26/12/2024 lúc 21:00 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam là trọng tâm trong chính sách hướng nam mới của Hàn Quốc

VNHN - Hàn Quốc xác định Việt Nam là đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách hướng nam mới. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ ưu tiên thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành trung tâm kết nối với Đông Nam Á, châu Âu, châu Mỹ.

VNHN - Hàn Quốc xác định Việt Nam là đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách hướng nam mới. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ ưu tiên thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành trung tâm kết nối với Đông Nam Á, châu Âu, châu Mỹ.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc theo lời mời của Chính phủ Hàn Quốc, ngày 5/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban Chính sách hướng nam mới Kim Hyun Chul và Chủ tịch Ủy ban Cách mạng công nghiệp 4.0 Chang Byung Gyu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Chủ tịch Ủy ban Chính sách hướng nam mới Kim Hyun Chul. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tăng nhập khẩu, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam

Tại buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban chính sách hướng Nam mới Kim Hyun Chul, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao quan hệ hai nước đã phát triển nhanh, mạnh và toàn diện, hai nước trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên mọi lĩnh vực; đánh giá cao việc Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác trọng tâm trong Chính sách hướng Nam mới; hoan nghênh “Sáng kiến cộng đồng tương lai Hàn Quốc-ASEAN” coi trọng xây dựng cộng đồng vì con người, cộng đồng hòa bình và cộng đồng thịnh vượng chung.

Phó Thủ tướng cho rằng hai nước vẫn còn tiềm năng và dư địa hợp tác rất lớn và khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với Hàn Quốc. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ trên một số lĩnh vực trọng tâm trong thời gian tới.

Về thương mại, để thực hiện định hướng bền vững, cân bằng, hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt 100 tỷ USD, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Hàn Quốc tích cực phối hợp đẩy nhanh quy trình kiểm dịch hàng nông sản Việt Nam, tăng cường nhập khẩu các mặt hàng từ thịt lợn và nông sản tươi sống của Việt Nam, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, đưa hàng hoá Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Hàn Quốc; đồng thời, giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, qua đó góp phần giảm nhập siêu từ Hàn Quốc.

Về hợp tác đầu tư, đề nghị Chính phủ, các hiệp hội kinh tế Hàn Quốc khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc có năng lực tích cực xem xét khả năng mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ, cơ khí - chế tạo, ô tô, sản phẩm điện tử - bán dẫn, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, đô thị thông minh, nông nghiệp hiện đại, đầu tư vào các công trình hạ tầng quy mô lớn thông qua hình thức hợp tác công-tư (PPP) như hệ thống đường bộ cao tốc; xem xét tham gia quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước trên cơ sở các quy định của pháp luật Việt Nam, bảo toàn vốn của Nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp... khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi tối đa theo quy định của pháp luật Việt Nam cho các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Về hợp tác phát triển, đề nghị Hàn Quốc tiếp tục viện trợ phát triển và dành ưu đãi cho doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam có yêu cầu, trong đó có năng lượng; tham gia các dự án đối tác công tư tại Việt Nam.

Về hợp tác lao động, đề nghị Hàn Quốc xem xét tăng tiếp nhận lao động Việt Nam, chú trọng lao động có tay nghề cao; cùng phối hợp giải quyết những vấn đề nảy sinh, trong đó có vấn đề người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Trong lĩnh vực năng lượng, đề nghị Hàn Quốc nghiên cứu tham gia đấu thầu các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực lọc hóa dầu và công nghiệp khí như cung cấp bản quyền công nghệ, cung cấp vật tư, thiết bị, tư vấn thiết kế, tổng thầu EPC, tư vấn quản lý dự án, trợ giúp vận hành và bảo dưỡng; hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chuyên gia kỹ thuật và quản lý chuyên ngành dầu khí, ngành năng lượng tái tạo.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch Ủy ban chính sách hướng Nam mới Kim Hyun Chul nhấn mạnh Việt Nam là trọng tâm trong chính sách hướng nam mới của Tổng thống Hàn Quốc. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục thực hiện nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đưa quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc phát triển toàn diện.

