23/11/2024 lúc 11:43 (GMT+7)
Breaking News

Về giá trị “no ấm” đối với cá nhân và gia đình Việt Nam: sự hoàn thành và hướng tới giá trị thay thế

Trong hệ giá trị cá nhân và gia đình Việt Nam, “no ấm” là một giá trị phản ánh nhu cầu cơ bản của cuộc sống, có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử và là mục tiêu phấn đấu của quốc gia, mỗi cá nhân và gia đình. Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, mức sống đại bộ phận người dân được nâng cao, giá trị “no ấm” về cơ bản đã được vượt qua và thay thế bằng những giá trị mới.

Xem xét những đặc điểm về mức sống của các gia đình trung lưu, bài viết dự báo, khi tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu sẽ vượt 50% dân số cả nước vào năm 2030, giá trị “no ấm” sẽ được thay thế bằng các giá trị như “tính trung lưu” và “đời sống trung lưu”.

1. Khái niệm giá trị

Giá trị là khái niệm được sử dụng trong nhiều ngành khoa học, như triết học, xã hội học, văn hóa học, kinh tế học… với nhiều nội hàm, phạm vi ý nghĩa khác nhau. Từ tiếp cận xã hội học, khái niệm giá trị đã có nhiều định nghĩa.

Nhà xã hội học người Đức Helmut Klages cho rằng: “Giá trị là quan niệm về điều mong muốn đặc trưng hiện hay ẩn cho một cá nhân hay một nhóm và có ảnh hưởng tới việc chọn các phương thức, phương tiện hoặc mục tiêu của hành động”(1). Nhà xã hội học người Anh Anthony Giddens định nghĩa: “Giá trị là những ý niệm trừu tượng, xác định cái được coi là quan trọng, đáng giá và đáng ao ước trong phạm vi một nền văn hóa”(2). Nhà xã hội học người Mỹ Rechard T. Schaeffe khẳng định: “Giá trị là những quan niệm tập thể về những gì được xem là tốt, đáng mong muốn và đúng - hay mặt trái của nó là những gì được xem là xấu, không nên có và sai - trong một nền văn hóa(3).

Như vậy, giá trị là những quan niệm về cái được xem là tốt, là quan trọng, đáng mong đợi của các cá nhân hay tập thể trong một nền văn hóa, giữ vai trò như là mục tiêu, động cơ cho hành động của họ.

Cũng như nhiều khái niệm học thuật khác, các giá trị đều có tính tương đối, tức là tồn tại trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Trong những điều kiện không gian - thời gian cụ thể, các giá trị có thể tồn tại lâu dài hay ngắn hạn, cũng có thể được hoàn thành, vượt qua và được thay thế bởi các giá trị mới.

2. Giá trị “no ấm” đối với cá nhân và gia đình Việt Nam

Trong các xã hội chậm phát triển, ăn (no) và mặc (ấm) là nhu cầu sinh học, cơ bản, tối cần thiết hàng ngày để con người có thể sinh tồn và thích ứng với khí hậu, môi trường sống. Ngược lại với “no ấm” theo nghĩa đen, là “đói rét” (từ Hán - Việt gọi là “cơ hàn”), là mối đe dọa tới cuộc sống, tới sự sinh tồn của con người. “No ấm” là cái tốt, cái đáng mong đợi, là mục tiêu phấn đấu của con người trong bối cảnh mà nguy cơ “đói rét” hằng ngày vẫn rình rập, đe dọa họ. Như vậy, “no ấm” là một giá trị như những định nghĩa đã nêu ở trên.

“No ấm” là giá trị cơ bản tồn tại lâu nhất trong lịch sử loài người, từ thuở sơ khai, khi người home sapiens xuất hiện cho đến khi có những cuộc cách mạng đầu tiên trong nông nghiệp, nhân loại chuyển từ lối sống du cư, săn bắt hái lượm sang định cư với chăn nuôi và trồng trọt.

