13/11/2024 lúc 14:09 (GMT+7)
Breaking News

Về Con Cuông (Nghệ An) khám phá vẻ đẹp du lịch sinh thái

VNHN - Con Cuông là địa phương có lợi thế để phát triển nông - lâm nghiệp và du lịch, thương mại. Đây là huyện được UNESCO đưa vào danh sách các địa danh thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An và Con Cuông là lõi của khu dự trữ, với trung tâm là vườn quốc gia Pù Mát. Một trong những nét đặc sắc của Con Cuông chính là có một cảnh quan tuyệt đẹp, là tiềm năng quý giá để phát triển du lịch nói chung và du lịch sinh thái nói riêng.

VNHN - Con Cuông là địa phương có lợi thế để phát triển nông - lâm nghiệp và du lịch, thương mại. Đây là huyện được UNESCO đưa vào danh sách các địa danh thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An và Con Cuông là lõi của khu dự trữ, với trung tâm là vườn quốc gia Pù Mát. Một trong những nét đặc sắc của Con Cuông chính là có một cảnh quan tuyệt đẹp, là tiềm năng quý giá để phát triển du lịch nói chung và du lịch sinh thái nói riêng.

Từ khoảng 500 năm trước, Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan, khi nói về vẻ đẹp của Con Cuông, đã có câu thơ vịnh rằng: Núi chẳng cao, nước cũng chẳng sâu/ Tranh sơn thủy một màu ai khéo vẽ”. Hai câu thơ đã phác họa được núi non, sông nước của một miền quê hữu tình, dễ làm say đắm lòng người. Cùng với đó là những di tích lưu giữ truyền thống hào hùng của dân tộc…Trải qua hàng trăm năm với bao thăng trầm, biến thiên, những chiến tích ấy vẫn hiện hữu trên từng ngọn núi, vách đá, bờ đất ven sông. Quả là vùng đất Con Cuông đã được thiên nhiên và lịch sử ưu ái ban tặng nhiều di tích và danh thắng để mãi mãi vẫn thấm đẫm tình đất tình người. 

Phố huyện Con Cuông

Vùng đất giàu tiềm năng về du lịch sinh thái

Huyện Con Cuông có 128.000 ha rừng nằm trong Vườn Quốc gia Pù Mát và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống với hơn 1.200 loài thực vật quý hiếm, cùng hàng trăm loài động thực vật nằm trong Sách đỏ được thế giới bảo vệ. Đi kèm với thảm động thực vật còn có nhiều thác nước đẹp như: thác Khe Kèm, khe Nước Mọc… và nhiều hang động kỳ thú như hang Thẳm Ồm, Thẳm Nàng Màn, hang ông Trạng…; cùng những di tích lịch sử, văn hóa như bia Ma Nhai, động Ðào Nguyên, thành cổ Trà Lân... Trong những tiềm năng đó, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái có thể coi là một thế mạnh nổi trội của huyện Con Cuông.

 Nói đến sinh thái ở Con Cuông, không thể không nhắc tới Vườn quốc gia Pù Mát. Đây cũng chính là một trọng điểm về du lịch sinh thái của huyện.  Vườn quốc gia Pù Mát là nơi có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động vật, thực vật phong phú; là một trong số ít khu bảo tồn đa dạng sinh học lớn nhất nước ta. Tháng 11 năm 2007, Vườn quốc gia Pù Mát được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ngoài giá trị lớn về kinh tế, Vườn quốc gia Pù Mát còn rất hấp dẫn về du lịch, bởi sự hoang sơ, cảnh quan tuyệt đẹp và môi trường sinh thái trong lành, rất thuận lợi cho sự phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm và tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc trong vùng. Đến với du lịch sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát ở Con Cuông, du khách sẽ không chỉ được đến một nơi, mà là nhiều nơi và được tận hưởng rất nhiều điều mà chỉ ở đây mới có.

