18/10/2024 lúc 15:35 (GMT+7)
Breaking News

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, rèn đức, luyện tài, tâm trong, trí sáng đối với đội ngũ giảng viên trẻ Học viện Hành chính quốc gia

Viết tiếp trang sử hào hùng của bao lớp thế hệ cha ông đi trước, đội ngũ giảng viên trẻ Học viện Hành chính Quốc gia xác định: Ngoài công tác chuyên môn thì công tác bồi dưỡng lý tưởng cách mạng giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, xây dựng nhân cách, nâng cao lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết.

Tóm tắt:

Viết tiếp trang sử hào hùng của bao lớp thế hệ cha ông đi trước, đội ngũ giảng viên trẻ Học viện Hành chính Quốc gia xác định:  Ngoài công tác chuyên môn thì công tác bồi dưỡng lý tưởng cách mạng giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, xây dựng nhân cách, nâng cao lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết. Ðồng thời, xác định một số nhiệm vụ cấp bách của thế hệ trẻ hôm nay xây dựng các giải pháp thực hiện nhằm tạo chuyển biến về lý tưởng, rèn đức, luyện tài, tâm trong trí sáng, xây hoài bão lớn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phụng sự  Tổ quốc phục vụ nhân dân.

Từ khóa:, giảng viên trẻ; Học viện Hành chính Quốc gia; lý tưởng cách mạng

 

1. Đặt vấn đề

Trải qua hơn 64 năm xây dựng và phát triển, đến nay Học viện Hành chính Quốc gia đã thực sự trở thành một trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, tham mưu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước. Đội ngũ giảng viên của Học viện có sự phát triển đột phá cả về số lượng và chất lượngnhằm xây dựng nền hành chính nhà nước kiến tạo, liêm chính, minh bạch, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với những vận hội mới, thời cơ và thách thức đan xen đặt ra cho đội ngũ giảng viên trẻ của Học viện phải ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Bởi vì, để xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên giai đoạn 2020-2030, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Ngoài yêu cầu có trình độ chuyên môn cao, giảng viên trẻ của Học viện cần làm chủ phương pháp giảng dạy tích cực; tích cực nghiên cứu khoa học; am hiểu thực tiễn. Vì vậy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho đội ngũ giảng viên trẻ của Học viện hiện nay có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng góp phần xây dựng, củng cố tình cảm, niềm tin, bản lĩnh chính trị. Qua đó, xây dựng thế hệ trẻ của Học viện có hoài bão, lý tưởng, khát vọng và trách nhiệm để xứng đáng làm chủ nước nhà, trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tham gia hiệu quả vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, giáo dục đạo đức lối sống đối với thế hệ trẻ và đội ngũ giáo viên 

- Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, giáo dục đạo đức lối sống đối với thế hệ trẻ

Lý tưởng cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ chính là mục tiêu và con đường của cách mạng Việt Nam “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Trách nhiệm của thế hệ đi trước, của toàn Đảng là phải giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy trong thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tinh thần thi đua học tập, rèn luyện, xây dựng ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, làm tròn trách nhiệm người chủ tương lai của đất nước. Trong bản “Di chúc” bất hủ, Bác đã căn dặn toàn Đảng, toàn dân về trách nhiệm với thanh niên: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”; “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Người luôn coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cho thế hệ trẻ. Một mặt, Hồ Chí Minh khẳng định vai trò và sức mạnh của thanh niên, nhưng mặt khác, Người cũng thẳng thắn nêu lên những nhược điểm, những thiếu sót của thanh niên. Đó là sự thiếu từng trải, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống, một số chưa chịu khó học tập, mắc bệnh hình thức, bệnh cá nhân, tự cao, tự đại… Người yêu cầu mọi thanh niên phải chống tâm lý tư lợi, ham sung sướng, tránh khó nhọc, chống thói quen xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay; chống bệnh lười biếng, xa xỉ; chống kiêu ngạo, giả dối, hình thức, khoe khoang… Phát huy mặt mạnh, khắc phục điểm yếu là con đường để tự hoàn thiện nhân cách của thanh niên. Muốn làm được điều đó, thanh niên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và học tập để làm người và phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

- Tư tưởng Hồ Chí Minh về tài - đức đối với đội ngũ giáo viên

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác giáo dục và đánh giá cao vai trò của người thầy trong hệ thống giáo dục. Người nhấn mạnh: “Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục[1]. Người thầy có nhiệm vụ “phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ[2], tạo ra lớp người tài - đức kế tục sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nhân dân ta. Muốn làm được điều đó, bản thân người thầy cũng phải rèn luyện tài - đức, trở thành tấm gương sáng, hình mẫu về mọi mặt từ tư tưởng, đạo đức đến năng lực chuyên môn.