“No ấm” vẫn tiếp tục là một giá trị cho tới ngày nay, ở những nơi mà vấn đề an ninh lương thực và đói nghèo vẫn tồn tại. Chỉ trong vài thế kỷ gần đây, ở những khu vực, quốc gia dân tộc có trình độ phát triển cao, văn minh, thì nhu cầu hay giá trị “no ấm” mới dần trở thành thứ yếu hoặc được thay thế. 

Trong luận điểm nổi tiếng về lịch sử hoạt động sản xuất vật chất của con người, C. Mác viết: “Người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể “làm ra lịch sử”. Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa,...”(4).

Mỗi giá trị đều bắt nguồn hoặc có liên hệ với một loại nhu cầu, được đề cao trong một bối cảnh lịch sử xã hội nhất định. Nếu Hạnh phúc, Chân - Thiện - Mỹ, Độc lập, Tự do,… là những giá trị vĩnh cửu, phổ quát thì “no ấm” gắn liền với nhu cầu vật chất, sinh lý cơ bản mang tính sống còn với nhân loại, với mỗi dân tộc trong những giai đoạn, hoàn cảnh nhất định.

Trong xã hội Việt Nam, giá trị “no ấm” đi cùng dân tộc ta suốt hàng nghìn năm lịch sử, đặc biệt trong thời chế độ phong kiến. Vào thời kỳ đó, với quan niệm “nông vi bản”, lấy thóc gạo làm bản vị, người nông dân 

Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp nông dân, thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, bão lụt, mất mùa, cùng với đó là những “tháng ba ngày tám” thiếu đói, thiếu ăn và thiếu mặc. Rõ ràng là suốt thời kỳ đó, “no ấm” luôn là giá trị khát khao cháy bỏng của đa số nông dân Việt Nam mong muốn, là nhu cầu và là một giá trị cao nhất mang tính sống còn đối với họ.  
“no ấm” đã là một giá trị cơ bản của mỗi người dân, mỗi gia đình Việt Nam từ nghìn năm nay. Chúng ta đều khao khát đạt được giá trị đó cùng với sự phát triển đi lên của đất nước. Đến nay, về cơ bản chúng ta đã vượt qua giá trị “no ấm” - không chỉ ăn no, mặc ấm mà còn “ăn ngon, mặc đẹp” và tiến tới những giá trị cao hơn nữa.

Đầu năm 1945, lịch sử Việt Nam vẫn chứng kiến nạn đói khủng khiếp với hàng triệu người chết, do chế độ hà khắc của thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra. Khi đất nước vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói lên nguyện vọng cháy bỏng trước các phóng viên nước ngoài: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước nhà hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(5) . Tức là, sau những giá trị lớn lao nhất đối với toàn dân tộc là Độc lập và Tự do, Người đã nghĩ ngay đến giá trị “no ấm” cho mỗi người dân Việt Nam, mà cho đến lúc này vẫn chưa đạt tới được.

Không chỉ với cá nhân mỗi người dân, “no ấm” là một giá trị lâu dài đối với các gia đình Việt Nam và được pháp luật ghi nhận. Mục 1, Điều 9, Pháp lệnh Dân số năm 2013 ghi rõ: “Kế hoạch hóa gia đình là biện pháp chủ yếu để điều chỉnh mức sinh, góp phần bảo đảm cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc…”. Mục 3, Điều 2, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, khẳng định “Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc,…” là một trong những nguyên tắc của chế độ hôn nhân và gia đình ở Việt Nam. Phải no ấm, rồi mới nghĩ đến bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc,… đúng như C. Mác và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Như vậy, “no ấm” đã là một giá trị cơ bản của mỗi người dân, mỗi gia đình Việt Nam từ nghìn năm nay. Chúng ta đều khao khát đạt được giá trị đó cùng với sự phát triển đi lên của đất nước. Đến nay, về cơ bản chúng ta đã vượt qua giá trị “no ấm” - không chỉ ăn no, mặc ấm mà còn “ăn ngon, mặc đẹp” và tiến tới những giá trị cao hơn nữa.

