22/12/2024 lúc 13:49 (GMT+7)
Breaking News

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước

Tinh thần trách nhiệm là một giá trị văn hóa, được gọi là văn hóa trách nhiệm hay văn hóa bổn phận. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm “Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công”(1).
Ảnh minh họa - internet

Tinh thần trách nhiệm trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân là tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Trách nhiệm đó được thể hiện trong mọi hoạt động của Người: trong học tập, lao động, nghiên cứu lý luận, hoạt động thực tiễn, cùng Đảng lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một đất nước có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, kém phát triển...

Với thân phận của một người dân sống trong một đất nước mất độc lập, dân nô lệ, lầm than, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ trách nhiệm của một người dân mất nước, quyết tâm đi tìm đường cứu nước, giải phóng đồng bào. Trách nhiệm đó thấm sâu vào từng suy nghĩ và hành động của Người, để rồi trong suốt 30 năm, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã tìm đến các nước tư bản phát triển, các nước thuộc địa, sẵn sàng làm nhiều nghề để vừa nuôi sống bản thân, vừa hoạt động cách mạng. Người đã thể hiện trách nhiệm và quyết tâm cháy bỏng tìm con đường cứu nước bằng cách khám phá thế giới, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” rồi trở về giúp đồng bào. Không lo cho bản thân mình, Người sẵn sàng tranh luận, trao đổi các vấn đề lớn liên quan tới vận mệnh của nhân dân Việt Nam cũng như các dân tộc thuộc địa. Bản lĩnh và trách nhiệm của một chiến sĩ cách mạng dần hé lộ trong tư duy và hành động của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Khi trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác vẫn thể hiện rõ trách nhiệm của một người đứng ở vị trí cao nhất. Người khẳng định: “chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(2). Người cũng chỉ rõ, muốn làm tròn bổn phận, chúng ta nên lợi dụng mấy khẩu hiệu của người Trung Hoa: “1. Khổ cán (làm việc hết sức mình). 2. Hạnh cán (làm việc chất lượng). 3. Thực cán (làm việc có hiệu quả, có năng suất)”(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thực thi công vụ với ý thức trách nhiệm của một người lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu không phải bằng việc sử dụng hay lạm dụng quyền lực mà thuyết phục bằng cảm hóa, bằng phong cách nói đi đôi với làm. Ý thức trách nhiệm của Người thể hiện từ những việc lớn như hoạch định đường lối, chính sách đến những việc nhỏ như lo tương cà, mắm muối cho dân. Người sống đời sống của dân, cùng nhịp đập với trái tim của dân, lo toan, trăn trở khi dân ốm, dân đói, dân rét, dân bị bóc lột, bị mù chữ, nghèo nàn… Theo Bác, người nấu bếp, lo làm cho luôn luôn cơm lành canh ngon, bát đũa sạch sẽ. Không phí phạm của công. Tìm cách tăng gia trồng rau, nuôi gà… Khi anh em ốm yếu, thì có bát canh bát cháo. Khi bộ đội đang mải đánh giặc thì tìm cách đưa cơm đến nơi cho anh em ăn. Khi tiếp tế khó khăn thì tìm cách vượt qua, không để anh em thiếu thốn. Như thế là có tinh thần trách nhiệm.

Người cán bộ quân sự, thì luôn luôn học hỏi chính trị và kỹ thuật, chiến thuật. Luôn luôn săn sóc đến tinh thần và vật chất của đội viên. Đoàn kết nội bộ. Giúp đỡ nhân dân. Kiên quyết chấp hành mệnh lệnh trên giao xuống. Khi đánh giặc thì làm cho toàn đội thấm nhuần tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Gặp việc khó khăn thì cố tìm cách giải quyết đúng. Như thế là có tinh thần trách nhiệm.

Đảng và Chính phủ đề ra chính sách. Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, thấu hiểu hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy. Như thế là làm trọn nhiệm vụ.

Để thực hiện chính sách, làm tròn nhiệm vụ, cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động mà còn phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn bạc với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoanh nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình là gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo. Thế là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, Chính phủ và đối với Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, mọi suy nghĩ và hành động của cán bộ công chức phải đi đúng đường lối quần chúng. Đi đúng đường lối quần chúng là một nét đặc sắc trong tư duy Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ. Người khẳng định: “Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ”(4).

