VNHN - Giữa một vùng sen nước mênh mông, đền thờ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh) hiện lên với dáng vẻ cổ kính, trầm mặc như gợi về hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam cả đời tất bật sớm khuya nuôi chồng chăm con.
Đền thờ bà Hoàng Thị Loan tại thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến
Gánh nặng gia đình mòn cả hai vai
Ai đã từng nghe kể về Bà Hoàng Thị Loan hẳn không kìm nén được nỗi xúc động trước một người phụ nữ hết mình vì chồng con. Sinh ra trong một gia đình nhà nho giàu lòng nhân ái, trọng nghĩa khí. Lớn lên ở một miền quê nổi tiếng về thuần phong mỹ tục với nền văn hóa truyền thống lâu đời. Những yếu tố đó đã hun đúc, tạo lên một hình mẫu tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam hiền đức, tảo tần.
Năm 15 tuổi, Bà kết hôn với ông Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, một người mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mong cho chồng học hành đỗ đạt, Bà không quản ngày đêm vất vả, vừa chăm lo ruộng đồng, tối đến lại tranh thủ dệt vải quay tơ.
Khi ông Nguyễn Sinh Sắc đi thi ở Huế, vì túng thiếu tiền bạc, Bà phải gửi con gái đầu lòng tại Nghệ An, đưa hai con trai cùng chồng vào Huế. Hình ảnh người vợ chân đi dép mo cau, đạp nắng, đội mưa, gánh hai con và gia tài trên đôi vai gầy vượt chặng đường dài vào Huế, có lẽ chẳng bao giờ mờ phai trong tâm chí của ông Nguyễn Sinh Sắc.
Tại Huế, Bà bươn trải đủ nghề để kiếm sống, một mình nuôi cả gia đình. Có lẽ, những tháng ngày lam lũ đã bào mòn sức Bà. Bởi thế, khi người con thứ tư vừa sinh hạ, Bà đã lâm bệnh rồi qua đời khi mới 33 tuổi. Lúc đó, chồng và con cả của bà đang ở Thanh Hóa. Một mình Nguyễn Tất Thành 11 tuổi (Hồ Chí Minh sau này) đứng ra làm chủ tang cùng bà con chôn cất mẹ khi ngày Tết cận kề.
Địa chỉ văn hóa - tâm linh của mỗi người dân Việt
Dòng họ Hoàng Nghĩa ở làng Hoàng Trù (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) nổi tiếng với 18 đời Quận công phát tích tại thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên. Thân phụ của bà Hoàng Thị Loan, cụ Hoàng Xuân Đường là đời thứ 19 của dòng họ.
Để ghi dấu mạch nguồn truyền thống, đáp ứng ngưỡng vọng của nhân dân đối với thân mẫu chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 2003, đền thờ Bà Hoàng Thị Loan được khởi dựng trên nền cũ của đình làng Vân Nội với diện tích hơn 5000m2. Đền thờ được khánh thành vào năm 2005, gồm hai phần: Phần đất nổi hơn 3000m2 được bố trí hài hoà với nhà thờ, nhà đón khách, hồ bán nguyệt cùng hệ thống sân vườn…
Nằm ở chính giữa khuôn viên, đền thờ bà Hoàng Thị Loan được xây bằng gỗ lim theo kiến trúc hình chữ Đinh gồm 5 gian Tiền tế và 1 gian Hậu cung. Mái lợp ngói ta. Giữa đền có bức hoành phi “Quốc mẫu uy nghi” viết bằng chữ Hán. Ngai thờ được rước từ làng Hoàng Trù ra đặt ở ban thờ trang nghiêm. Hai bên là đôi câu đối ca ngợi Bà. Đây không chỉ là nơi thờ tự mà còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật ghi nhận công lao to lớn của bà Hoàng Thị Loan cùng những ảnh hưởng của bà và dòng họ Hoàng tới sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.
Thu hút sự chú ý của du khách chính là chiếc khung cửi được làm theo nguyên mẫu chiếc khung cửi đang trưng bày tại Nghệ An. Đây là vật dụng đã gắn bó một đời với bà những đêm khuya vắng. Trong đền còn có khu trưng bày, giới thiệu những hình ảnh và hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người 10 lần về thăm Hưng Yên.
Chiếc khung cửi được làm theo nguyên mẫu chiếc khung cửi đang trưng bày tại Nghệ An
Bên phải đền là nhà bia, có tấm bia đá dựng năm 1072 ghi công lao của bà Hoàng Thị Ngọc Khương. Bên trái đền là nhà thờ Tổ của dòng họ Hoàng. Trước cửa đền là giếng của đình làng Vân Nội khi xưa đã được tôn tạo. Bao quanh khu đất là diện tích ao hồ trồng sen, tôn thêm vẻ đẹp cho di tích.
Có thể nói, đền thờ bà Hoàng Thị Loan là một địa chỉ văn hóa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc. Nơi đây đã và đang trở thành điểm tham quan hấp dẫn của du khách thập phương khi về thăm mảnh đất Hưng Yên./.