Giá trị “no ấm” sau 35 năm đổi mới đất nước

Cho đến cuối những năm 1980, kết thúc thời kỳ bao cấp, mở đầu thời kỳ đổi mới, “no ấm” vẫn còn là mong ước của rất nhiều người lao động thành thị và nông thôn. Thiếu ăn, thiếu mặc, thậm chí đói ăn (như ở những vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn) vẫn còn là nỗi ám ảnh của nhiều cá nhân, nhiều gia đình.

Sau hơn 35 năm đổi mới, từ chỗ là nước phải nhập khẩu lương thực, giờ đây Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng nông sản hàng đầu thế giới. Năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo, trị giá 3,2 tỷ USD, trong khi tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước cùng năm này chỉ còn 2,23%(6). Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu hàng dệt may nước ta ước đạt 38 tỷ USD. Như vậy, vấn đề cái ăn, cái mặc hay điều kiện để bảo đảm cho mọi người dân “no ấm” về cơ bản đã đạt được. Nói cách khác, giá trị “no ấm” về căn bản, đã được vượt qua đối với mỗi người dân, mỗi gia đình Việt Nam hiện nay.

Đương nhiên, “no ấm” có thể hiểu rộng hơn, không chỉ là ăn no, mặc ấm theo nghĩa đen. Trong chừng mực nào đó còn có thể hiểu ở mức độ cao hơn là “no đủ”.

Vượt qua giá trị “no ấm”, về mặt mức sống vật chất, giá trị nào sẽ thay thế nó? Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, GDP bình quân đầu người năm 2022 là 3.694 USD(7), mức sống của đa số người dân được nâng cao, thì tầng lớp trung lưu sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu xã hội, sẽ diễn ra quá trình “trung lưu hóa” xã hội, các giá trị của tầng lớp trung lưu sẽ ngày càng phổ biến trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đây sẽ là giá trị mới, thang bậc cao hơn của giá trị “no ấm” sẽ hình thành và ngày càng phổ biến, dần thay thế giá trị “no ấm” đối với mỗi cá nhân và gia đình Việt Nam trong thời gian tới.

3. Giá trị “đời sống trung lưu” sẽ dần thay thế giá trị “no ấm” trong xã hội Việt Nam?

Có tầng lớp trung lưu thì sẽ có các gia đình trung lưu. Đó là các hộ gia đình mà những thành viên có khả năng lao động hoặc có thu nhập thuộc tầng lớp trung lưu theo những tiêu chí nhất định, trong đó tiêu biểu nhất là tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người (từ 4 - 10 triệu đồng/ người/ tháng) và mức chi tiêu đạt mức trung bình của xã hội(8). Ngoài mức thu nhập bình quân đầu người, số liệu điều tra cho thấy điều kiện nhà ở và tiện nghi sinh hoạt của các gia đình trung lưu trong điều kiện của Việt Nam hiện nay là khá tốt. Hơn 90% gia đình trung lưu sở hữu nhà/ căn hộ riêng, trong đó 87% nhà ở là nhà xây một hay nhiều tầng; gần 80% có diện tích nhà ở bình quân từ 20-30 m2/ người trở lên.

