Trong quá trình đó, hội nhập quốc tế về văn hóa cũng là một yêu cầu khách quan không thể xem nhẹ. Bởi nếu coi nhẹ hội nhập văn hóa thì rất có thể sẽ bị các nền văn hóa khác đồng hóa. Văn hóa là hồn cốt của một dân tộc. Một dân tộc mà không giữ được bản sắc văn hóa riêng, bị đồng hóa thì dần dần sẽ không còn dân tộc đó nữa. Cho nên, UNESCO đã đưa ra quan điểm rằng: Suy cho cùng, sự phát triển của xã hội chính là sự phát triển của văn hóa và sự thăng hoa của văn hóa là đỉnh cao nhất của sự phát triển. Vì vậy, bên cạnh chiến lược phát triển kinh tế với phương châm tích cực hội nhập quốc tế, Nhà nước ta cũng có chiến lược phát triển nền văn hóa – một nền văn hóa có hội nhập quốc tế, nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Nghĩa là vừa giữ bản sắc dân tộc, vừa chủ động chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú thêm, giàu có thêm, hiện đại hơn nền văn hóa của dân tộc mình. Cũng từ góc nhìn văn hóa gắn kết với kinh tế, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nguyên nhân tụt hậu về kinh tế không chỉ nằm trong lĩnh vực kinh tế, mà còn có cả nguyên nhân về văn hóa – văn hóa hội nhập. Có nghĩa là, nếu không có văn hóa hội nhập thì quá trình hội nhập sẽ không thành công.
Vấn đề hội nhập quốc tế về văn hóa quan trọng như vậy, nhưng thực sự không đơn giản. Đó là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa việc giữ gìn bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc với những văn hóa ngoại lai không lành mạnh, giữa giá trị đạo đức tốt đẹp mang tính truyền thống của người Việt Nam với những biểu hiện tiêu cực, với mặt trái của cơ chế thị trường… Thực tế thời gian qua chứng tỏ, mặc dù đã cố gắng nhiều, nhưng chúng ta vẫn còn sự non kém trong quản lý các hoạt động văn hóa, trong hội nhập quốc tế về văn hóa. Tác động của mặt trái cơ chế thị trường cộng với sự non kém trong quản lý, có thể coi là một trong những nguyên nhân của tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức, sự thiếu tôn trọng các chuẩn mực xã hội…Đặc biệt, một số giá trị đạo đức tốt đẹp, thiêng liêng vốn có vị trí quan trọng trong hệ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam ta đang có nguy cơ bị mai một và tha hóa. Trong sự bất cập đó, đáng buồn nhất là lối sống tình nghĩa, “thương người như thể thương thân” đang bị suy giảm; lối sống hẹp hòi, ích kỷ… đang có xu hướng gia tăng. Đó là những vấn đề nhức nhối mà để giải quyết, khắc phục thật vô cùng khó khăn. Mặt khác, trong khi hội nhập đưa đến những chuyển biến rất nhanh về kinh tế, xã hội thì văn hóa lại hầu như “không theo kịp” nên đã xuất hiện những “khoảng trống văn hóa”. Điều này góp phần tạo ra sự suy thoái về phẩm chất đạo đức và lối sống… , gây nên những hệ lụy không nhỏ trong đời sống xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào chế độ xã hội.
Vậy để hội nhập quốc tế về văn hóa đáp ứng được những mục tiêu, yêu cầu đặt ra đúng đắn như vậy, rất cần phải hoàn thiện và tổ chức thực hiện một cách thực chất những giải pháp cụ thể trong quản lý và điều hành các hoạt động văn hóa. Trong đó, có những vấn đề cơ bản không thể xem nhẹ và không nên chậm trễ. Trước hết, cần tăng cường giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống lịch sử và truyền thống cách mạng của dân tộc ta cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cho các thế hệ trẻ. Qua đó, vun đắp và nâng cao niềm tự hào dân tộc cho nhân dân, cho lớp trẻ, để mọi người có ý thức và tinh thần hướng đến các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc vốn là cội nguồn tạo nên bản sắc văn hóa, tạo nên cốt cách và sức mạnh của con người Việt Nam. Cùng với đó, công tác giáo dục pháp luật phải được tăng cường và đi vào thực chất, thường xuyên với những phương thức sinh động, hiệu quả, làm cho mọi người không những hiểu biết về pháp luật, mà còn có ý thức tự giác “sống và làm việc theo pháp luật”. Bởi vì, sống có văn hóa trước hết phải là sống và làm việc theo pháp luật. Một vấn đề cũng không kém quan trọng là cần phải xác lập tính bản lĩnh của văn hóa Việt Nam. Vì trong quá trình hội nhập, bên cạnh thuận lợi và cơ hội cho sự phát triển thì cũng có rất nhiều thách thức, khó khăn, mà nếu không có bản lĩnh, không có những giải pháp thực thi đúng đắn, phù hợp thì văn hóa sẽ rất dễ trở nên lai căng, kéo theo sự suy giảm và mất dần văn hóa dân tộc. Ngược lại, nếu xác lập được bản lĩnh văn hóa Việt Nam thì sẽ còn có thể làm giàu thêm, làm phong phú thêm nội dung các giá trị truyền thống, tạo nên nền tảng văn hóa tinh thần cho sự phát triển bền vững của đất nước. Ở đây, bản lĩnh văn hóa có thể hiểu là tổng hợp những nhân tố thể hiện cốt cách, khí phách, tư chất và sức mạnh khẳng định bản sắc dân tộc trước tác động của các nền văn hóa khác trong quá trình hội nhập, giao lưu. Có được bản lĩnh văn hóa sẽ giúp tăng cường sức đề kháng với những tác động văn hóa ngoại lai không phù hợp với bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc, làm cho cơ thể văn hóa Việt Nam được “miễn dịch” với mọi tác động của các phản giá trị có thể làm băng hoại văn hóa...