20/04/2024 lúc 21:10 (GMT+7)
Breaking News

Vì sao cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm?

Điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần hiện nay vẫn chậm nguyên nhân chính là việc xác định tài sản công, đặc biệt là giá trị đất đai.

Theo thống kê của Bộ Tài chính tình hình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, ghi nhận 180 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng trong đó có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), tổng giá trị thực tế bán được là 22.748 tỷ đồng đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong giai đoạn này, cả nước có 53 đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) được chuyển thành công ty cổ phần (CTCP). Tỷ lệ hoàn thành chuyển đổi so với số lượng đơn vị thuộc Danh mục chuyển đổi đạt hơn 20% so với danh mục.

Từ năm 2021 đến 5 tháng đầu năm 2022, ghi nhận 05 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 642 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 474 tỷ đồng, trong đó có 01 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 0,7% kế hoạch thực hiện giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Về tình hình thực hiện thoái vốn doanh nghiệp nhà nước báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ: Lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 tổng giá trị thoái là 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng. Trong đó: Thoái vốn nhà nước tại 106 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg và Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 6.493 tỷ đồng, thu về 13.583 tỷ đồng (đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), Thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài danh mục theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg: Đã thoái 3.785 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco), Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 17.032 tỷ đồng, thu về 53.420 tỷ đồng.

" Từ năm 2021 đến 5 tháng đầu năm 2022, đã thoái vốn tại 38 doanh nghiệp với giá trị 2.047 tỷ đồng, thu về 6.582 tỷ đồng trong đó thoái vốn nhà nước tại 04 doanh nghiệp thuộc Quyết định số 908/QĐ-TTg với giá trị 52,8 tỷ đồng thu về 85,1 tỷ đồng, còn lại là thoái vốn của Tập đoàn, Tổng công ty tại doanh nghiệp.

Nguyên nhân khách quan để tồn tại, hạn chế nêu trên nguyên nhân khách quan như sau: Doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai. Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định. Việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn phụ thuộc vào tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả, đảm bảo tính khả thi.

Về nguyên nhân chủ quan Bộ Tài chính cho biết: Tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của DNNN chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Một số vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau nhưng chậm được tổng kết thực tiễn, kết luận để có thể cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, ví dụ vấn đề vị trí của DNNN trong thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vấn đề trao quyền tự chủ của DNNN, vấn đề sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết kinh tế...

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến việc sắp xếp, xử lý nhà, đất.

Nội tại DNNN do nhiều yếu tố cấu thành nên bản thân DNNN chậm đổi mới, chưa theo kịp và thích ứng với yêu cầu và bối cảnh phát triển kinh tế thị trường; Công tác lập kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn còn hình thức, thiếu khả thi và chưa sát với thực tế. Công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa, thoái vốn; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm.

Từ thực trạng nêu trên Bộ Tài chính để ra giải pháp khắc phục thời gian tới như sau:

Kịp thời rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… và các văn bản pháp luật khác có liên quan để khắc phục vướng mắc, khó khăn phát sinh trong cơ cấu lại DNNN, đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ cấu lại và triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động của DNNN, kiểm soát quyền lực, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Nghiên cứu đổi mới các quy định xác định giá trị quyền sử dụng đất bám sát tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành TW Đảng khóa XIII, quy định việc không tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn:

DNNN trước cổ phần hóa phải chuyển sang thuê đất trả tiền hàng năm và sau cổ phần hóa phải cam kết thực hiện đúng mục đích sử dụng đất cho sản xuất kinh doanh, giữ nguyên hình thức thuê đất trả tiền hàng năm. Việc chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.

" Việc xử lý nhà đất đối với doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở vị trí có lợi thế thương mại thực hiện theo quy định sắp xếp cơ sở nhà đất của Luật quản lý sử dụng tài sản công, không phân biệt doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hay doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Về xác định giá đất theo quy định của Luật Ðất đai năm 2013 đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa quy định rõ cơ chế, phương pháp xác định giá đất, cơ quan chịu trách nhiệm xác định, quyết định, giám sát, kiểm tra, nâng cao chất lượng công tác định giá đất, tính độc lập của Hội đồng thẩm định giá đất, tổ chức tư vấn xác định giá đất đảm bảo công khai minh bạch.

Bổ sung những chế định đấu giá quyền sử dụng đất và quyền thuê đất vào Luật Đấu thầu, đảm bảo tính công khai, minh bạch và thông tin đầy đủ về đất (diện tích, vị trí, giá thuê, phương thức trả tiền…).

Nghiên cứu đổi mới việc xác định giá trị doanh nghiệp theo hướng giao tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp theo theo quy định của pháp luật giá và thẩm định giá. Bộ Tài chính nêu rõ.

Thanh Bút