Tận mắt chứng kiến tên lửa Epsilon mang theo vệ tinh NanoDragon bay vào không gian, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam bày tỏ xúc động và tự hào khi ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam bước đầu khẳng định mình.
Sáng ngày 9/11, tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, Nhật Bản, tên lửa Epsilon số 5 mang theo 9 vệ tinh, bao gồm vệ tinh NanoDragon của Việt Nam, đã được phóng thành công lên không gian.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam đã chia sẻ về sự kiện lịch sử mang tính bước ngoặt của ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam.
Khoảnh khắc tên lửa Epsilon mang theo vệ tinh NanoDragon bay vào không gian. (Nguồn: NVCC)
Thưa Đại sứ, xin ông chia sẻ cảm xúc của mình khi được tận mắt chứng kiến khoảnh khắc vệ tinh NanoDragon của Việt Nam theo tên lửa Epsilon được phóng lên không gian?
Tôi vô cùng xúc động khi tận mắt chứng kiến giây phút tên lửa Epsilon rời khỏi bệ phóng tại bãi phóng Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima, Nhật Bản, bắt đầu khởi động mang theo vệ tinh NanoDragon do các nhà khoa học, chuyên gia Trung tâm vũ trụ Việt Nam (VNSC) phát triển, bay vào không gian vũ trụ.
Giờ phút thiêng liêng này đã đánh dấu một lần nữa hai tiếng “Việt Nam” của chúng ta được khắc lên bản đồ của các quốc gia trên con đường chinh phục vũ trụ.
Đó thực sự là cảm giác tự hào trào dâng xen lẫn niềm kiêu hãnh khi chứng kiến thành tựu của ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam. Đây là một thành công, kết quả bước đầu rất đáng tự hào của VNSC thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam.
Tôi vẫn còn nhớ chỉ mới cách đây 10 năm, Việt Nam mới thành lập VNSC. Kể từ khi PGS.TS. Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc VNSC, chỉ cho tôi về ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam như một “mảnh đất trống” thì tới nay, những gì chúng ta đã đạt được là cả một bước tiến vĩ đại.
Chính những nỗ lực không ngừng nghỉ, kết tinh bởi công sức, trí tuệ của tập thể VNSC đã mang tới niềm tự hào lớn cho dân tộc Việt Nam.
Tôi tin rằng thành công hôm nay sẽ giúp VNSC tiếp tục đạt những bước tiến xa hơn, thành công hơn nữa trên con đường chính phục không gian. Và bước tiếp theo chúng ta cùng chờ đợi là vệ tinh LotuSat-1 dự kiến sẽ được phóng lên không gian vào năm 2023.
Vệ tinh LotuSat-1 là vệ tinh cỡ lớn tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều giá trị, ý nghĩa to lớn đối với đất nước Việt Nam không chỉ trong phát triển kinh tế, khoa học công mệ mà còn đóng góp cho nền an ninh quốc phòng của đất nước.
Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam chính thức bàn giao cho Nhật Bản ngày 17/8/2021. (Nguồn: VNSC)
Đại sứ có thể cung cấp thêm thông tin về vệ tinh NanoDragon và lý giải vì sao vệ tinh “Made in Vietnam” lại được phóng tại Nhật Bản?
NanoDragon là vệ tinh thứ ba do các chuyên gia, nhà khoa học của VNSC trực tiếp nghiên cứu và phát triển, có kích thước lớn gấp 3 lần so với vệ tinh PicoDragon đầu tiên của Việt Nam.
Vệ tinh NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano, nặng khoảng 4kg với kích thước 3U (100 x 100 x 340,5mm).
|
NanoDragon là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020”.
Tất cả từ ý tưởng, thiết kế, chạy vi mạch, nguyên vật liệu… của vệ tinh NanoDragon đều “Made in Vietnam”, do người Việt Nam thực hiện, thể hiện sự trưởng thành, sự chủ động của chúng ta trên con đường từng bước làm chủ công nghệ sản xuất vệ tinh.
