Để thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương một cách có hiệu quả, huyện Văn Bàn đã và đang tiến hành triển khai, thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025”.
Tính từ năm 2016 cho đến hết tháng 6 năm nay, huyện Văn Bàn đã có hơn 40 trường hợp tảo hôn, tập chung chủ yếu ở các xã Dương Quỳ, Liêm Phú, Sơn Thủy, Chiềng Ken, Nậm Mả, Nậm Xé,... Phần lớn, tình trạng này diễn ra phổ biến ở các đồng bào dân tộc thiểu số người Mông, Dao, Nùng, Tày. Độ tuổi bắt đầu tảo hôn là từ 15 - 17 tuổi đối với nữ, 16 - 18 tuổi đối với nam, tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp đặc biệt tảo hôn khi mới 14 tuổi, trong đó tại xã Nậm Mả, huyện Văn Bàn còn có một cặp hôn nhân cận huyết thống.
Trung tâm huyện Văn Bàn nhìn từ trên cao - Nguồn ảnh: Mekongsean
Theo đồng chí Vàng A Tớ, Chủ tịch UBND xã Nậm Xé cho biết: Trong quan niệm của người Mông, họ cho rằng khi con cái đến tuổi trưởng thành, kết hôn cùng với anh em trong dòng tộc thì mới thể hiện được sự thương nhau. Ngoài ra, khi kết hôn phải được gia đình và người đứng đầu dòng họ chấp thuận, phải có sự chứng kiến của người thân trong nhà, hàng xóm xung quanh thì mới được coi là một cuộc hôn nhân tốt đẹp.
Hơn nữa, do trình độ hiểu biết về dân trí, pháp luật của một vài đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa cao. Những quan niệm, hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào suy nghĩ và tiềm thức của họ, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp mà còn chi phối tới hành vi, lối sống hàng ngày. Họ cho rằng con cái cần kết hôn sớm, đến tuổi thích hợp là buộc phải chọn đối tượng và ưu tiên những người trong cùng dòng tộc, chỉ có như vậy mới bảo vệ được tài sản gia đình. Ngoài ra, do nhận thức và học vấn không cao, nguồn thu nhập chính của người dân tộc chủ yếu đến từ việc làm nương,rẫy, chăn nuôi,.., nên việc cho con kết hôn sẽ giúp gia đình sớm có thêm nguồn lao động chân tay.
Vì sinh đẻ quá dày nên những đứa trẻ do tảo hôn, kết hôn cận huyết thiếu sự chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần- Nguồn ảnh: vtv.vn
Theo nghiên cứu năm 2019, huyện Văn Bàn có số dân đông xếp thứ 3 tại địa bàn tỉnh, đứng sau huyện Bảo Thắng và thành phố Lào Cai. Vậy nên, nơi đây có nguồn nhân công lao động dồi dào, nhu cầu việc làm cao; việc xuất khẩu lao động sang Trung Quốc hoặc người dân đi làm thuê ở các địa phương khác đã trở nên rất phổ biến và có xu hướng ngày tăng cao. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2019 cho đến nay, do sự bùng nổ của đại dịch Covid-19, nhiều người lao động bị kẹt tại địa phương nơi làm việc và không thể trở về, học sinh các cấp được nghỉ học dài hạn, nhiều em do có bố mẹ đi làm ăn ở xa, thiếu sự quan tâm, chăm sóc nên đã tự ý quyết định hôn nhân và về chung sống với nhau như vợ chồng.
Ở độ tuổi 15 - 16, còn chưa nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của vấn đề tảo hôn, trở thành vợ chồng khi còn quá nhỏ, kết hôn sớm lại không được pháp luật thừa nhận nên khi có con, bắt buộc phải khai sinh con ngoài giá thú, đợi đến khi đủ tuổi thì mới đăng ký kết hôn và làm thủ tục nhận con. Việc này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý hộ khẩu trên địa bàn huyện Văn Bàn nói chung và các địa phương khác nói riêng.
