VNHN – Ngày 9/10, Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Hoa Kỳ-Việt Nam 2020 với chủ đề “Các đối tác tin cậy cùng nhau phồn vinh”.
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh. Ảnh:VGP.
Tại Hội nghị, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 6 năm thiết lập và triển khai quan hệ Đối tác Toàn diện, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang chứng kiến những bước phát triển tích cực, thực chất trên tất cả các lĩnh vực và trên cả bình diện song phương và đa phương. Như cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đánh giá “không có hai nước nào khác nỗ lực hơn, làm được nhiều hơn và làm được tốt hơn để cố gắng đến với nhau thay đổi lịch sử và thay đổi tương lai” như Việt Nam và Hoa Kỳ.
Đặc biệt, trong mỗi bước phát triển của quan hệ hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại như hai nước ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA năm 2001); Hoa Kỳ trao cho Việt Nam Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) (năm 2006) đến việc hai nước ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA năm 2007) cũng như trong tất cả các hiệp định/thỏa thuận hợp tác khác về thương mại, đầu tư, tài chính hải quan…, cộng đồng DN Việt Nam-Hoa Kỳ đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng.
Theo thống kê, hiện kim ngạch thương mại hai chiều tăng gần 170 lần kể từ năm 1994 đến nay (450 triệu USD năm 1994, lên đến gần 76 tỷ USD trong năm 2019).
Việt Nam có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 12 lên thứ 9 trong các nước xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ. Nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng tính bổ trợ lẫn nhau. Việt Nam đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ.
Ông Vũ Tiến Lộc nhận xét, với tinh thần trách nhiệm xã hội cao, các tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kỳ không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế, chuyển giao công nghệ, thay đổi kỹ năng quản lý mà còn đóng góp cho phát triển xã hội như cải thiện môi trường làm việc, nâng cao trình độ tay nghề, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động, tham gia tích cực vào các công tác cộng đồng.
“Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp như hiện nay, DN hai nước càng cần có sự sáng tạo, chủ động và đoàn kết hơn nữa để vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ của cách mạng công nghệ số để phát triển bền vững, đặc biệt trong những lĩnh vực hai bên còn rất nhiều tiềm năng hợp tác như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và bền vững…”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho hay, Hoa Kỳ đứng thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với hơn 1.000 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 9,4 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chiếm tỉ lệ cao trong tổng vốn đầu tư như kinh doanh dịch vụ khách sạn và ăn uống (46%); công nghiệp chế biến, chế tạo (31%).
“Thực tế, đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam còn lớn hơn nhiều, có thể lên đến 14-15 tỷ USD do một số công ty lớn như Intel, Coca Cola, Procter & Gamble,… đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con của mình đăng ký tại thị trường thứ ba như British Virgin Islands, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc)”, Thứ trưởng Trần Duy Đông phân tích.
Thực tế cho thấy, một số tập đoàn công nghệ lớn của Hoa Kỳ như Apple, Google, Dell,... đều đầu tư vào Việt Nam thông qua các DN sản xuất thuộc chuỗi cung ứng của mình.
Về phía Hoa Kỳ, ông John Kerry – Cựu Ngoại trưởng và Thượng nghị sĩ Bang Massachusetts cho rằng, giờ là lúc đẩy mạnh hợp tác toàn diện, trong đó cần đẩy mạnh hợp tác về khoa học và kỹ thuật.
Việt Nam đã bước đầu phát triển được hệ thống thuỷ điện tốt, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và có tiềm năng lớn. Nếu phát triển thành công Việt Nam không những tiếp tục duy trì tăng trưởng, vừa bảo vệ môi trường, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, giúp cho người dân được “sống mạnh khoẻ”.
Ông John Kerry phân tích, việc phát triển ngành năng lượng, tối đa hóa lợi ích năng lượng tái tạo, đó không phải rào cản công nghệ kỹ thuật, công nghệ mà quan trọng là ý chí, quyết tâm chính trị.
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam sẽ là một điểm đến của sự dịch chuyển công nghệ thế giới, một khi duy trì được xu hướng cải thiện chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.
Đối tác Hoa Kỳ cũng hào hứng với quan điểm cởi mở của lãnh đạo Việt Nam về sự phát triển của nền kinh tế số.
“Sự phát triển nền kinh tế số đang hiện hữu ở Việt Nam, nhờ mạng xã hội internet, người Việt Nam có thể dự do tranh luận, bảo vệ lợi ích của mình cũng như có thêm kênh phản ánh các quan ngại của mình tới các cơ quan chức năng theo cách “chẳng ai mơ tới có thể làm được trước đây”, ông John Kerry đánh giá.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nhiều chủ đề, xoay quanh việc thúc đẩy những chính sách đầu tư bền vững và có khả năng dự đoán trước; phát triển và đổi mới sáng tạo thông qua nền Kinh tế số; nhấn mạnh đến những vấn đề trọng yếu của phát triển năng lượng ở Việt Nam; điều hướng hệ thống cung ứng của châu Á và thị trường sản xuất trong thế giới hậu COVID-19; cùng nhau hợp tác để hướng tới mục tiêu giúp đỡ các doanh nghiệp cũng như các tập đoàn Việt Nam đạt được những tiềm năng thương mại toàn cầu và những cơ hội mới để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Việt Nam.