13/01/2025 lúc 05:20 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc tế

VNHN - Trong suốt tiến trình tham gia vào ASEAN cũng như khối thương mại tự do AFTA, Việt Nam đã thực sự trưởng thành lên rất nhiều trong quan điểm về hội nhập và thực thi cam kết hội nhập.

VNHN - Trong suốt tiến trình tham gia vào ASEAN cũng như khối thương mại tự do AFTA, Việt Nam đã thực sự trưởng thành lên rất nhiều trong quan điểm về hội nhập và thực thi cam kết hội nhập.

Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN từ ngày 1/1/2020. Với ASEAN, 2020 là năm bản lề quan trọng, kiểm điểm giữa kỳ triển khai các Kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng ASEAN trong 5 năm tới. Với Việt Nam, đây là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN và đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Trước thềm năm mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có một số chia sẻ để hiểu rõ hơn những đóng góp của Việt Nam trong việc hướng tới một cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và phồn vinh. Năm 1995, Việt Nam chính thức tham gia cộng đồng ASEAN, có thể nói lúc đó đất nước cũng mới bước ra thời kỳ cấm vận và bắt đầu thực hiện đổi mới có thể nói đó là một cách toàn diện và mạnh mẽ. Trong một bối cảnh chung khi chúng ta thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với WTO thì việc tham gia vào ASEAN, nhất là hiệp định AFTA (năm 1996) là bước đi đầu tiên để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 7 theo hướng thực hiện chiến lược đối ngoại trên cơ sở đa dạng hóa, đa phương hóa mối quan hệ với các đối tác và trong đó lấy hợp tác về kinh tế là nền tảng quan trọng.

Từ những bước đi đầu tiên này, có thể thấy Việt Nam đã trưởng thành và phát triển mạnh mẽ, đó là những nền tảng cho tất cả chiến lược về hội nhập của chúng ta cho các giai đoạn sau này, kể cả về chính trị đối ngoại và kinh tế. Thực tế, với những bước tham gia đầu tiên vào trong khối ASEAN mà cụ thể là AFTA thì những cam kết của Việt Nam với tư cách thành viên của các nhóm nước mà lúc đó Việt Nam cũng nhận thức rằng sẽ là một trung tâm kinh tế, thương mại rất năng động của khu vực không chỉ trong châu Á mà còn cả của châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.

Tiếp đến, với vị trí địa chính trị rất quan trọng của khu vực Đông Nam Á và các nước thành viên trong ASEAN, có thể nói Việt Nam chắc chắn sẽ phát huy được sức mạnh và tiếng nói của mình nếu như chúng ta tạo nên những cơ sở đồng thuận và sự đoàn kết thống nhất để không những có vị thế vững mạnh chung để khẳng định vị thế địa chính trị của các nước trong khối ASEAN mà còn tiếp tục có vai trò và đóng góp cũng như thụ hưởng những thuận lợi nhất của AFTA cũng như quan hệ của khối AFTA với các đối tác nước ngoài. Thực tế, do yếu tố địa chính trị nên hầu như tất các cường quốc ở bên ngoài khu vực đều có mối quan hệ rất mật thiết và gắn bó chặt chẽ và có tính tương tác rất mạnh mẽ với các nước ASEAN cũng như ở Đông Nam Á, từ Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Australia, EU.

Điểm nữa cũng phải nói đến là thời điểm 1996, khi tham gia xây dựng khối thương mại tự do AFTA và sau đó là hàng loạt những cam kết nội khối để mở cửa thị trường thì có thể nói chúng ta lần đầu tiên “tập bơi” đã đi ra “bơi ngay” ở một “cái hồ” tương đối lớn. Đó là việc mở cửa thị trường tới 98% cho tất cả các mã HS đối với các dòng sản phẩm của Việt Nam và các nước ASEAN còn cam kết cao hơn cho Việt Nam, có thể nói Việt Nam đã hội nhập với quan điểm rất mạnh mẽ là chấp nhận cạnh tranh và những nguyên tắc cạnh tranh của kinh tế thị trường ở mức độ khu vực và liên khu vực. Chính vì vậy, trong suốt tiến trình tham gia vào khối ASEAN cũng như khối thương mại tự do AFTA của ASEAN, Việt Nam đã thực sự trưởng thành lên rất nhiều trong quan điểm về hội nhập và trong những khía cạnh thực thi cam kết hội nhập.

