VNHN - 42 năm qua, Việt Nam từ một nước nhỏ, đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia tích cực đi đầu trong các hoạt động của Liên Hợp Quốc.
Những thách thức của Việt Nam sau những cuộc chiến tranh vĩ đại
Sau hơn 30 năm trở thành một quốc gia độc lập, vào ngày 20/09/1977, Việt Nam mới chính thức trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc, một tổ chức quốc tế lớn nhất, sau 2 lần bị từ chối. Trong chặng đường 42 năm qua, Việt Nam từ một nước nhỏ, chỉ biết đến chiến tranh đói nghèo, đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia tích cực đi đầu trong các hoạt động của Liên Hợp Quốc, có tiếng nói ngày càng quan trọng tại diễn đàn toàn cầu này.
Ngày 14/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức điện tới 3 đại diện của 3 nước lớn tại Liên Hợp Quốc là Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc yêu cầu công nhận nền độc lập của Việt Nam và xin gia nhập tổ chức này.
Sau 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, phải đến năm 1975 khi đất nước hoàn toàn thống nhất, công cuộc vận động vào Liên Hợp Quốc của Việt Nam mới được tiếp tục. Nhưng quá trình vận động đó cũng phải mất tới 2 năm khi Mỹ và phương Tây liên tục phủ quyết quyền được gia nhập Liên hợp quốc của Việt Nam, để cuối cùng vào tháng 9/1977, Việt Nam mới thực sự là thành viên chính thức của tổ chức này. Tuy nhiên, trước đó, sự hợp tác Việt Nam và Liên Hợp Quốc đã được bắt đầu từ tháng 7/1975 khi Qũy nhi đồng Liên Hợp Quốc lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Đánh giá về thách thức hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc trong những ngày đầu tiên ấy, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, chúng ta không có đủ nguồn lực để giải quyết tất cả những thách thức tại một đất nước vừa trải qua một thời gian dài chiến tranh.
Và một trong những thách thức đó là không thể mời được những người giỏi nhất của Liên Hợp Quốc đến Việt Nam. Ngoài ra còn có những thách thức khác như việc Việt Nam đang bị bao vây cấm vận vào thời điểm đó, việc đưa trang thiết bị cần thiết vào Việt Nam gặp nhiều khó khăn, khung pháp lý chưa thuận lợi nhưng cải thiện việc này cũng phải có vai trò của Liên Hợp Quốc. Cái tên Việt Nam vào thời điểm đó chỉ được biết đến như một quốc gia nhỏ bé vừa trải qua chiến tranh, bị bao vây cấm vận, cô lập, nghèo đói và không có tiếng nói.
Trở thành một trong số các quốc gia nhận được sự viện trợ lớn nhất của Liên Hợp Quốc
Có những giai đoạn từ 1986-1996, tổng số nguồn lực viện trợ không hoàn lại của Liên Hợp Quốc cho Việt Nam chiếm tới 60%, với số vốn lên tới gần 650 triệu USD. Thế nhưng, kể từ sau khi công cuộc Đổi mới diễn ra, Việt Nam đã có những bước chuyển mình cơ bản.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon trong chuyến tham dự Khóa họp 64 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) từ 23-26/9/2009.
Đặc biệt, kể từ năm 1995, sau khi bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, gia nhập ASEAN, ký hiệp định khung về kinh tế với EU.... từ một quốc gia nhận viện trợ hoàn toàn, Việt Nam đã bắt đầu có những đóng góp tích cực vào hoạt động của Liên Hợp Quốc, tham gia vào nhiều diễn đàn và nâng cao tiếng nói của mình tại tổ chức lớn nhất hành tinh này. Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Ngô Quang Xuân nhớ lại: “Năm 1995, trong nghề ngoại giao là một bước ngoặt. Chúng tôi bắt đầu nghĩ tới việc tham gia các cơ chế lãnh đạo của Liên Hợp Quốc. Trong năm 1995, tức là khóa 50, tiếp theo là khóa 51 và 52, chúng tôi bắt đầu tăng tốc hoạt động trong Liên Hợp Quốc và tìm kiếm cơ hội tham gia các vị trí lãnh đạo của Liên Hợp Quốc.