Trước đây vệ tinh VinaSat VNSat của Việt Nam được phóng tại Pháp. Lần phóng vệ tinh NanoDragon này chúng ta đã chọn Nhật Bản là đối tác phối hợp thử nghiệm vệ tinh nhỏ với sự hỗ trợ của chuyên gia nhà khoa học Nhật Bản.
Tôi cho rằng đây là hợp tác có tính biểu tượng to lớn trong quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng, hướng tới mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2023 (1973 – 2023).
Quá trình Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) để đưa Việt Nam đến gần hơn với giấc mơ chinh phục không gian ra sao?
Trong quá trình phối hợp giữa VNSC và JAXA để thực hiện việc phóng vệ tinh NanoDragon, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ thúc đẩy ngay từ những giai đoạn đầu khi hai bên đàm phán về thỏa thuận hỗ trợ, cung cấp nguồn vốn của Nhật Bản cho việc nghiên cứu sản xuất vệ tinh tại Việt Nam.
Quá trình đàm phán ban đầu có nhiều vướng mắc, khó khăn trong kỹ thuật giữa hai nước. Đóng vai trò trung gian cầu nối tích cực, Đại sứ quán luôn đồng hành cùng VNSC, phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan trong nước để cùng trao đổi, tư vấn, đàm phán để đạt thỏa thuận hợp tác với phía Nhật Bản, mang lại lợi ích to lớn cho ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam, mà thành quả chính là sự kiện phóng vệ tinh thành công ngày hôm nay.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam và Chủ tịch JAXA Yamakawa Hiroshi. (Nguồn: NVCC)
Sau sự kiện này, câu chuyện tiếp theo là chúng ta cần làm gì để khai thác hiệu quả thông tin từ vệ tinh, phục vụ phát triển kinh tế và phòng chống thiên tai?
Ngành công nghiệp vệ tinh không chỉ có ý nghĩa to lớn trong lĩnh vực phát triển kinh tế, khoa học công nghệ mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như an ninh quốc phòng, phòng chống biến đổi khí hậu…
Việt Nam là đất nước có địa hình phức tạp, trải dài, biển rộng. Do đó, công nghiệp vệ tinh sẽ giúp chúng ta thực hiện hiệu quả quản lý dữ liệu, từ đó phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp, quản lý rừng, biến đổi khí hậu, giám sát các hoạt động về an ninh-quốc phòng như quản lý biên giới, xây dựng nền tảng khoa học cơ bản quốc gia.
Sự vượt trội về khả năng cung cấp thông tin dữ liệu đặc thù của hệ thống vệ tinh vũ trụ sẽ giúp phục vụ hiệu quả cho các dự án của các thành phần kinh tế như quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng khu công nghiệp.
Do đó, tôi cho rằng việc phát triển công nghiệp vệ tinh của chúng ta có tiềm năng rất lớn trong phát triển kinh tế, an ninh-quốc phòng cho cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ cao, thông tin, dữ liệu... trở thành vũ khí cạnh tranh giữa các quốc gia, Việt Nam cần làm gì để có được chỗ đứng trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ?
Tôi nghĩ rằng thành công trong việc sản xuất và đưa vệ tinh “Made in Vietnam” vào không gian vũ trụ đã chứng minh được khả năng của Việt Nam trong việc làm chủ, phát triển ngành công nghiệp vũ trụ của riêng mình.
Cách mạng công nghiệp hiện tại và tương lai không thể thiếu được sự hỗ trợ của công nghệ vũ trụ. Đây là lĩnh vực mới có tính cạnh tranh cao, tính chiến lược đối với mọi nền kinh tế. Do đó, việc phát triển công nghiệp vũ trũ cần nhận được sự ủng hộ từ người dân, Chính phủ và các bộ, ban, ngành.
Chính phủ cần có xác định định hướng phát triển, xây dựng chiến lược gắn với kế hoạch cụ thể có tính dài hơi, cũng như phân bổ nguồn vốn thường xuyên để VNSC có thể có những dự án nghiên cứu, sản xuất các vệ tinh kích cỡ lớn hơn, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, phục vụ hiệu quả nhiều lĩnh vực như kinh tế, môi trường và an ninh-quốc phòng của đất nước.
Xin cảm ơn Đại sứ!