1. Sản xuất là động lực chính của quá trình công nghiệp hóa
Một là, sản xuất có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế dài hạn và ổn định. Công nghiệp hóa (CNH) thường đồng nghĩa với phát triển sản xuất và hầu hết các quốc gia thu nhập cao ngày nay đều đạt được sự phát triển cao thông qua các chiến lược sản xuất hàng hóa(1).
Lịch sử cho thấy, các quốc gia đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp ở thế kỷ XVIII hiện đều nằm trong những nền kinh tế giàu nhất thế giới. Hầu hết các nước có thu nhập cao ngày nay đều đã CNH lĩnh vực sản xuất và vào thời kỳ đỉnh cao của CNH, sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong GDP. Thành công của một số nước Đông Á trong việc nâng lên mức thu nhập trung bình và cao nhờ vào thế mạnh của ngành sản xuất hướng đến xuất khẩu đã minh chứng vai trò của sản xuất đối với thúc đẩy phát triển kinh tế. Rất ít nước đạt được mức thu nhập cao mà không cần phát triển nền sản xuất dựa trên các lợi thế quốc gia. Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên hay các lợi thế địa phương để đạt được mức thu nhập cao được coi như một ngoại lệ. Đa dạng hóa lĩnh vực sản xuất có thể giúp đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình nhanh, thời gian tăng trưởng dài hơn và ít biến động hơn, từ đó duy trì tăng trưởng trong dài hạn; phi công nghiệp hóa quá sớm sẽ làm thui chột tiềm năng phát triển kinh tế thông qua việc hạn chế ứng dụng công nghệ vào sản xuất(2).
Thực tiễn các nền kinh tế công nghiệp đang phát triển và mới nổi toàn cầu cho thấy, sản xuất là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Từ năm 1990 đến năm 2014, các nền kinh tế này đã tăng trưởng gấp đôi, từ 4,753 tỷ USD lên 9,228 tỷ USD theo giá cố định năm 2005. Từ năm 1992, tăng trưởng giá trị gia tăng (GTGT) sản xuất luôn cao hơn mức tăng trưởng GDP. Đến năm 2014, GTGT sản xuất của các nền kinh tế này đã tăng 2,4 lần so với năm 2000 theo giá cố định năm 2005, trong khi GDP tăng gấp đôi. Trong số 5 nước đứng đầu, thị phần của Trung Quốc trong GTGT sản xuất thế giới tăng 6,5 lần trong giai đoạn 1990-2014. Ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc đã trở thành lĩnh vực lớn nhất, chiếm hơn 30% GDP quốc gia này và hơn 18% GTGT sản xuất toàn cầu vào năm 2012, chỉ đứng sau Hoa Kỳ(3).
Hai là, sản xuất đóng vai trò quan trọng đối với sự thay đổi cơ cấu kinh tế dài hạn; thúc đẩy phát triển và đổi mới công nghệ, giúp duy trì tăng năng suất sản xuất. Những tác động khác nhau đến việc làm, tiền lương, nâng cấp công nghệ và tính bền vững ở các giai đoạn phát triển khác nhau là do ngành sản xuất làm thay đổi cơ cấu kinh tế, thường là chuyển dịch từ các hoạt động thâm dụng lao động sang hoạt động thâm dụng vốn và công nghệ.
Mỗi phân ngành sản xuất cũng làm thay đổi sản phẩm và quy trình sản xuất, với việc sử dụng vốn và ứng dụng công nghệ ngày càng nhiều. Công nghệ có vai trò rất quan trọng và là yếu tố quyết định đối với chuyển đổi cơ cấu sản xuất; làm tăng năng suất, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khả năng ứng dụng công nghệ hiện có và cải tiến, đổi mới công nghệ của một quốc gia quyết định hiệu quả kinh tế của quốc gia đó trong dài hạn thông qua thay đổi cơ cấu sản xuất.
Một vấn đề cần quan tâm là xu hướng “tự nhiên” của quá trình kinh tế. Các quốc gia thường có xu hướng tự nhiên là CNH bằng cách chuyển đổi sang các lĩnh vực công nghệ cao sau khi cơ bản hoàn thiện các ngành công nghiệp sản xuất cơ bản. Cơ cấu sản xuất của một quốc gia càng phức tạp thì cơ hội học hỏi và đổi mới công nghệ ở cấp ngành và liên ngành càng cao. Thành công về kinh tế của châu Á so với các khu vực đang phát triển khác, ngoài việc tăng tỷ trọng sản xuất còn do nâng cấp công nghệ trong sản xuất. Sản xuất và công nghệ có mối quan hệ mật thiết; đổi mới công nghệ được coi là trọng tâm trong quá trình chuyển đổi cơ cấu của xã hội.