Tháng 8/1959, mở đầu Bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên,  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Các cô, các chú đều biết, giáo viên ngày nay không phải là "gõ đầu trẻ kiếm cơm", mà là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc. Nhiệm vụ ấy rất là vẻ vang. Các cô, các chú phải ngày càng tiến bộ để dạy cho con em ngày càng tiến bộ, nếu không thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến con em. Nhưng phải làm thế nào cho xứng đáng với trách nhiệm vẻ vang ấy?”. Theo Người, trước tiên người thầy phải có đạo đức, phải là tấm gương cho học trò noi theo “Thầy giáo phải gương mẫu, trực tiếp làm nhiệm vụ: đào tạo những công dân tốt, những cán bộ tốt sau này, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội, …”

Đây là nhiệm vụ rất vẻ vang nhưng không kém phần khó nhọc, đòi hỏi người thầy phải phấn đấu, rèn luyện và bồi dưỡng suốt đời. Để thành giáo viên giỏi, ngoài chuyên môn thì lý tưởng chính trị cũng cần phải giỏi: “Ta là cán bộ chuyên môn, có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng. Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn, nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt. Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào? Đức phải có trước tài”[3]. Người nhấn mạnh: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hoá, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức”. [3]

Năm 1964, trong một lần đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Người nhắc nhở các giảng viên: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”[4].  Tấm gương sáng của người thầy có sức lan tỏa rất lớn đến các thế hệ học trò; ngược lại, một hành vi thiếu chuẩn mực của người thầy có thể làm mất niềm tin của cả một thế hệ. Người chỉ rõ: “thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu, cho nên phải chú ý giáo dục chính trị tư tưởng trước, chính thầy giáo, cô giáo cũng phải tiến bộ về tư tưởng”. Người còn nói: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng XHCN. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng”. [5]

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần phải học theo lãnh tụ giai cấp vô sản V.I.Lênin với tinh thần “Học, học nữa, học mãi” để thường xuyên tự rèn luyện mình, đồng thời lấy phương châm “học không biết chán, dạy không biết mỏi” của Khổng Tử để thực hành trong công việc. Điều đó cho thấy những ai hoạt động trong môi trường giáo dục không được bằng lòng với kiến thức có được, không tự kiêu tự mãn mà phải thường xuyên tích luỹ kiến thức, đổi mới, với tuy duy việc học là suốt đời. Người cho rằng: “Tất cả tiến bộ rất nhanh. Cán bộ và giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội.”

Những di huấn của Người thế hệ trẻ và đội ngũ giáo viên đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Nghề giáo không chỉ đơn thuần là truyền dạy kiến thức, mà còn mang trọng trách đào tạo ra công dân tốt, thành người ích cho xã hội, có ích cho quốc gia dân tộc. Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đang đặt ra yêu cầu mới ngày càng cao hơn, Việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm của người giáo viên càng trở nên quan trọng và cấp thiết. 

3. Quan điểm của Đảng về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay

Đảng đã chỉ rõ: Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường XHCN hay không, phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhấn mạnh: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người “vừa hồng, vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, của gia đình, nhà trường và xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta để giúp thế hệ trẻ giác ngộ, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội. 

Bên cạnh đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030 đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội quan tâm thực hiện hiệu quả. Qua đó góp phần xây dựng thế hệ trẻ có hoài bão, lý tưởng, khát vọng và trách nhiệm, xứng đáng là lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng [8]

Đảng đã nhận thức sâu sắc và hiện thực hóa từng bước lý tưởng cách mạng đó phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ cách mạng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và của mỗi người dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Qua đó, lý tưởng cách mạng không hình thành một cách tự phát mà là kết quả của quá trình giáo dục, rèn luyện, phấn đấu lâu dài với các nội dung, hình thức, phương pháp đa dạng, phong phú và phù hợp. Chính vì vậy, Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta đề ra yêu cầu phải “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên”. 

4. Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc đối với đội ngũ giảng viên trẻ tại Học viện Hành chính Quốc gia

Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị có bề dày lịch sử, xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển từ năm 1959, trải qua 64 năm hoạt động đến nay Học viện đã thể hiện vai trò là trụ cột trong việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho nền hành chính quốc gia; có đóng góp lớn cho nghiên cứu khoa học và đào tạo trình độ đại học, sau đại học để cung ứng cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng cao. Ban lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia luôn dành sự quan tâm, chú trọng đến công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và năng lực chuyên môn cho đội ngũ giảng viên của Học viện, chủ yếu thông qua việc tạo điều kiện, khuyến khích giảng viên tham gia các lớp về trình độ lý luận chính trị như Cao cấp, Cử nhân, Trung cấp lý luận chính trị, các chương trình bồi dưỡng kiến thức, đào tạo Sau đại học, giao lưu hợp tác quốc tế… Nhờ vậy, chất lượng đội ngũ giảng viên của Học viện không ngừng được nâng cao, hầu hết cán bộ giảng viên đều yêu nghề, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, có phẩm chất chính trị tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm khá vững vàng, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Học viện Hành chính Quốc gia đang diễn ra quá trình chuyển giao giữa thế hệ giảng viên đến tuổi nghỉ hưu và giảng viên trẻ, mới. Do vậy, việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên trẻ, mới trở thành yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi sự nổ lực, phấn đấu rất lớn từ bản thân giảng viên.

Học viện tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, đặc biệt là đội ngũ giảng viên của Học viện. Các thầy giáo, cô giáo tại Học viện phải thực sự là bậc thầy về tri thức lý luận và thực tiễn. Trong giai đoạn tới, Học viện cũng cần dành nguồn lực cần thiết để phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, tăng cường các hoạt động trao đổi học thuật, các chương trình hợp tác quốc tế để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Học viện. Học viện cần có những kế hoạch đầu tư để phát triển năng lực cho đội ngũ giảng viên, chú ý thu hút nhiều hơn tri thức ngoài nước có uy tín về Chính sách công, Quản trị công, Hành chính công và các ngành lĩnh vực liên quan có thể tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện. Đồng thời, tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ báo cáo viên, giảng viên thỉnh giảng vừa được đào tạo bài bản, vừa có kinh nghiệm thực tiễn dày dạn [9] 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ những mặt trái của nền kinh tế thị trường, do thiếu bản lĩnh, chưa trải qua thử thách và không nghiêm túc trong rèn luyện, phấn đấu, một bộ phận phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin, hời hợt với thời cuộc, không quan tâm đến công tác chuyên môn. Sự phai nhạt lý tưởng cách mạng và suy thoái về đạo đức, lối sống, một mặt ảnh hưởng đến tương lai của chính họ, gây cản trở sự phát triển lành mạnh của xã hội, bền vững của đất nước; mặt khác đây là các đối tượng dễ bị các thế lực thù địch khai thác, lợi dụng để tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, tác động đến nhận thức nhằm làm lung lay lập trường, tưởng chính trị hòng chống phá và ngăn chặn sự phát triển của cách mạng Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, khi nhiệm vụ chính trị của Học viện ngày càng nặng nề và phức tạp; khi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đang có những biểu hiện đáng lo ngại và cuộc đấu tranh chống lại sự suy thoái đó đang diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt đặt ra nhiệm vụ bồi dưỡng lý tưởng cách mạng hiện nay trong xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên Học viện Hành chính nói chung và đội ngũ giảng viên trẻ nói riêng là cấp thiết hơn bao giờ hết.

