15/01/2025 lúc 17:03 (GMT+7)
Breaking News

Việc thẩm định sách còn cứng nhắc và đi ngược lại tinh thần đổi mới

VNHN - Theo tiến sỹ Nguyễn Kế Hào, từ việc sách công nghệ giáo dục bị loại cho thấy việc thẩm định sách còn cứng nhắc, đi ngược lại tinh thần đổi mới, và việc thay đổi phải bắt đầu từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục.

VNHN - Theo tiến sỹ Nguyễn Kế Hào, từ việc sách công nghệ giáo dục bị loại cho thấy việc thẩm định sách còn cứng nhắc, đi ngược lại tinh thần đổi mới, và việc thay đổi phải bắt đầu từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục.

“Việc sách công nghệ giáo dục bị đánh trượt là rất đáng tiếc, cho thấy việc thẩm định sách còn tư biện, dựa trên kinh nghiệm mà xa rời thực tế. Hội đồng phải làm việc theo Thông tư 33, nên vấn đề là ở Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải sửa Thông tư này.” Đó là chia sẻ của tiến sỹ khoa học Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khó hay dễ, phải hỏi học sinh

Cách làm thông tư và những quy định chỉ tiêu thẩm định của Bộ là tư biện, dựa trên kinh nghiệm và thiếu thực tiễn. Người thẩm định ngồi trong phòng, có người chưa dự tiết học nào, đánh trượt sách công nghệ giáo dục vì cho rằng nó khó trong khi cuộc sống lại chấp nhận, học sinh giáo viên đón nhận vui vẻ, hồ hởi. Hiện có trên 931.000 học sinh tiểu học ở 49 tỉnh thành trên cả nước dạy công nghệ giáo dục.

Tiến sỹ Nguyễn Kế Hào. 

Quy định xơ cứng vì sách giáo khoa công nghệ giáo dục viết là dành cho học sinh, lấy học sinh làm trung tâm, nhưng hội đồng lại muốn giáo viên, phụ huynh cũng sử dụng được. Phương pháp dạy của thầy Đại là phân công và hợp tác, thầy có việc của thầy, học trò có việc của học trò. Có sách thiết kế riêng cho giáo viên. Hay việc hội đồng thẩm định yêu cầu phải gọi là các hoạt động, còn trong sách của thầy Đại gọi là thiết kế, thi công, việc làm.

Thầy Đại đã nghiên cứu chi tiết đến mức có thể cụ thể hóa thành các việc làm cụ thể, có việc làm thì sẽ có kết quả, chứ không phải chỉ là hoạt động chung chung. Như thế mới đi vào cuộc sống được. Yêu cầu phải chữa theo quy định chung là rất cứng nhắc. Sách giáo khoa là để dành cho học sinh, nên khó hay dễ, hỏi học sinh thì đúng hơn là hỏi giáo viên. Có hàng trăm nghìn học sinh để hỏi. Giáo viên kêu khó là đúng, vì đầu tiên tiếp xúc với cái mới bao giờ cũng khó. Giáo viên có khi còn phải học hỏi thêm để nâng cao trình độ của mình mới dạy được. Sắp tới, vào chương tình mới, giáo viên cũng sẽ thấy khó, chẳng lẽ vì thế thôi không đổi mới? Không học hỏi thì mãi mãi thụt lùi. Các giáo viên trên 49 tỉnh thành của cả nước họ đã học cái mới, ứng dụng nó vì học sinh, còn 5 giáo viên trong hội đồng của thẩm định sách của Bộ thì kêu khó nên không thông qua sách.

Thật đáng buồn! Hội đồng cũng cho rằng các ngữ liệu về các bài thơ mang tính tuyên ngôn của dân tộc như “Nam quốc sơn hà”, “Bình ngô đại cáo” vào sách lớp 1 là khó, nhưng đó là họ không hiểu tư tưởng của giáo sư Hồ Ngọc Đại. Đó là cách để tinh thần dân tộc thấm vào học sinh một cách tự nhiên, giống như đứa trẻ nghe mẹ hát ru, thuộc giai điệu đó, nhưng không hiểu, hoặc như quốc ca, từ trẻ đến già ai cũng hát, nhưng chưa chắc đã hiểu hết ý nghĩa lời bài hát. Những thành ngữ, tục ngữ cũng như vậy, đó là tiếng nói đời sống của người Việt. Vừa mới hai năm trước, 2017 và 2018, Bộ đã hai lần thành lập hội đồng thẩm định sách công nghệ giáo dục và đều kết luận đạt, lần này lại nói không đạt thì thật khó hiểu.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại từng đưa ra quan điểm.