Thác Khe Kèm Con Cuông

Nằm trong Vườn quốc gia Pù Mát, Thác Khe Kèm cách thị trấn Con Cuông khoảng 15 km, là một thắng cảnh tuyệt đẹp. Từ trên độ cao vài trăm mét, qua ba bậc thang, nước đổ xuống trắng xóa, nhìn như một dải lụa trắng khổng lồ từ trên cao buông xuống. Hai bên thác là thảm thực vật xanh thắm với hàng trăm loài hoa quanh năm khoe sắc, nhìn vô cùng bắt mắt. Dưới chân thác là những hồ nước nhỏ trong xanh bao bọc bởi những phiến đá phẳng lỳ trông như những chiếc bàn lớn. Ngay giữa mùa hè nóng nực, nhiệt độ ở khu vực xung quanh thác cũng chỉ khoảng 200 C… Đẹp như vậy nên từ lâu, Thác Khe Kèm đã trở thành điểm đến thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Đến đây, bao nhiêu mệt nhọc của du khách đều tan biến hết, mang lại sự sảng khoái và sức khỏe cho con người.

Về với Con Cuông, được du thuyền ngược dòng sông Giăng thật không gì lý thú hơn. Trong suốt hành trình, du khách sẽ bị cuốn hút bởi những hình ảnh tuyệt đẹp của núi non sông nước, của hoa lá cây rừng ở nơi có một không hai này. Ẩn hiện dưới những tán lá xanh là những thảm hoa đủ màu sắc; trên những triền núi cao là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, mỗi cây là một tuyệt tác của tự nhiên… Ngược dòng sông Giăng, du khách còn có dịp đến với bản Cò Phạt của tộc người Đan Lai tìm hiểu cuộc sống và văn hóa của đồng bào nơi đây, thật là thêm phần thú vị... Rồi tham quan di tích lịch sử văn hoá, lịch sử cây Đa - Cồn Chùa với sự ra đời của một chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở miền Tây Nghệ An trong giai đoạn 1930 - 1931 tại xã Môn Sơn huyện Con Cuông; tham quan làng nghề dệt Thổ Cẩm truyền thống của đồng bào Thái cổ tại hai xã Lục Dạ, Môn Sơn; cùng dự dạ hội, uống rượu Cần với dân địa phương để có dịp nghiên cứu, tìm hiểu các phong tục tập quán, bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc Thái cổ ở vùng đất Con Cuông vừa đẹp vừa mến khách này.

Một đoạn trên sông Giăng

 Một trong những điểm đến khá đặc biệt nữa là xã Yên khê, vốn được mệnh danh là nơi hội tụ của… hang động. Trong đó có Hang Thẩm Hoi (Hang Ốc), không chỉ mang một vẻ đẹp vốn có của Hang, mà đặc biệt đây còn là một Di chỉ khảo cổ học quan trọng, được phát hiện vào năm 1967; là minh chứng cho sự có mặt của Văn hóa Hòa Bình trên đất Nghệ An nói chung, ở huyện Con Cuông nói riêng. Cũng tại Yên Khê (bản Nưa) còn có Suối Nước Mọc rất đặc biệt. Nước ở đây được phun lên từ lòng đất sâu. Vào mùa hè, nước suối rất mát, nhưng mùa đông nước lại rất ấm.  Bao quanh dòng suối là một rừng cây cổ thụ còn nguyên sơ… Hàng ngày có hàng trăm du khách tìm đến để ngâm mình trong dòng nước trong xanh và ngắm cảnh núi rừng tươi đẹp, thư giãn cho chính mình. Tại xã Yên Khê còn có Hang Nàng Màn (ở bản Pha) cũng là một danh thắng được nhiều người đến thưởng ngoạn. Vào trong hang, mùa hè thì mát mẻ, mùa đông lại ấm áp. Thiên nhiên đã tạo nên ở trong Hang những nhũ đá, phiến đá với muôn hình muôn vẻ, đẹp đến hút hồn…. Eo Vực Bồng ở xã Bồng Khê cũng là một thắng cảnh rất đẹp và nơi đây được xem là vực sâu nhất của sông Lam…  Trong khi đó Cửa Rọ lại là một danh thắng khác nằm ở phía Tây Thị trấn Con Cuông. Không chỉ đẹp, Cửa Rọ còn là một di tích lịch sử gắn liền với hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn trên đất Con Cuông…

 Với huyện Con Cuông, Du lịch cộng đồng gắn với sinh thái được xem là một mô hình du lịch đầy tiềm năng trong việc thu hút khách du lịch và giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương trên địa bàn. Những năm gần đây, du lịch cộng đồng ở Con Cuông đã có những bước khởi sắc rất đáng mừng; trở thành là một phương thức du lịch hấp dẫn không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá miền Tây xứ Nghệ. Các điểm du lịch cộng đồng ở Con Cuông còn mang nét hoang sơ, tự nhiên, thuần tuý, ít bị biến đổi; được thiên nhiên ưu đãi có nhiều danh thắng đẹp hoang sơ, nhưng vô cùng đặc sắc.