Các gia đình trung lưu có khá đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Nhiều loại tiện nghi có từ 80 đến 100% các gia đình trung lưu sở hữu như: tivi, tủ lạnh, xe máy, điều hòa nhiệt độ, điện thoại thông minh, máy giặt, bếp gas / bếp điện,... Một số trang bị, tiện nghi đắt tiền cũng đã được nhiều gia đình trung lưu sử dụng như: xe ô tô (8,3%), điều hòa nhiệt độ (trên 65,8%), trong đó khoảng 20% gia đình có 2 chiếc và 5% có 3 chiếc, dàn âm thanh (26,23%), đàn piano (2%), …

Về mức chi tiêu của các gia đình trung lưu hiện nay, ngoài những khoản chi phổ biến để mua nhu yếu phẩm hằng ngày, như: lương thực thực phẩm, tiền điện, nước máy, phí điện thoại, xăng xe, …  có những khoản chi thể hiện rõ “tính trung lưu” của các gia đình này như: ăn uống ở ngoài nhà, mua mỹ phẩm, thuê người giúp việc, sử dụng các mạng truyền thông (cáp, đầu kỹ thuật số, internet, wi-fi,..), chu cấp thường xuyên cho bố mẹ hoặc con cái.

Tỷ lệ các gia đình trung lưu có những khoản chi này đều tăng theo mức độ khá giả, trung lưu của họ. Khối lượng tiêu dùng của các gia đình trung lưu đã lớn lại có xu hướng ngày càng gia tăng. Nghiên cứu cho thấy các gia đình trung lưu đều có những kế hoạch và ưu tiên chi tiêu trong vòng 5 năm tới. Từ 50-70% các gia đình đang có kế hoạch “Củng cố sức khỏe cho các thành viên gia đình”; “Củng cố điều kiện sống, nhà ở, tiện nghi”; “Đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình”; hoặc “Nâng cao học vấn, chuyên môn cho con cái”. Chẳng hạn, gần 60% các gia đình trung lưu có kế hoạch nâng cấp nhà ở hoặc dự định mua sắm, chuyển đổi tiện nghi đắt tiền như ô tô, xe máy… Một bộ phận các gia đình trung lưu còn có những dự định chi tiêu lớn như cho con du học tự túc, đi du lịch dài ngày trong nước hay nước ngoài.

Khoản chi của các gia đình trung lưu cho việc hiếu/hỷ gắn với các quan hệ gia đình, họ tộc và cộng đồng là rất đáng lưu ý. Ngay ở các thành phố lớn, các chi tiêu cho quan hệ loại này trên thực tế không hề suy giảm (khoảng 800 nghìn - 1 triệu đồng/ tháng, có gia đình vào mùa cưới phải chi đến 4-5 triệu đồng tiền mừng). Cùng với yếu tố quan hệ thị trường, khoản chi này càng trở nên đáng kể về lượng trong cơ cấu chi tiêu của các gia đình.

Bện cạnh đó, các gia đình trung lưu cũng khá tự tin trong việc tự đánh giá điều kiện kinh tế của gia đình mình, gần 90% gia đình trung lưu tự nhận “có nhà cửa đàng hoàng” và “có đủ tiện nghi sinh hoạt chất lượng”. Hơn một nửa các gia đình trung lưu đồng ý với nhận định “Gia đình tôi có kinh tế vững vàng / khá giả” và “Gia đình tôi có “của ăn, của để”.

Như vậy, qua các đặc điểm về mức sống, thu nhập, chi tiêu và tiện nghi sinh hoạt của các gia đình trung lưu cho thấy, nhóm các cá nhân và gia đình trung lưu Việt Nam hiện nay đã dần vượt qua ngưỡng giá trị “no ấm” để tiến đến những giá trị vật chất và tinh thần cao hơn.

Những giá trị có mối liên hệ với các nhu cầu của xã hội trong những gia đoạn và bối cảnh xác định. Còn nhu cầu thì thường biến đổi theo xu hướng đi lên. Nội hàm của khái niệm “no ấm” đã trở nên chật hẹp với tầng lớp trung lưu và các gia đình trung lưu. Họ không chỉ vươn lên “ăn ngon, mặc đẹp” mà còn “ăn hợp lý, ăn theo công thức, ăn thực phẩm sạch, hữu cơ, ...”.

