại dịch ở trong nước.

Về tranh chấp trên Biển Đông, Việt Nam đã tăng cường tuyên bố chính sách của ASEAN về Biển Đông bằng cách hội tụ quan điểm về tầm quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) trong việc tạo dựng và xây dựng một trật tự pháp lý về biển./.