Về quan hệ thương mại, Chủ tịch Ủy ban chính sách hướng Nam mới khẳng định Hàn Quốc không theo đuổi xuất siêu trong quan hệ thương mại với Việt Nam, trong thời gian tới sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam, và quan trọng hơn, sẽ tạo điều kiện, tích cực chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư và chuyên gia; sẵn sàng và khuyến khích doanh nghiệp Hàn quốc tham gia hợp tác cơ sở hạ tầng.

Ông Kim Hyun Chul cũng khẳng định, Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam để cùng phát triển; tiếp tục tăng quy mô và luôn coi Việt Nam là đối tác hàng đầu trong viện trợ phát triển; tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực lao động; khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào lĩnh vực hoá dầu, năng lượng mới, tăng trưởng xanh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Chủ tịch Ủy ban Cách mạng công nghiệp 4.0 Chang Byung Gyu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Hợp tác chặt chẽ để cùng tận dụng tốt cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0

Cùng ngày, tại buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban Cách mạng công nghiệp 4.0 Chang Byung Gyu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho mỗi quốc gia. Việt Nam coi đây là cơ hội lớn và cần phải tận dụng tối đa để đi tắt, đón đầu, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa. Đảng, Chính phủ Việt Nam đã xác định nhiều chủ trương, chính sách liên quan; đặc biệt trong lĩnh vực chính phủ điện tử, chúng tôi đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban.

Để triển khai hiệu quả nhiều nội dung hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chính phủ điện tử, góp phần tích cực vào việc nâng cao năng lực thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị Hàn Quốc dành sự quan tâm cao, phối hợp và hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng chính sách, phát triển và ứng dụng công nghệ mới, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác chung nhằm cùng ứng phó với các tác động, đồng thời tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; nhất là việc chia sẻ tri thức, kinh nghiệm về Cách mạng công nghiệp 4.0; hỗ trợ Việt Nam đào tạo tầng lớp kỹ sư công nghệ có trình độ chuyên môn, nắm bắt đầy đủ và cập nhật nhanh chóng các xu hướng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trên thế giới; hợp tác trong xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, một cấu phần quan trọng trong Chiến lược Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền tảng an ninh mạng và hệ sinh thái khởi nghiệp.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban Cách mạng công nghiệp 4.0 phối hợp với các bộ, ngành liên quan của Hàn Quốc thúc đẩy các dự án đang hợp tác giữa hai nước như Dự án thiết lập mô hình Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ; các chương trình hợp tác khoa học công nghệ quốc gia mà trong đó các nhà khoa học Việt Nam được cùng với phía Hàn Quốc hợp tác nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiềm năng; xây dựng Chương trình ODA về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; dự án thiết lập Trung tâm tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (TASK) tại Việt Nam; thực hiện hiệu quả dự án Viện Khoa học công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST).

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch Ủy ban Cách mạng công nghiệp 4.0 Chang Byung Gyu chia sẻ những đánh giá của Phó Thủ tướng về Cách mạnh công nghiệp 4.0, cho rằng Chính phủ Việt Nam đã có sự chuẩn bị tích cực, chủ động để có thể tranh thủ tối đa mặt thuận lợi của Cách mạng công nghiệp 4.0 phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Hàn Quốc cũng như những nội dung có thể vận dụng vào thực tế của Việt Nam; khẳng định sẽ quan tâm thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sâu rộng trên thế giới hiện nay; Uỷ ban sẽ nghiên cứu những đề xuất của Việt Nam, sẵn sàng hợp tác với các cơ quan của Việt Nam, nhất là Bộ KH&CN để triển khai có hiệu quả trong thời gian tới; sẵn sàng tổ chức các diễn đàn để thế hệ trẻ hai nước đối thoại về khởi nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sau 3 ngày làm việc, với 15 hoạt động, chuyến thăm Hàn Quốc của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã thành công tốt đẹp, đạt được nhiều kết quả thực chất, đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong thời gian tới./.

Theo Chinhphu.vn