Huyện Con Cuông đã và đang tập trung xây dựng mô hình Du lịch cộng đồng gắn với sinh thái tại 4 bản là bản Thái Sơn và bản Xiềng (xã Môn Sơn), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Nưa (xã Yên Khê). Huyện đã tận dụng sự hỗ trợ của Dự án JICA Nhật Bản, Dự án VIE-028 Phát triển nông thôn miền núi Nghệ An để mở các lớp đào tạo nghề nấu ăn, chế biến các món ăn phục vụ du lịch, duy trì phát triển nghề dệt thổ cẩm - mây tre đan, cho bà con đi tham quan học hỏi các mô hình du lịch cộng đồng ở các địa phương khác. Đồng thời, đầu tư một số điểm homestay để du khách có thể ăn ở, sinh hoạt với đồng bào Thái; được tìm hiểu về đời sống sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của bà con… Du lịch cộng đồng gắn với sinh thái không chỉ mang lại cho du khách sự trải nghiệm vô cùng thú vị, thoải mái, mà qua đó tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho đồng bào và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc…

Hướng đến tương lai

Vấn đề đặt ra đối với ngành Du lịch huyện Con Cuông là làm thế nào để tiếp tục khai thác và phát huy một cách tốt nhất, hiệu quả nhất tiềm năng và lợi thế có được nhằm đưa du lịch của huyện phát triển mạnh mẽ và đạt được thành tích cao, tương xứng với tiềm năng, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

  Cùng với quá trình thực hiện mục tiêu chung trong giai đoạn 2016 - 2020 là xây dựng, phát triển Con Cuông trở thành Trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Tây Nam Nghệ An và giai đoạn 2021 - 2025 trở thành đô thị sinh thái của Tỉnh, là đô thị động lực của vùng Tây Nam Nghệ An, huyện Con Cuông coi phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong những năm tới. Đề án “Phát triển du lịch huyện Con Cuông giai đoạn 2013 - 2020”  là căn cứ quan trọng để huyện thực hiện những mục tiêu về phát triển du lịch. Theo đó, Con Cuông tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp, chỉ đạo quyết liệt hơn theo tinh thần “làm” du lịch một cách thực chất, hiệu quả và có tính bền vững. Gắn kết nhiều hơn du lịch công đồng với du lịch sinh thái; đồng thời chú trọng triển khai hướng dẫn người dân sản xuất thực phẩm, đặc sản cây, con theo hướng nông nghiệp sạch, thực phẩm phục vụ du khách phải có chất lượng ngon, an toàn. 

Bên cạnh việc phát triển kinh tế bằng thu hút khách du lịch thì Con Cuông còn phải có những biện pháp, cách làm để hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế, xã hội với việc tuyên truyền cho du khách và người dân cùng có ý thức giữ gìn tài nguyên rừng và bảo đảm an ninh biên giới. Vì có giữ được rừng, giữ được an ninh trật tự yên ổn thì người dân và du khách mới có thể yên tâm khai thác, thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh, khám phá các bản sắc văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó, Huyện tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và công tác quảng bá “thương hiệu” du lịch Con Cuông; chú trọng thu hút nhiều hơn việc đầu tư vào một số nơi trọng điểm như thác Khe Kèm, đập Phà Lài, du thuyền trên sông Giăng…

Và, một hoạt động không thể xem nhẹ, đó là đẩy công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương trên nhiều kênh thông tin. Với tất cả những nỗ lực của mình, Đảng bộ và nhân dân huyện Con Cuông quyết tâm đưa kinh tế du lịch trở thành mũi nhọn phát triển của huyện, từng bước thực hiện mục tiêu đưa Con Cuông trở thành đô thị du lịch sinh thái của miền Tây Nam Nghệ An./.