Cán bộ y tế tuyên truyền về hậu quả của tập tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết - Nguồn ảnh: cema.gov.vn
Đối với bản thân những đối tượng tảo hôn họ đã đánh mất cơ hội được học tập, phát triển, cơ hội để thay đổi điều kiện sống của chính mình và gia đình. Đặc biệt với những người kết hôn cận huyết thống thống sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng đời sau, suy giảm sức khỏe, tinh thần, dẫn đến tình trạng nghèo đói kéo dài.
Đối với các bà mẹ, trẻ em gái vị thành niên không chỉ dễ gặp nguy hiểm tới tính mạng khi sinh con mà còn phải đối mặt với các vấn đề về tâm sinh lý do áp lực hậu sản, cơ thể chưa đủ phát triển hoàn thiện, quan hệ tình dục quá sớm sẽ làm chậm quá trình phát triển hoàn thiện tự nhiên của cơ thể.
Trước những vấn đề đáng nói trên, Ban chỉ đạo phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại tỉnh Lào Cai đã chọn xã Nậm Xé để triển khai mô hình trọng điểm, bắt đầu thực hiện trong vòng 3 năm từ 2016 - 2018, nội dung thực hiện là tuyên truyền và triển khai đả thông tư tưởng cho người dân trên loa truyền thanh xã, huyện; phát tài liệu, tờ rơi nhằm phổ biến kiến thức; tổ chức tọa đàm và đi tới từng hộ dân để động viên, khuyến khích người dân tiếp tục cho con em tới trường; xác định rõ tình trạng thực tế của từng thôn, bản để đưa ra phương án cải cách thích hợp; đưa nội dung phòng, chống hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn vào quy ước cho người dân ký cam kết thực hiện;... Sau 3 năm, nhờ có chiến lược mục tiêu rõ ràng, đánh trực diện vào trọng điểm nên huyện Văn Bàn đã thu lại được kết quả rõ rệt, từ năm 2016 cho đến hiện tại, chỉ xảy ra một cặp kết hôn cận huyết thống trước đó, số vụ tảo hôn cũng giảm khoảng 50%/ năm.
Cán bộ phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống tảo hôn cho người dân - Nguồn ảnh: Baotintuc.vn
Bên cạnh xã Nậm Xé, các xã lân cận thuộc huyện Văn Bàn cũng triển khai nhiều chương trình như “Gia đình hạnh phúc”, “ Cha mẹ nuôi dạy con tốt”, “Chia sẻ và trách nhiệm”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”,... giúp người dân có thêm sự nhận thức và trách nhiệm đối với hôn nhân, gia đình và xã hội. UBND huyện còn thành lập thêm Ban chỉ đạo “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2021 - 2025”; theo sát với các chỉ đạo của tỉnh, huyện và làm theo nội dung Chỉ thị số 33 ngày 30/10/2017 của Tỉnh ủy về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức công tác giáo dục, tuyên truyền về pháp luật, phổ biến nội dung luật hôn nhân, hậu quả của việc kết hôn cận huyết thống, sinh con sớm cho người dân, đặc biệt là dân tộc thiểu số theo như Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 33-CT/TU của Tỉnh ủy,...
Công tác tuyên truyền cho bà con về việc phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết - Nguồn ảnh: cema.gov.vn
Tuy nhiên, phương án thực tế và thích hợp nhất để giải quyết vấn đề nan giải này chính là khắc phục kinh tế - cải cách xã hội. Hiện nay, huyện Văn Bàn đang đang đẩy mạnh và gia tăng các chính sách xóa đói - giảm nghèo, giúp người dân cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần. Tại các trường học, bắt đầu từ cấp THCS phải tập trung giảng dạy, tuyên truyền cho các em học sinh nắm rõ về tầm quan trọng của việc xóa bỏ tập tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tại các địa phương cần tăng cường bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt là những người có uy tín, tiếng nói trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Trong các buổi sinh hoạt của thôn, xóm, tổ, đội cần thường xuyên phổ biến Luật Bình đẳng giới, luật Hôn nhân và Gia đình, kế hoạch hóa gia đình,..
Với sự nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền địa phương cùng toàn thể nhân dân các dân tộc trong huyện, hy vọng rằng đến năm 2025, huyện Văn Bàn sẽ ngăn chặn và xóa bỏ thành công tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, góp phần vào công cuộc cải cách xã hội, xây dựng nông thôn mới của tỉnh thành công tốt đẹp./.