02/05/2024 lúc 10:44 (GMT+7)
Breaking News

Văn hóa thổ cẩm, tinh hoa hội tụ của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

Nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào các dân tộc Việt Nam, được giữ gìn và lưu truyền qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ trong gia đình. Là một trong những biểu trưng để biểu đạt văn hóa và đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào các dân tộc Việt Nam, được giữ gìn và lưu truyền qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ trong gia đình. Là một trong những biểu trưng để biểu đạt văn hóa và đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Lạc vào những sắc màu nổi bật, đua nhau bay trong gió đến gần hơn những tấm thổ cẩm ấy là huyền tích ảo diệu, kết nối hài hòa bảy sắc cầu vồng, lung linh sắc màu, an nhiên như hoa nở, sương rơi. Với nụ cười trong trẻo và đôi gò má ửng hồng của những thiếu nữ vùng cao, khiến ta say sưa quên đường về.

Nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào nơi đây.

Thổ cẩm được biết đến là một trong số những loại vải được đặt thủ công với những họa tiết, hoa văn độc đáo nổi lên trên bề mặt vải như được thêu. Các hoa văn, họa tiết trên vải thổ cẩm thường mang hơi hướng nét truyền thống của các vùng miền, dân tộc. Do đó, mọi nơi, mọi khu vực khác nhau đều sẽ mang đến những sản phẩm vải thổ cẩm riêng biệt. Nguyên liệu chủ yếu được sử dụng để dệt thổ cẩm chính là các sợi bóng, sợi lanh được lấy từ trên rừng, gai đã được nhuộm sắm, các hoa văn để dệt, chỉ dệt cũng được nhuộm bằng phẩm màu tự nhiên, cho ra những sản phẩm truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghề dệt thổ cẩm đã có từ lâu đời, tại các dân tộc miền núi, tuy nhiên ban đầu chỉ hoạt động với mục đích sử dụng riêng của các gia đình, không tính đến việc buôn bán rộng rãi. Các sản phẩm chủ yếu chỉ là khăn choàng, xà rông, vải trang trí ở trong chùa, sử dụng trong các địa đình hay các nghi lễ tôn giáo đặc biệt. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, khi xu hướng thị trường thời trang ngày càng thay đổi, thêm vào đó, ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, kinh tế mở cửa đã tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy các ngành nghề đi lên, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.

Nghề dệt thổ cẩm được giữ gìn và lưu truyền qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ trong gia đình.

Hiện nay, những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống ngày càng xuất hiện nhiều trong các hội chợ khắp nơi đặc biệt là tại các địa điểm du lịch nổi tiếng, váy, áo cho phụ nữ; khố, áo cho đàn ông; khăn đội đầu, tấm đắp, tấm địu con, túi đựng đồ dùng và các sản phẩm khác làm từ thổ cẩm,...ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã. Các sản phẩm thổ cẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, thu hút du khách trong và ngoài nước đến làng tham quan và mua sắm.

Tại các huyện miền núi dọc các tỉnh Miền Trung trên dãy Trường Sơn, nơi nào cũng có các làng nghề dệt thổ cẩm. Vượt ra khỏi khuôn khổ làng, bản những tấm vải được dệt công phu của những phụ nữ vùng cao đã vươn cao, bay xa đi khắp nơi trên thế giới. Trở thành hàng hoá xuất khẩu, là sản phẩm thời trang được ưa chuộng bởi tính độc đáo, thân thiện với môi trường, đậm đà bản sắc dân tộc và tạo sinh kế bền vững cho các buôn làng ở các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi và các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên khi tổ chức sinh hoạt cộng đồng, làm du lịch sinh thái. Là vật lưu niệm quý giá và khác biệt của du khách trong và ngoài nước.

Những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống ngày càng xuất hiện nhiều trong các hội chợ khắp nơi đặc biệt là tại các địa điểm du lịch nổi tiếng.

Nhận thấy được những giá trị về văn hóa, sự độc đáo trong kỹ thuật dệt, cũng như tiềm năng trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với nghề thủ công truyền thống tại đây...Để gìn giữ nét văn hóa đặc trưng này nhiều địa phương đã khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm trong cộng đồng, trong khuôn khổ của không gian lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam, nghề dệt truyền thống đã được giới thiệu, trưng bày đến du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó là định hướng, giải pháp để phát triển nghề dệt bền vững theo hướng đem lại giá trị kinh tế, gắn với bảo tồn giá trị văn hóa.

Các sản phẩm khác làm từ thổ cẩm,...ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã.

Lần đầu tiên, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các nhà nghiên cứu văn hóa cùng dành thời gian tham dự và bàn về giải pháp nâng tầm giá trị thổ cẩm tại Lễ hội Văn hóa Thổ cẩm Việt Nam lần thứ I diễn ra tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông được tổ chức năm 2019. Đây cũng là lần đầu tiên, nét hoa văn thổ cẩm vừa mộc mạc, vừa tinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số từ Tây Bắc, Tây Nguyên, cho đến Nam bộ cùng tỏa sáng trên sân khấu thời trang hiện đại, chuyên nghiệp. Đây là thành quả của sự tâm huyết, là điểm gặp gỡ, đồng cảm giữa các nhà thiết kế và nghệ nhân dệt thổ cẩm; là bước khởi đầu để những vuông thổ cẩm vượt ra khỏi buôn, bản, hiện diện khắp mọi nơi.

Giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm đang có nhiều triển vọng và đi đúng hướng, ngày càng có thể đưa tinh hoa văn hoá dân tộc hội nhập

Tính đến nay, Lễ hội Văn hóa Thổ cẩm Việt Nam đã được tổ chức thành công 2 lần tại Đắk Nông. Đó là bước đệm, tạo sức bật cho thổ cẩm Việt Nam vươn cao, vươn xa hơn nữa. Việc giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm không chỉ góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa cổ truyền các đồng bào dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của địa phương. Giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm  đang có nhiều triển vọng và đi đúng hướng, ngày càng có thể đưa tinh hoa văn hoá dân tộc Việt Nam vươn ra thế giới./.