Đó có thể nói như một “tấm bằng tốt nghiệp” tạo nền tảng rất quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển, vươn lên những tầm cao mới. Cụ thể điểm đầu tiên là trong quan hệ thương mại nội khối, ASEAN đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu thế giới của Việt Nam trong các khía cạnh thương mại, kinh tế và cả đầu tư… Một con số đơn cử vào năm 1996 khi mới tham gia khối AFTA thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN mới khoảng 5,9 tỷ USD thì tới 2018 con số này đã tăng hơn 9,5 lần và tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã lên tới 56,3 tỷ USD. Như vậy rõ ràng mặc dù chúng ta còn nhập siêu nhất định đối với thị trường ASEAN nhưng đây là hiện tượng có thể chấp nhận và dễ hiểu được là do có sự khác biệt trong trình độ phát triển, nhưng so với thời kỳ đầu tiên thì chúng ta đã có một bước tiến vượt bậc mạnh mẽ.

Một điểm nữa trong mối quan hệ Việt Nam-ASEAN và hội nhập với ASEAN đó là với cột trụ nền kinh tế lấy thương mại và đầu tư làm nền tảng đã mang lại những động lực rất to lớn cho việc kết nối chặt chẽ và mạnh mẽ hơn nữa với ASEAN cũng như giúp cho Việt Nam tiếp tục nâng cao vị thế trên trường quốc tế với tư cách là một thành viên ngày càng trưởng thành và vai trò ngày càng dẫn dắt trong khu vực cả về kinh tế, thương mại và chính trị. Ngoài ra, Việt Nam còn khẳng định vị thế của mình như một thành viên rất tích cực, chủ động với một chiến lược hội nhập ngày càng hoàn thiện, và một quan điểm mở cửa ngày càng mạnh mẽ, chủ động.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Thực tế đến nay, Việt Nam đã có tới 16 hiệp định thương mại, trong đó có nhiều hiệp định thế hệ mới với gần như các nền kinh tế lớn nhất của thế giới, theo đó 15/20 đối tác trong G20 đã có FTA với Việt Nam, điều đó chứng tỏ năng lực và vị thế của Việt Nam tăng lên rất mạnh mẽ. Với sự đóng góp của Việt Nam trong ASEAN; sự kết dính, kết nối chặt chẽ của các nước trong khu vực ASEAN để trở thành một trung tâm của khu vực Đông Nam Á cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng được khẳng định và vì vậy hàng loạt các cơ chế hợp tác của ASEAN+ giữa Việt Nam với ASEAN, với Trung Quốc, Ấn Độ… không chỉ là những cơ chế chính trị đối ngoại, an ninh khu vực mà còn cả về kinh tế.

Do vậy dư địa cho nền kinh tế Việt Nam trong tiếp cận với kinh tế của thế giới thông qua vai trò của ASEAN được khẳng định rất mạnh mẽ, do đó có thể nói chính sự hợp tác của Việt Nam với ASEAN trong tất cả các lĩnh vực, lấy kinh tế làm trụ cột quan trọng đã đưa lại vị thế rất quan trọng cho Việt Nam như hiện nay cả về chính trị, đối ngoại và kinh tế. Đặc biệt với một năng lực cạnh tranh ngày càng được khẳng định của nền kinh tế Việt Nam với quy mô xuất nhập khẩu gấp hơn 2 lần GDP thì năng lực cạnh tranh quốc tế của các sản phẩm cũng như của nền kinh tế Việt Nam đã được cải thiện đột biến và rất vững mạnh.