Ba là, sản xuất thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ. Ngày nay, vai trò của dịch vụ trong sản xuất ngày càng tăng; ranh giới giữa các ngành đang dần bị xóa nhòa. Dịch vụ thường được bao gồm trong hàng hóa như một phần của quá trình sản xuất và ngày càng nhiều dịch vụ hơn được cung cấp, như hỗ trợ sau bán hàng và các dịch vụ bổ sung khác... Sản xuất nói chung đã vượt ra ngoài phạm vi sản xuất đơn thuần để bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị, các dịch vụ được tích hợp và kết hợp với sản phẩm cuối cùng. Do đó, tác động của ngành sản xuất không chỉ đến từ hoạt động “sản xuất” mà còn từ việc tạo ra và gia tăng giá trị ở mọi giai đoạn, từ nguyên liệu thô cho đến thiết kế, sản xuất, tiếp đến là bán hàng và các dịch vụ tiếp theo.
Bốn là, sản xuất đòi hỏi đổi mới giáo dục, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng. Các quốc gia phát triển có trình độ công nghệ cao do được đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển (R&D); trong khi các quốc gia nghèo có năng lực công nghệ thấp hơn nhiều do ít đầu tư vào R&D.
Cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp phải tích cực đổi mới sản xuất. Các yêu cầu về năng suất, chất lượng, mẫu mã sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học và là mảnh đất màu mỡ cho các công trình nghiên cứu khoa học. Tăng năng suất đòi hỏi phải đổi mới công nghệ sản xuất dẫn đến thúc đẩy đầu tư vào vốn nhân lực và khoa học với các nghiên cứu R&D.
Mặt khác, theo thời gian, ngành sản xuất của một quốc gia thường chuyển dịch từ thâm dụng lao động sang thâm dụng vốn và công nghệ, tạo ra nhu cầu về lao động có tay nghề cao hơn. Lực lượng lao động có tay nghề tốt hơn sẽ tạo động lực cho đổi mới công nghệ, tạo ra một vòng luân chuyển hiệu quả về giáo dục, đổi mới và tăng năng suất.
Song song với việc tiếp nhận kiến thức, công nghệ từ nước ngoài để duy trì và phát triển các ngành sản xuất trong nước, các quốc gia CNH thành công thường có chính sách ưu tiên cho giáo dục ngay từ giai đoạn khởi động quá trình CNH.
Năm là, năng lực sản xuất là nền tảng cạnh tranh quốc gia. Các quốc gia có thể trở nên cạnh tranh hơn nếu phát triển năng lực công nghệ, mở rộng năng lực sản xuất và đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Thí dụ, lĩnh vực sản xuất của Đức là nhân tố chính trong hoạt động kinh tế vĩ mô của nước này, với nền tảng, cốt lõi công nghiệp mạnh mẽ và khả năng kiểm soát các chuỗi giá trị công nghiệp phức tạp. Nhờ đổi mới công nghệ mạnh mẽ, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu công nghệ cao và trung bình của Đức chiếm đến 73% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ của quốc gia này trước những nền kinh tế mới trên toàn cầu(4).
Năng lực cạnh tranh công nghiệp của Nhật Bản được tạo dựng bởi các doanh nghiệp sản xuất lớn, xuất khẩu công nghệ cao. Hoa Kỳ cũng xây dựng năng lực cạnh tranh công nghiệp quốc gia dựa trên nền tảng các doanh nghiệp sản xuất lớn. Mặc dù có xu hướng nhắm vào thị trường nội địa nhiều hơn so với các quốc gia khác, song Hoa Kỳ đã chiếm gần 20% GTGT sản xuất thế giới. Hàn Quốc có một nền sản xuất cạnh tranh dựa trên tỷ trọng cao của các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao. Trung Quốc đã tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa lên chiếm 17% sản xuất thương mại toàn cầu vào năm 2013 và là nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới hiện nay(5). Trung Quốc cũng đã bắt đầu định vị thương hiệu quốc gia dưới tư cách là nhà xuất khẩu hàng hóa sản xuất công nghệ cao: tỷ trọng xuất khẩu của các sản phẩm công nghệ cao và trung bình đã tăng gần gấp đôi trong những năm gần đây.