5. Một số giải pháp nhằm bồi dưỡng lý tưởng cách mạng và nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên trẻ Học viện Hành chính Quốc gia

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng về bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, duy trì và nâng cao hơn nữa phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu giảng dạy ở Học viện Hành chính Quốc gia - một môi trường đào tạo, bồi dưỡng có tính đặc thù, người giảng viên trẻ cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, quán triệt sâu sắc hơn nữa chủ trương của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của thế hệ trẻ . Tích cực thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030”. Trước những diễn biến của thời đại ngày nay, cần chú trọng nội dung giáo dục đội ngũ giảng viên trẻ về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng nắm vững tính cách mạng, khoa học những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc; về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; về truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần quốc tế trong sáng; về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Thứ hai, tôi rèn phẩm chất đạo đức trong sáng. Người giảng viên bên cạnh phẩm chất chính trị còn phải có đạo đức cách mạng trong sáng, đó là: sự say mê với công việc giảng dạy, nghiên cứu; trung thành với khoa học; lao động sáng tạo cho sự nghiệp giáo dục của Đảng; lấy tự phê bình và phê bình để phát huy ngày càng cao những ưu điểm và sửa chữa những khuyết điểm; khiêm tốn, thật thà, trung thực, giản dị, là sự tôn trọng, quý mến học viên của mình, là đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Phẩm chất chính trị của người giảng viên đó chính là: có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, hiểu biết sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chấp hành đúng quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; không hoang mang dao động về chính trị tư tưởng, có niềm tin vào sự nghiệp đổi mới của đất nước; tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đào tạo cán bộ của Đảng và Nhà nước.Phẩm chất chính trị đúng đắn sẽ là cái gốc cơ bản để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục được giao trong bất kỳ tình huống khó khăn nào.

Thứ ba, người giảng viên phải nắm vững kiến thức chuyên ngành, tổng thể kiến thức về chương trình đào tạo, kết hợp lý luận với tình hình thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một người thầy giáo giỏi không có nghĩa là phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu trọn tri thức nhân loại, vì tri thức nhân loại vô cùng rộng lớn, tuy nhiên, người giáo viên cần không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải thạo lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Bác cho rằng người thầy phải có nền tảng kiến thức chuyên môn vững vàng, gắn lý luận với thực tiễn; tình thần chủ động, sáng tạo, tìm ra phương pháp dạy hiệu quả: “Giáo viên nên khêu gợi những kinh nghiệm để tìm cách dạy tốt. Không phải ngồi chờ Bộ Giáo dục nghĩ ra” [6]. Do đó, bên cạnh lượng kiến thức nhất định về khoa học cơ bản, về khoa học bổ trợ thì người giảng viên phải nắm vững kiến thức chuyên ngành, kiến thức môn khoa học mà mình đảm nhận - đây là điều kiện cơ bản nhất để người giảng viên thực hiện thành công chức năng giáo dục của mình. Kiến thức chuyên ngành và tình hình thực tiễn là hai yếu tố đảm bảo một bài giảng có sức thuyết phục và thành công. Bởi trên thực tế nếu chỉ nắm chắc về lý luận mà không có sự kết hợp sinh động với thực tiễn thì bài giảng trở nên hàn lâm, không có sức thuyết phục, gây nhàm chán...

 Thứ tưkhông ngừng học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nội dung kiến thức giảng dạy có tính lý luận cao, tính thực tiễn phong phú, tính mới liên tục đòi hỏi giảng viên phải bồi dưỡng tư duy lý luận, gắn lý luận với thực tiễn và thường xuyên cập nhật những tri thức mới, khoa học. Bên cạnh yêu cầu kiến thức chuyên môn vững, sâu rộng, giảng viên trẻ cần phải chú trọng đến phương pháp giảng dạy, tìm kiếm, sáng tạo những cách truyền đạt hay, hiệu quả, đặc biệt chú trọng đến mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, điều mà chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh trong cách thức dạy - học và cũng là yêu cầu cần thiết đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng ở Học viện. Để sự liên hệ có hiệu quả, giảng viên cần tạo ra môi trường học tập theo hướng mở, tương tác hai chiều. Mỗi giảng viên phải tự học tập và rèn luyện để có năng lực chuyên môn cao, nắm bắt được những thành tựu mới của khoa học công nghệ để kịp thời ứng dụng vào công tác giảng dạy; có khả năng sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, mà chủ yếu và quan trọng nhất là tiếng Anh; có năng lực nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chuyên môn của mình. 

