18/01/2025 lúc 20:15 (GMT+7)
Breaking News

Văn Yên (Yên Bái): Độc đáo tục cấm rừng của người Mông Nà Hẩu

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày âm lịch cuối cùng của tháng Giêng tại những cánh rừng thiêng thuộc xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái) lại tổ chức “Lễ cúng Thần rừng” hay còn gọi là “Tết rừng”. Đây là một nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông Nà Hẩu để cầu Thần rừng phù hộ, che chở, ban lộc rừng cho người dân trong xã; cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu…

Linh thiêng lễ cúng rừng

Theo quan niệm của người Mông Nà Hẩu, rừng là tất cả, là nguồn sống, là mái nhà che chở, là chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng, rừng tạo nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình yên cho mọi người. Để bảo vệ rừng cũng như phát huy phong tục, tập quán truyền thống lâu đời của người Mông Nà Hẩu, hàng năm nhân dân trong xã đều tổ chức “Lễ cúng Thần rừng” hay còn gọi là "Tết rừng”. Đây là một nghi lễ truyền thống lớn nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất trong năm đối với đồng bào Mông Nà Hẩu.

Thầy cúng làm lễ cúng thần rừng tại khu rừng thiêng của thôn.

Sáng nay 9/3, tức ngày 29 tháng Giêng, năm Giáp Thìn, tại những cánh rừng thiêng thuộc 3 thôn Bản Tát, Ba Khuy, Trung Tâm xã Nà Hẩu đã đồng loạt diễn ra Lễ cúng rừng. Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn lượt du khách, đồng bào dân tộc Mông xã Nà Hẩu và nhân dân trong vùng đã có mặt tại những khu rừng thiêng để được chứng kiến các nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.

Là một người dân của huyện Văn Yên nhưng đây là cũng là lần đầu tiên chị Lê Kim Thoa, ở thị trấn Mậu A lên tham dự và trải nghiệm Tết rừng tại xã Nà Hẩu. Chị Thoa phấn khởi nói: “Đến với Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, tôi và gia đình đã được trải nghiệm, khám phá bản sắc văn hóa của đồng bào Mông và tận hưởng không khí trong lành của những cách rừng nguyên sinh, khung cảnh ở đây rất đẹp và thanh bình”.

“Lễ cúng Thần rừng” chứa đựng trong đó tín ngưỡng thờ Thần rừng của đồng bào Mông đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ở tất cả các thôn, bản của xã Nà Hẩu đều có một khu rừng cấm - rừng thiêng nằm ở địa thế đẹp nhất của thôn, nơi hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng Thần rừng với những quy định “bất khả xâm phạm”.

Khu vực cúng rừng.

Theo quan niệm của người Mông, những cánh rừng xanh, rừng cấm, rừng thiêng gần bản là nơi chở che dân bản tránh cái gió, tránh lũ ống, lũ quét, cho dân bản sản vật để ăn, nguồn nước để uống và tưới tiêu cho đồng ruộng. Giữ cánh rừng luôn tươi tốt cũng chính là giữ cho dân bản luôn bình an, no ấm.

Theo đó, cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng Âm lịch hàng năm, các bản, làng trong xã Nà Hẩu tụ họp về khu "rừng cấm, rừng thiêng” của thôn cùng tổ chức "lễ cúng Thần rừng”. Đây không chỉ là nghi lễ độc đáo có ý nghĩa tâm linh cầu phúc, giúp bảo tồn các giá trị vật chất, tinh thần trong cộng đồng dân tộc Mông mà còn góp phần thiết thực bảo vệ rừng.

Mở đầu là nghi lễ rước lễ vật lên khu rừng cấm. Nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ diễn ra trước cửa rừng, dưới gốc cây táu mật cổ thụ. Lễ vật để dâng cúng thần rừng gồm một cặp gà trống - mái, một con lợn đen, rượu, hương, giấy bản. Lợn đen được giao cho hai chàng trai và hai cô gái khiêng từ UBND xã lên khu rừng cấm. Đến giờ lành, thầy cúng kính cẩn dâng hương, lần lượt quay về 4 phía gõ mõ và khấn mời thần linh chứng giám, hưởng lễ vật, phù hộ, ban lộc rừng cho người dân, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu…

Nhân dân cả thôn tham gia lễ cúng rừng.