Ý thức trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm, hành động có trách nhiệm là nhân tố có tính quyết định trong hoạt động thực tiễn của con người, là khía cạnh quan trọng nhất của đạo đức nghề nghiệp. Ngày 20-5-1950, Người đã ký Sắc lệnh 76/SL ban hành Quy chế công chức Việt Nam, trong đó, Điều 2 quy định: “Công chức Việt Nam phải phục vụ Nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy nhà nước”. Theo đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ công chức phải đặt lên hàng đầu ý thức và tinh thần trách nhiệm, hết lòng hết sức phục sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Còn nhiều tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu ngày càng cao. Đại đa số cán bộ, đảng viên và quần chúng đều nêu cao vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định, quy chế làm việc của tổ chức, cơ quan, đơn vị; giữ gìn đạo đức, phẩm chất cách mạng, sống mẫu mực, đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân… Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, bớt xén giờ giấc, làm không đúng quyền hạn, chức trách, nói nhiều, làm ít. Đặc biệt, một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và Nhân dân như các vụ án liên quan đến: Đảng đoàn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác tổ chức - cán bộ, quản lý tài chính, quy hoạch, sắp xếp và quản lý các cơ quan báo chí trực thuộc Cơ quan Trung ương Hội; Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 đã thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm vật tư, trang bị kỹ thuật và trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; Ban Cán sự đảng Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; trong việc cấp phép nhập khẩu thuốc, thực hiện liên doanh liên kết, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; để nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, một số bị xử lý hình sự… Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cá nhân và các ngành có liên quan.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm để xây dựng đất nước phồn vinh

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thực hiện công việc người cán bộ, phải tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác, “có gan phụ trách”, dám nghĩ dám làm, chủ động sáng tạo và đặc biệt phải có khát vọng vươn lên để có kết quả cao nhất. Nói đến khát vọng là nói đến yếu tố tinh thần, là sự mong muốn, khao khát, quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ để đạt cho được mục tiêu; là nguồn động lực có sức mạnh vô biên để thực hiện những nhiệm vụ nặng nề nhằm đạt được ước mơ, không khuất phục trước mọi thử thách… là động lực để cho mọi tầng lớp nhân dân đem hết sức mình thực hiện khát vọng, mà cụ thể ở thời điểm này khát vọng của dân tộc Việt Nam là đưa đất nước đi tới phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”(5).

Trong thời gian tới, để góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường, xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; có cơ chế, quy định cụ thể, rõ ràng và ràng buộc trách nhiệm của cá nhân trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền.

Hai là, mỗi cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần thực sự tiên phong, gương mẫu về tinh thần trách nhiệm trước công việc và nhân dân theo phương châm “nói đi đôi với làm”, nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; đảng viên nêu gương cho quần chúng noi theo.

Ba là, từng cán bộ, đảng viên cần nêu cao tính chủ động, sáng tạo trước công việc được giao. Khi thực hiện nhiệm vụ, công việc cần có chương trình, kế hoạch, tránh để chậm trễ gây tồn đọng, ách tắc, cấp trên hoặc lãnh đạo phải nhắc nhở hoặc nhân dân phải phàn nàn, chê trách, góp ý phê bình về ý thức và tinh thần trách nhiệm. Trong thực hiện nhiệm vụ cần thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đúng quy trình, thủ tục, đồng thời linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm để hoàn thành công việc với hiệu quả cao nhất.

Bốn là, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, viên chức phải gắn với trao đổi, tự phê bình và phê bình, đóng góp ý kiến xây dựng cho cán bộ, đảng viên. Kịp thời khen thưởng, biểu dương những việc làm tốt và uốn nắn những hạn chế, khuyết điểm, có biện pháp phù hợp để cán bộ, đảng viên nhận thức được sai sót, hạn chế của mình, từ đó phấn đấu sửa chữa. Nghiêm túc đấu tranh chống bệnh tranh công, đổ lỗi cho khách quan hoặc đổ trách nhiệm cho người khác; những biểu hiện né tránh, bao biện hoặc kiểm điểm, phê bình một cách hình thức, chiếu lệ, qua loa.

Hơn 70 năm đã qua đi, nhưng những lời chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong tác phẩm Tinh thần trách nhiệm vẫn còn nguyên giá trị để Đảng và Nhà nước Việt Nam “Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”(6) nhằm đưa đất nước cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc.

-----------

(1), (4). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG-ST, H.2011, tập 7, tr.248, 249.

(2), (3). Sđd, tập 9, tr.518; tập 4, tr.176.

(5). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, H.2021, tập 1, tr.110.

(6). Sđd, tr.46.

TS. Trần Thị Phúc An
Trường Đại học Mỏ - Địa chất
...