 Thứ năm, tích cực, chủ động và say mê nghiên cứu khoa học. Đây là một trong hai nhiệm vụ trọng yếu và là tiêu chí để đánh giá năng lực chuyên môn của giảng viên. Một giảng viên giỏi không chỉ dạy tốt mà cần phải có khả năng nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, giảng viên có thể nghiên cứu ở góc độ khoa học ứng dụng, tìm ra các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của trường. Hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học cùng với khả năng giảng dạy chính là thước đo trình độ, năng lực của giảng viên. Tính khoa học yêu cầu giảng viên phải sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học, năng lực tư duy khoa học, thái độ vô tư, công bằng trong đánh giá và phải có trách nhiệm trước lịch sử, trước sự tiến bộ của khoa học: “bảo vệ chân, thiện, mỹ”. Trên cơ sở những yêu cầu chung trong chương trình tổng thể của từng học phần và chuyên đề, cần khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên trẻ mạnh dạn đầu tư nghiên cứu nâng cao năng lực sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, phù hợp với chuyên môn, rèn luyện năng lực truyền đạt, năng lực giải quyết vấn đề, sử dụng thành thạo các thiết bị, phương tiện hiện đại trong giảng dạy.

Thứ sáu, phải linh hoạt, sáng tạo làm chủ trong mọi tình huống. Theo Hồ Chí Minh, “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta”. Đúng vậy, chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là phương thuốc hữu hiệu trong mọi tình huống, không cứng nhắc, giáo điều hay rập khuông máy móc mà người giảng viên cần chủ động, sáng tạo, làm chủ trong mọi tình huống. Giảng viên vận dụng sự am hiểu thực tiễn của mình để làm ví dụ minh chứng cho lý luận; mặt khác, giảng viên có thể gợi mở, đàm thoại với học viên để họ nêu và phân tích tình hình thực tiễn của đơn vị, đặc thù địa phương, tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội đất nước, từ đó khái quát làm sáng tỏ lý luận. Đây là phương pháp quan trọng để giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện những bài giảng có nội dung kiến thức chuẩn xác, phong phú, thuyết phục, thu hút sự chú ý và sự chủ động tham gia trao đổi thông tin của học viên, tạo nên những tiết học sinh động và hiệu quả.

Thứ bảy, giảng viên trẻ phải tâm huyết với ngành, với nghề. Người giảng viên trẻ có mặt ưu điểm là nhiệt huyết tuổi trẻ nhưng hạn chế là quá trình tham gia công tác có phần hạn chế vì vậy cần có tâm huyết, say mê với nghề. Để làm dày vốn kiến thức mình có được cần lượm nhặt, chắt chiu kiến thức, sàng lọc cô kết lại, vun bồi tích lũy theo tháng năm, va chạm với thực tế từ đó hình thành kinh nghiệm sâu sắc. Một bài giảng có kết cấu hợp lý, đầy đủ nội dung, phương pháp phong phú… Trong ngành nghề nào cũng vậy, thiếu đi một chút nhiệt tình, tâm huyết sẽ giảm đi tính sâu sắc, sự lan tỏa mà người khác đều cảm nhận được. Học viên đến trường cái họ cần là kiến thức nhưng họ cũng muốn ở người giảng viên một sự nhiệt tình trong bài giảng, một tấm gương sáng trong cuộc sống đời thường, đó là tấm lòng yêu ngành, yêu nghề, yêu người./.

TS. Đặng Thanh Tuấn 

ThS. Lê Sơn Tùng

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, tr.345. NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội;
  2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, tr.266, tr.270, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội;
  3. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, xuất bản lần thứ 4, t.9, tr.492. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội;
  4. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, xuất bản lần thứ 4, t.11, tr.329, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội;
  5. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, xuất bản lần thứ 4, t.11, tr.332, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội;
  6. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, tr.270, tr.266. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội;
  7. Bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh
  8. Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030;
  9. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến (2023), Học viện Hành chính Quốc gia - Từ truyền thống hướng đến hành trình mới, ngày đăng 29/5/2023

https://www1.napa.vn/blog/hoc-vien-hanh-chinh-quoc-gia-tu-truyen-thong-huong-den-hanh-trinh-moi.htm

...