VNHN - Chiều ngày 29/4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Urmas Reinsalu để trao đổi về hợp tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng như phối hợp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà hiện cả hai nước đều là Ủy viên không thường trực nhiệm kỳ 2020-2021.
Ảnh: VGP/Hải Minh
Tại cuộc điện đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã thông báo các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai và những kết quả tích cực đạt được trong kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh đồng thời giữ vững ổn định kinh tế, bảo đảm duy trì tăng trưởng giai đoạn hậu COVID-19.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác, chia sẻ thông tin kinh nghiệm với Estonia và cùng Estonia thúc đẩy hợp tác quốc tế để đẩy lùi dịch bệnh cũng như giải quyết các thách thức toàn cầu.
Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Urmas Reinsalu đánh giá cao những biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả mà Việt Nam đang áp dụng cũng như vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là thành công của Việt Nam trong vai trò là chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an vào tháng 01/2020; đề nghị hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong các vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm; nhất là khi Estonia sẽ là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an vào tháng 05/2020.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã cảm ơn Estonia ủng hộ việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư ký giữa Việt Nam và EU (EVFTA và EVIPA) tháng 6/2019 và đề nghị Quốc hội Estonia sớm phê chuẩn EVIPA nhằm hiện thức hóa các lợi ích và thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Estonia cũng như giữa Việt Nam và EU, tạo điều kiện cho nền kinh tế hai bên phát triển qua các thách thức hiện nay.
Hai bên đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ song phương thời gian gần đây, khẳng định sẽ tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong những lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu trong thời gian tới, trong đó có lĩnh vực kinh tế số và chính phủ điện tử./.