Độc đáo tục cấm rừng của người Mông Nà Hẩu

Sau lễ hội Tết rừng, theo tập tục của người Mông, các thôn bản của xã Nà Hẩu đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn Thần rừng. Cũng trong ba ngày này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục đó là không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo…

Thầy cúng Giàng A Sềnh, xã Nà Hẩu chia sẻ: “Trong thời gian kiêng lên rừng mà người dân phát hiện ra một ai đó vi phạm những điều cấm đã được cam kết thì sẽ bị Tổ tự quản xử lý vi phạm. Tục phạt là người vi phạm phải nộp 1 con lợn, 1 đôi gà cúng, mời một số thành phần trong thôn hoặc mời cả làng ăn cùng. Người dân quan niệm rằng, những hộ nào vi phạm điều cấm trong 3 ngày kiêng này sẽ gặp xui xẻo trong năm. Còn hộ nào kiêng tốt thì năm ấy mà cây trồng không bị sâu bệnh, trâu bò không bị ốm dịch, mùa màng bội thu, con cái trong nhà khoẻ mạnh”.

Cùng với đó, sau khi kết thúc phần nghi lễ cúng chính, tại các điểm cúng rừng, người dân đã tổ chức họp làng để đánh giá tình hình bảo vệ rừng năm qua và cùng thề giữ rừng, gọi là “Hội thề giữ rừng”.

Gốc cây cổ thụ, linh thiêng - Nơi người dân thực hiện các nghi lễ cúng tế thần rừng.

A Ma A Chu - Trưởng thôn Trung Tâm, xã Nà Hẩu cho hay: “Tại hội thề giữ rừng của thôn sẽ đánh giá kết quả công tác bảo vệ rừng của người dân trong thôn, tuyên dương các hộ làm tốt; đồng thời, nêu tên và phê bình các hộ làm chưa tốt để nhân dân trong thôn được biết. Đồng thời, nhân dân trong thôn cam kết cùng nhau đoàn kết giữ rừng, không ai được vị phạm và tuân thủ pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng”.

Sau khi thực hiện nghi thức thề giữ rừng, Trưởng thôn và nhân dân bầu ra Tổ tự quản bảo vệ rừng năm mới và tổ chức ăn tết ngay dưới tán rừng. Đây là dịp để đồng bào Mông Nà Hẩu ăn Tết rừng, đi chơi nhà, thăm hỏi lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết, chuẩn bị tinh thần cho một năm lao động mới với niềm tin về những điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người, mọi nhà”.

Trách nhiệm giữ rừng

Ông Đoàn Giao Lương – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên cho biết: Nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên có tổng diện tích tự nhiên 5.640 ha, trong đó, rừng tự nhiên đặc dụng trên 4.500 ha. Rừng Nà Hẩu như mái nhà chung của 502 hộ người Mông với hơn 2.500 nhân khẩu. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng mái nhà chung ấy bao đời nay đã được đồng bào Mông đồng lòng gìn giữ bằng cách riêng, bằng những luật tục truyền từ đời này sang đời khác. 

Người dân tham gia các trò chơi trong ngày lễ cúng rừng.

Với người Mông ở Nà Hẩu, việc giữ rừng giống như giữ mái nhà của mình nên bà con ai cũng bảo nhau không được phá rừng làm nương rẫy, không để người lạ vào rừng. Nếu ai xâm phạm khu vực rừng nhận khoán, người dân nhanh chóng thông báo chính quyền xã và cán bộ kiểm lâm can thiệp, xử lý kịp thời.

Chính quyền xã, cán bộ kiểm lâm và người dân cùng cộng đồng tăng cường tuần tra, triển khai nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; ngăn chặn kịp thời hành vi chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép. Nhờ vậy, nhiều năm qua, diện tích rừng nguyên sinh đặc dụng trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu được các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ vẫn sừng sững, hiên ngang ôm ấp, chở che cho cộng đồng dân cư nơi đây. Nà Hẩu trở thành địa phương hiếm có với độ che phủ rừng đạt tới 90%.

Những nghi lễ truyền thống linh thiêng, độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Mông xã Nà Hẩu.

Với những nghi lễ truyền thống linh thiêng, độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, cùng với tình yêu rừng, trách nhiệm giữ rừng của người Mông xã Nà Hẩu được truyền từ đời này cho đời khác. Người Mông Nà Hẩu quản lý rừng bằng luật tục và Tết rừng đã trở thành một tập quán lâu đời để người Mông nơi đây nhớ về cội nguồn, nhắc nhau cùng chung tay xây dựng một cuộc sống ấm no, an toàn giữa đại ngàn xanh thẳm. Tết rừng cũng là dịp để mỗi nhân dân, du khách thêm trân trọng từng cây xanh, từng cánh rừng và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng cuộc sống xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc.

 

Đoàn Tuấn - Thu Nhài