Có thể khẳng định thêm, hợp tác giữa Việt Nam với ASEAN là những bước đi đầu tiên và dẫn đến cho Việt Nam những bài học kinh nghiệm có đóng góp tích cực và rất ý nghĩa cho việc tái cơ cấu nền kinh tế và tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn mới nhà nước pháp quyền, trên nền tảng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, một cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành vào tháng 12/2015 đã chứng minh là tầm nhìn chung của các nhà lãnh đạo các nước ASEAN cũng như Việt Nam, trong đó phải khẳng định sự đóng góp rất tích cực của Việt Nam trong nền tảng chung này và chính cộng đồng chung và tầm nhìn chung ASEAN 2025 sẽ là định hướng cơ bản cũng như có ý nghĩa then chốt để đảm bảo vị thế, vai trò của ASEAN như là trung tâm của Đông Nam Á, châu Á Thái Bình Dương, hướng tới phồn vinh và phát triển.

Cùng với vai trò thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, năm 2020 cũng là năm bắt đầu cho chiến lược 10 năm về kinh tế xã hội (2020-2030), rõ ràng trong bối cảnh như vậy để thực hiện trọng trách Chủ tịch ASEAN đòi hỏi Việt Nam phải có những quan điểm nhất quán, rõ ràng cả về khía cạnh đối ngoại cũng như trong các yếu tố liên quan đến mục tiêu chiến lược phát triển của Việt Nam trong nhiều năm tới. Trong quá trình tham vấn với các đối tác và thành viên khác, Việt Nam đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rất cao cho chủ đề của năm 2020 là năm hướng tới sự kết nối và khả năng thích ứng.

Hai nội dung này của 2020 đã phản ánh đúng nhu cầu của Việt Nam và các nước thành viên trong ASEAN trong 1 bối cảnh mà cục diện của khu vực và thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng. Bên cạnh đó, trải qua nhiều năm hợp tác và phát triển, bản thân ASEAN cũng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cấp trong các cơ chế hợp tác cũng như khuôn khổ hợp tác và cần phải có khả năng điều chỉnh, thích ứng mới để đảm bảo cho ASEAN duy trì và trở thành một nền kinh tế năng động của khu vực và thế giới cũng như một tổ chức có sức sống có động lực thúc đẩy cho sự phát triển theo hướng tiến bộ và gắn kết chặt chẽ.

Chính vì vậy, Việt Nam cũng định hướng những mục tiêu ưu tiên mà có tính vừa kế thừa những định hướng, ưu tiên của những giai đoạn phát triển trước của ASEAN mà vẫn phản ánh được những xu thế và phát triển chung của khu vực và thế giới đồng thời phản ảnh được nhu cầu của ASEAN. Như tôi đã nói ở trên, những điểm mới mà đang rất nhanh chóng và diễn biến tương đối phức tạp cũng đòi hỏi một khả năng thích ứng rất nhanh chóng của ASEAN mà trước tiên là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử,thậm chí là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cũng như thương mại đơn phương đang đặt ra nguy cơ rất lớn cho hệ thống thương mại của các nước.

Do vậy, vấn đề đặt ra là cần khả năng thích ứng như thế nào trong bối cảnh đó? Điều này đòi hỏi chúng ta phải có một vai trò của Người Chủ tịch khối ASEAN đủ sức nắm bắt và có khả năng điều hành để có thể cùng với các nước ASEAN khẳng định lại một lần nữa ở mức độ mới để đảm bảo khả năng thích ứng, chống chọi với những thay đổi, tiếp tục tạo ra sức sống mới trong ASEAN và cho các khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác. Đặc biệt hiệp định RCEP mà Việt Nam đang cùng với các nước ASEAN và các đối tác dự kiến ký kết tại Việt Nam vào 2020 chắc chắn sẽ mang lại những cục diện mới, kết cấu mới của thương mại khu vực và quốc tế.

Bởi lẽ, một khu vực thương mại chiếm gần 40% tổng GDP toàn thế giới chắc chắn sẽ tác động rất mạnh mẽ đến toàn cầu hóa và tự do thương mại đồng thời ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch một cách có hiệu quả. Từ những nền tảng đó và với mục tiêu trong một cục diện, bối cảnh như vậy thì việc Việt Nam lựa chọn những ưu tiên như thế nào để đảm bảo được vừa phục vụ cho mục tiêu chung của ASEAN đóng góp vào xu thế chung của thế giới nhưng đồng thời không xa rời những tôn chỉ mục đích của ASEAN và của khối AFTA là những nội dung mà Việt Nam đã làm rất tích cực trong thời gian vừa qua.