Nhà tâm lý học người Áo A. Maslow đã xây dựng một “tháp nhu cầu” gồm 5 bậc để phân tích xu hướng phát triển nhu cầu của con người. Theo sơ đồ này của Maslow, “no ấm” thuộc nhóm nhu cầu ở bậc 1 - Nhu cầu sinh tồn, cơ bản của con người gồm ăn, mặc, ở, đi lại, … Và một khi nhu cầu vật chất cơ bản, sinh tồn này đã được vượt qua, thì các cá nhân lại hướng tới những nhu cầu an toàn, nhu cầu về tinh thần ở cấp độ cao hơn như nhu cầu tinh thần, tình cảm, được tin cậy, tôn trọng, được thể hiện trách nhiệm, vai trò của mình trước cộng đồng, xã hội,… gắn với những giá trị văn hóa - xã hội - nhân văn của xã hội văn minh, hiện đại. Qua đó, họ khẳng định vị thế xã hội mới, cao hơn của mình.

Trở lại với hệ giá trị gia đình, giá trị “no ấm” đã được coi là một nguyên tắc (đầu tiên) trong mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” - như đã được ghi trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 hay trong Pháp lệnh Dân số năm 2013. Theo các mục tiêu này, với các gia đình Việt Nam hiện nay, mục tiêu “no ấm” gần như đã được hoàn thành và vượt qua, “bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” là mục tiêu đang được tiếp tục hướng tới. Gia đình trung lưu với các đặc điểm nêu trên phải chăng đang tiếp cận tới mô hình “chuẩn” gia đình Việt Nam mà Luật Hôn nhân và Gia đình đã đặt ra?  

Khác với “no ấm” chỉ bao hàm giá trị vật chất cơ bản, tính trung lưu bao hàm không chỉ mức sống trên trung bình mà cả vai trò kinh tế, văn hóa, xã hội và trách nhiệm xã hội của mỗi người, mỗi gia đình trong quá trình phát triển của đất nước. Một gia đình “no ấm” chưa chắc đã là một gia đình trung lưu. Nhưng một gia đình trung lưu chắc chắn là một gia đình “no ấm”.

Có thể dự báo rằng, “tính trung lưu”, “tầng lớp trung lưu”, “gia đình trung lưu” có thể là những giá trị kế tiếp sẽ dần thay thế cho giá trị “no ấm” đối với mỗi người dân và mỗi gia đình trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Từ đây, trên con đường đẩy mạnh CNH, HĐH, Việt Nam sẽ đạt tới những mục tiêu đã được Đại hội XIII của Đảng đặt ra - trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Đến lúc đó, cùng với giá trị “trung lưu” là điển hình, xã hội Việt Nam sẽ bao gồm một tầng lớp trung lưu và gia đình trung lưu đông đảo, trong một xã hội trung lưu hóa, trên con đường đưa đất nước đạt tới mục tiêu tổng thể “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

_________________

(1) G. Endruweit -G. Trommsdorff: Từ điển Xã hội học (bản dịch tiếng Việt từ nguyên bản tiếng Đức, 1989),NxbThế giới,Hà Nội,2002, tr.156-161.

(2) Giddens Anthony: Sociology, Polity, 2001, tr. 22.

(3) Richard T. Schaeffe: Xã hội học, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2005, tr. 97.

(4) C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 40.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.627.        

(6) Viện Chiến lược và chính sách tài chính: “Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt kỷ lục  mới”, tại trang https://mof.gov.vn ,  truy cập ngày 28-11-2022

(7) Ban Kinh tế Trung ương: “Forbes: GDP bình quân đầu người Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nhất thế giới trong 15 năm qua” tại trang, http://kinhtetrunguong.vn, truy cập ngày 28-11-2022.

(8) Trịnh Duy Luân, Nguyễn Xuân Mai: Gia đình trung lưu ở Việt Nam với các quá trình phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2021.

GS, TS TRỊNH DUY LUÂN

Hội Xã hội học Việt Nam

...