VNHN - Ngày 22/12, bắt đầu chuyến công tác tại Thanh Hóa, vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, địa linh nhân kiệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh và thăm một số cơ sở động lực kinh tế của tỉnh.
Thủ tướng thăm khu di tích Lam Kinh. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Cùng đi có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, lãnh đạo một số bộ, ngành và tỉnh Thanh Hóa.
Khu di tích Lam Kinh nằm ở thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, là quê hương đất tổ nhà Lê – nơi sinh ra Anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy vào thế kỷ XV.
Với các công trình kiến trúc gốc tuy không còn nhiều nhưng chứa đựng những ý nghĩa, giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hoá, tâm linh, năm 1962, di tích lịch sử Lam Kinh được xếp hạng cấp quốc gia, đến 1994 được Chính phủ phê duyệt dự án trùng tu tôn tạo. Hiện nay, nhiều hạng mục công trình khu di tích đã được phục hồi tôn tạo, bảo vệ được nhiều di tích di vật cổ thời Lê.
Đến nay, hầu hết các công trình hạng mục trong khu di tích đã được nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, cung cấp nhiều tài liệu có giá trị, làm rõ được hình hài của những di tích bị vùi lấp, bảo vệ được những di tích gốc đang có nguy cơ bị huỷ hoại, ngăn chặn được tình trạng hoang phế, từng bước khôi phục lại diện mạo Lam Kinh xưa.
Thủ tướng thăm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Công ty mía đường Lam Sơn. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đã tới thăm mô hình sản xuất của Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, tiền thân là Nhà máy đường Lam Sơn.
Với hơn 35 năm kinh nghiệm hoạt động, sản xuất mía đường, nông sản, Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn là một trong những đơn vị tiên phong về áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, trồng trọt với đội ngũ kỹ sư và công nhân lao động trên 1.000 người.
Doanh nghiệp có một số sản phẩm nổi bật như cồn tinh chế dùng làm nguyên liệu xăng pha cồn có nguồn gốc từ thiên nhiên, được sản xuất trên dây chuyền hiện đại theo công nghệ sản xuất của Ấn Độ; đường vàng tinh khiết có mùi thơm đặc trưng của đường mía chỉ có ở vùng mía Lam Sơn được sản xuất trên dây truyền hiện đại của Nhật Bản…
Thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Công ty, Thủ tướng cho rằng, cần nhân rộng các mô hình này, tập trung nhiều hơn nữa vào khâu chế biến, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Thủ tướng thăm Cảng hàng không Thọ Xuân. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Tiếp đó, Thủ tướng đến thăm Cảng hàng không Thọ Xuân, là một trong cảng hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước.
Cảng hàng không Thọ Xuân (sân bay Sao Vàng) là một sân bay hỗn hợp quân sự và dân dụng ở thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), cách thành phố Thanh Hóa 45 km về phía Tây. Năm 2018, Cảng hàng không Thọ Xuân phục vụ khoảng 1 triệu lượt hành khách. Sân bay sẽ được nâng công suất từ 2,5 triệu khách/năm lên 5 triệu khách/năm trong giai đoạn đến năm 2030.
Sau khi nghe báo cáo về định hướng phát triển Cảng hàng không thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, cần phát triển các dịch vụ để thu hút du khách đến với Thanh Hóa, qua đó, tăng lượng khách sử dụng dịch vụ hàng không.
Thủ tướng cho biết sẽ trao đổi một số vấn đề về việc phát triển Cảng hàng không này tại cuộc làm việc ngày 23/12 với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa./.