Bộ sách công nghệ giáo dục đã được giáo sư Hồ Ngọc Đại chỉnh sửa nhiều lần trong suốt hơn 40 năm qua. Có thể nói tư tưởng giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại có nhiều điểm tương đồng với chương trình giáo dục phổ thông mới, như lấy học sinh làm trung tâm, giáo dục hướng đến phát triển năng lực cá nhân học sinh, không so sánh học sinh với nhau mà phải so sánh học sinh với sự phát triển của chính học sinh đó. Bây giờ các nhà trường đều có khẩu hiệu “đi học là hạnh phúc”, “mỗi ngày đi học náo nức một ngày vui”, khẩu hiệu đó thầy Đại đã đưa ra cách đây 40 năm ở trường Thực nghiệm. Thời điểm đó, mọi người đều cho rằng Hồ Ngọc Đại ảo tưởng, nhưng bây giờ họ đã phải thừa nhận. Hoặc việc bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học, bỏ xếp loại khá giỏi, bỏ so sánh học sinh, phương pháp giáo dục lấy học sinh làm trung tâm; thầy thiết kế, trò thi công... là những điều thầy Đại đã làm từ những năm 70 của thế kỷ trước, bây giờ ngành giáo dục mới thấy đúng và áp dụng.

Nói như thế để thấy rằng, sách công nghệ giáo dục nói riêng và phương pháp giáo dục của thầy Hồ Ngọc Đại có nhiều điểm đi trước thời đại. Vì thế, sách có đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới hay không phải so với chuẩn tối thiểu của chương trình, không thể căn cứ vào sửa hay không sửa, sửa nhiều hay sửa ít. Chưa kể, từ việc sách công nghệ bị loại cho thấy việc thẩm định sách đang đi ngược lại tinh thần đổi mới. Chương trình giáo dục mới là chương trình mở để phù hợp với đa dạng đối tượng học sinh, để học sinh có thể phát huy tối đa sở trường của mình.

Nhưng hội đồng thẩm định lại yêu cầu sách không được vượt chuẩn, nghĩa là một chương trình đóng. Nghị quyết 29 chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, nhưng hội đồng thẩm định lại nói “sách phải đủ, không được thừa, cũng không được thiếu”. Như vậy, nhiều nhưng bản chất chỉ là một, vì cùng một khuôn. Tinh thần của chương trình mới là đúng nhưng thực hiện đang sai. Giáo dục phát triển năng lực là phải “nhiều món” để học sinh lựa chọn.

Học sinh tiểu học Nghệ An học chương trình công nghệ giáo dục. 

Phải bắt đầu từ... Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Khi đó chúng tôi xây dựng chuẩn kiến thức kỹ năng và các chương trình này đều phải đáp ứng tiêu chuẩn đó, như mức tối thiểu. Còn các nội dung khác có thể tăng lên tùy theo từng đối tượng học sinh. Có chương trình 165 tuần, có chương trình chỉ 100 tuần dành cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, chương trình 120 tuần dành cho học sinh miền núi và chương trình công nghệ giáo dục. Mục tiêu và chuẩn thống nhất nhưng đa dạng hóa tài liệu học tập, phương thức tổ chức để phù hợp với đa dạng hóa đối tượng học sinh ở từng địa phương. Vì thế, năm 2.000 Việt Nam đạt phổ cập giáo dục xóa mù chữ, là một thành tựu lớn.

Kinh nghiệm triển khai thành công, thứ nhất là phải đa dạng hóa sách giáo khoa, phương pháp dạy để phù hợp với đa dạng đối tượng học sinh, có đối tượng chỉ dạy ở mức thấp, có đối tượng có thể dạy ở mức cao hơn. Thứ hai là phải thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế từng nơi, sau đó nâng dần lên, không thể áp dụng đại trà cùng lúc. Khi đó, chúng tôi cũng có thẩm định sách giáo khoa nhưng với tinh thần linh hoạt như trên, không cứng nhắc. Hội đồng thẩm định nói họ căn cứ vào Thông tư 33 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thẩm định sách giáo khoa.

Họ phải làm việc theo Thông tư là đúng trách nhiệm. Vậy vấn đề là ở Thông tư 33, phải điều chỉnh Thông tư, mà thông tư do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Vì thế, người sửa, điều chỉnh, phải là Bộ trưởng. Luật ban hành ra nhưng khi áp dụng vào thực tế thấy không phù hợp còn có thể sửa, trong khi việc sửa Thông tư này đơn giản hơn nhiều vì không liên quan đến Quốc hội, Chính phủ, chỉ cần Bộ trưởng quyết sửa là được. Phải chấp nhận sự đa dạng sách giáo khoa, miễn không vi phạm chính trị, khoa học, đáp ứng chuẩn yêu cầu tối thiểu. Còn khó hay dễ là cuộc sống, người dùng lựa chọn và đánh giá.