Khóa 52 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, chúng ta đã thành công trong việc trở thành thành viên của ECOSOC, phiếu cao nhất ở Đại Hội đồng, chúng ta cũng trở thành Phó chủ tịch lần đầu tiên tại Liên Hợp Quốc. Những sự kiện này đánh dấu bước rất mới trong hoạt động đa phương, chúng ta đã tham gia vào các cơ chế lãnh đạo của Liên Hợp Quốc. Chúng ta cũng bắt đầu tham gia vào ban lãnh đạo trong các khu vực khác, các tổ chức quốc tế khác.
Vì vậy, vị thế của Việt Nam bắt đầu thay đổi và trưởng thành”. Bước khởi đầu thuận lợi đó đã tạo tiền đề cho hàng loạt những thành công trong hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc. Những kết quả phải kể đến, đó là: Việt Nam đã thực hiện 8 mục tiêu Thiên niên kỷ trước thời hạn 2015; là thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020 -2021; Thành viên của Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 -2016; đã ký kết nhiều hiệp ước và công ước và là thành viên của nhiều cơ quan điều hành.
Ngày 17/7/2008, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm chủ trì phiên thảo luận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chủ đề 'Trẻ em và xung đột vũ trang".
Việt Nam cũng tham gia đóng góp tích cực vào Sáng kiến Thống nhất hành động của Liên hợp quốc – Một Liên Hợp Quốc; Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Trung Phi và Nam Xu đăng… Về những đóng góp của Việt Nam trong 42 năm qua, ông Kamal Malhotra nhận định, nói về những kết quả trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam có thể tự hào khi đứng trong hàng ngũ đầu của Sáng kiến thống nhất hành động của Liên Hợp Quốc – Một Liên Hợp quốc. Việt Nam luôn đi tiên phong trong giai đoạn đó. “Tôi hi vọng điều này sẽ được duy trì và tạo động lực cho nhiều hoạt động sau này. Ngoài ra, một lĩnh vực đóng góp khác của Việt Nam mà tôi rất ủng hộ.
Đó là việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc. Tôi nghĩ đó là một trong những ưu tiên của Chính phủ và lãnh đạo. Tôi nghĩ một đất nước với 35 năm chịu ảnh hưởng của chiến tranh như Việt Nam mà có được những cống hiến như vậy là một đóng góp mang tính biểu tượng cho cộng đồng quốc tế”, Điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhận định. Việt Nam cũng đã đưa ra những cam kết về việc thực hiện thành công chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc và các mục tiêu phát triển bền vững. Có thể nói, đóng góp tích cực và tham gia có trách nhiệm vào Liên Hợp quốc cũng chính là cách để Việt Nam tự giúp mình có thêm tiếng nói, tranh thủ sự hỗ trợ và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao khóa 73 Đại hội đồng LHQ. Ảnh: TTXVN
Quá trình hợp tác này vẫn đang tiếp tục được thúc đẩy hơn nữa thông qua Kế hoạch chiến lược chung 2017 - 2021 cho Việt Nam, có ngân sách dự tính là 423 triệu USD nhằm bảo đảm rằng: Mọi người sẽ đều có cơ hội công bằng để hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của đất nước. Việt Nam sẽ không trở thành nước có nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhờ những nỗ lực để thành công trong phát triển kinh tế.
Việt Nam sẽ có mô hình phát triển kinh tế mới năng suất và cạnh tranh hơn trong bối cảnh động lực tăng trưởng đang chậm lại và sẽ có thêm nhiều người tham gia vào quá trình quản trị chính sách. Như cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã từng nói: “Việt Nam đang cho cả thế giới thấy bài học của việc vượt qua mất mát trong chiến tranh để hướng tới một hiện tại và một tương lai tốt đẹp”.