VNHN-Ngày 26-12 vừa qua, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam- Chi nhánh Thanh Hóa (VCCI Thanh Hóa) đã tổ chức Hội thảo: "Thiết lập mạng lưới liên kết trong kinh doanh và ứng dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp".
Toàn cảnh hội nghị
Hội thảo có sự tham gia của hơn 30 thành viên, là đại diện các doanh nghiệp, HTX chế biến, kinh doanh các sản phẩm tre, luồng trên địa bàn tỉnh. Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 126 cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ cây tre luồng. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, đa phần là sản phẩm thô, như: đũa thô, nan thanh, tăm hương, tăm xiên, đèn lồng, cót mộc... 50% luồng được khai thác, vận chuyển đến các tỉnh khác để làm vật liệu xây dựng.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu - Trường Đại học Thương mại đã trình bày những lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa và quy trình truy xuất nhãn mác sản phẩm, trong đó nhấn mạnh việc truy xuất không những giúp biết được nguồn gốc sản phẩm, tạo dựng lòng tin người tiêu dùng mà còn giúp đẩy mạnh xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm, là điều kiện bắt buộc nếu sản phẩm muốn "vươn tầm".
Hội thảo cũng tập trung thảo luận về những yêu cầu và sự cần thiết của truy xuất nguồn gốc đối với hàng từ tre, luồng. Thực tế ứng dụng truy xuất nguồn gốc tại các doanh nghiệp. Liên kết hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Thông qua việc chia sẻ, trao đổi và thảo luận từ các chuyên gia, người sản xuất đã góp phần thắt chặt mối liên kết, tương tác đa chiều giữa 4 đơn vị: “Nhà quản lý, doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu thụ”. Qua đó, tìm ra hướng hỗ trợ và định hướng các doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy xuất khẩu, nhất là đối với những sản phẩm từ tre luồng được sản xuất theo công nghệ cao, đạt giá trị kinh tế khá.
Tại hội thảo, một số doanh nghiệp cũng đã giới thiệu phần mềm giúp thực hiện việc truy xuất hàng hóa dễ dàng.
CQĐD THANH HÓA