VNHN - Theo thống kê, huyện Anh Sơn hiện có 62 di tích văn hóa, lịch sử cùng với nhiều danh thắng, tạo thành một quần thể chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức phong phú; có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch và đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân…
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các đại biểu dự Lễ cầu siêu, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào (18/7/2020)
Một trong những thế mạnh của du lịch Anh Sơn chính là du lịch tâm linh, với nhiều di tích cuốn hút sự quan tâm của du khách. Có thể kể đến như: Di chỉ khảo cổ Hang Đồng Trương ở xã Hội Sơn - đã được nhà nước xếp hạng Di tích khảo cổ cấp Quốc gia; Đền Cửa Lũy ở xã Hoa Sơn là nơi thờ phụng những người có công với dân, với nước trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc phương Bắc do Lê Lợi lãnh đạo; Đền Cửa Lũy có tiếng là ngôi đền thiêng và đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 2011; Hiệu Yên Xuân thuộc xã Lĩnh Sơn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử có giá trị trong những năm tháng đầu đầy khó khăn, thử thách của phong trào cách mạng; là một di tích lịch sử, là nơi chứng kiến tinh thần yêu nước đầu thế kỷ XX của người dân Anh Sơn và trong vùng.
Tháng 7 - Tháng Tri ân, là dịp để chúng ta nhớ và nghĩ về công ơn to lớn của các Anh hùng, liệt sỹ và những người có công với nước trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giành độc lập do cho dân tộc. Nhiều hoạt động, nhiều nghĩa cử tri ân được tổ chức. Trên quê hương Anh Sơn trong những ngày tháng 7 này, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong huyện, bên cạnh các hoạt động về kinh tế - xã hội đang được khôi phục và thúc đẩy mạnh mẽ sau dịch bệnh Covid - 19, đã và đang tổ chức những hoạt động Đền ơn đáp nghĩa và Tri ân thiết thực.
Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt - Lào
Một trong những địa chỉ tâm linh được rất nhiều du khách quan tâm ở Anh Sơn là Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt - Lào - nơi tập trung các phần mộ của hơn 11.000 cán bộ, chiến sỹ tình nguyện và chuyên gia quân sự có quê quán ở 47 tỉnh, thành trong cả nước, hy sinh trên chiến trường Lào. Tại đây hàng năm, Đại lễ cầu siêu hương linh các liệt sỹ do Ban trị sự Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và UBND huyện Anh Sơn đều được tổ chức nhằm tri ân, tưởng niệm anh linh các Anh hùng liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của hai dân tộc, vì hòa bình và hạnh phúc của nhân dân…
Thông qua các hoạt động và đặc biệt là các buổi Lễ được tổ chức trọng thể và xúc động, Chương trình “Uống nước nhớ nguồn” góp phần thể hiện lòng biết ơn của những người đang sống, đặc biệt là thế hệ trẻ, đối với các Anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh xương máu, hạnh phúc và tuổi xuân của mình cho độc lập tự do của Tổ quốc; đồng thời là dịp giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, nhắc nhở mỗi người luôn phấn đấu rèn luyện học tập để xứng đáng với những hy sinh to lớn của lớp lớp cha anh đi trước.
Về với miền đất du lịch Anh Sơn nơi miền Tây xứ Nghệ, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều điều kỳ thú. Một trong nhiều điểm đến trong hành trình du lịch cộng đồng ở Anh Sơn đây là Bản Cao Vều (xã Phúc Sơn). Bản hiện có gần 300 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Cao Vều nằm ở vùng đệm của rừng nguyên sinh Pù Mát, có tài nguyên rừng tự nhiên lớn, trong đó có nhiều loài lâm sản quý, có thảm thực vật phong phú và đa dạng, có hệ động vật với nhiều loài quý, hiếm - là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách khắp mọi miền khi đến Anh Sơn. Nằm cách xa trung tâm huyện Anh Sơn gần 20 km, Cao Vều là bản đồng bào dân tộc duy nhất của huyện Anh Sơn nằm ở khu vực biên giới giáp nước bạn Lào. Hiện nay bản Cao vều đã được tách thành 4 thôn theo khu vực dân cư và địa lý.
Những điệu khắc, luống, ẩm thực của đồng bào dân tộc hứa hẹn sẽ mamg lại cho du khách trải nghiệm thú vị khi đến với Anh Sơn.
Đến Bản Cao Vều hôm nay là đến với một vùng đất cũ về phong cách con người, về bản sắc và văn hóa truyền thống, nhưng không còn cũ về cách làm ăn, rất nhiều cái mới trong phát triển kinh tế của đồng bào. Lòng mến khách vốn là tâm tính của người dân Bản Vều bấy lâu nay. Kinh tế không ngừng phát triển. Mô hình trồng bí và dưa hấu, từ chỗ thí điểm ở 6 hộ nay đã nhân rộng ra cả xã. Mô hình chăn nuôi trang trại được phổ biến; Mỗi trang trại đều cho thu nhập hàng năm từ 50-100 triệu đồng. Cảnh sắc đổi thay với một diện mạo mới văn minh hơn đã giúp cuộc sống của người Bản Vều khác xưa nhiều lắm, ấm no, hạnh phúc hơn.… Xưa, khu vực Cao Vều - Mương Chăm vốn là căn cứ cách mạng của cả hai nước Việt Nam - Lào. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Xu pha nu vông từng có ước nguyện sau khi giành độc lập sẽ xây dựng nơi đây thành cửa khẩu quốc tế. Và hôm nay, ánh sáng của sự phát triển đã và đang về; Bản Vều đang là điểm đến khó bỏ qua của du khách khi đến với Anh Sơn trong những ngày này…