Sản xuất có vai trò rất quan trọng đối với quá trình CNH; giúp ứng dụng và phổ biến các công nghệ mới, qua đó hiện đại hóa nền công nghiệp; thúc đẩy một loạt các tiềm năng khác của nền kinh tế, kể cả kinh tế số - ngành đang được nhiều nhà khoa học các nước quan tâm. Mặt khác, tăng trưởng trong các ngành sản xuất ở các nước đang phát triển luôn lớn hơn tăng trưởng kinh tế chung. Vì vậy, sản xuất phải được coi là một động lực chính trong quá trình CNH, đưa đất nước trở thành nước công nghiệp phát triển.
2. Kinh nghiệm công nghiệp hóa của một số quốc gia trên thế giới và thực trạng ở Việt Nam
Thành công của một số nước Đông Á trong quá trình CNH, tiêu biểu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Xinhgapo cho thấy, họ đều xây dựng chính sách công nghiệp thúc đẩy sản xuất hướng đến xuất khẩu và tăng cường đổi mới công nghệ thông qua đầu tư dài hạn vào vốn vật chất và con người, khai thác triệt để lợi thế tiềm năng về vị trí địa lý.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nền tảng để Nhật Bản tiến hành CNH, HĐH là sử dụng các công nghệ thấp, các kỹ thuật truyền thống làm nền cho quá trình sản xuất và đến nay Nhật Bản mới đạt được trình độ công nghệ cao, hiện đại. Chính phủ Nhật Bản trong thời kỳ đầu của quá trình CNH tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp như: điện, sắt thép và đóng tàu; quản lý chặt chẽ, phân bổ các chỉ tiêu nhập khẩu máy móc và nguyên vật liệu, kiểm soát giá cả áp dụng cho các khu vực ưu tiên. Giai đoạn bình ổn Dodge (1949-1960), Nhật Bản theo đuổi chiến lược hướng về xuất khẩu. Đây là giai đoạn tăng trưởng cao nhất của Nhật Bản, trung bình đạt 10,5% liên tục trong 12 năm; tốc độ phát triển công nghiệp hằng năm từ 13,5% đến 15,9%. Một số ngành công nghiệp then chốt đã tăng mạnh với nhịp độ rất nhanh; xuất khẩu tàu biển, đồ điện tử, xe máy, ôtô... được đẩy mạnh(6).
Hàn Quốc cũng là một thí dụ điển hình cho quá trình CNH bắt đầu từ sản xuất để tạo nên sự phát triển thần kỳ trong một thời gian dài, trở thành một nước công nghiệp hiện đại, năng động, có thu nhập cao và công nghệ tiên tiến. Năng lực khoa học - công nghệ mạnh mẽ đạt được thông qua các chính sách thúc đẩy nghiên cứu và giáo dục của Nhà nước, cũng như thông qua nỗ lực nghiên cứu và phát triển của các tập đoàn lớn. Sản xuất là trọng tâm của việc mở rộng, cũng như xuất khẩu hàng hóa(7).
Khi người Đức tái thiết đất nước dựa trên Kế hoạch Marshall, trước hết, họ khôi phục nền tảng của sản xuất công nghiệp và đàm phán với các nước đồng minh về việc duy trì, khôi phục ngành công nghiệp sản xuất thép(8).
Chính phủ Marốc đã xây dựng chiến lược và thực thi có trọng tâm đối với các ngành công nghiệp mới; chẳng hạn như sản xuất ô tô - hiện là động lực thúc đẩy tăng trưởng và là lĩnh vực quan trọng của quá trình đổi mới. Họ tận dụng vị trí địa lý gần với châu Âu, cơ sở hạ tầng tốt, chi phí lao động thấp, lao động có tay nghề cao, sự ổn định chính trị với ưu đãi tài chính để đạt chuỗi giá trị từ sản xuất ô tô. Hai đặc khu kinh tế đã được tạo ra để phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô(9).
Hiện nay, Việt Nam đang ở giai đoạn thứ nhất trong tiến trình phát triển 4 nấc thang của CNH(10). Ở giai đoạn thứ nhất, cơ cấu các ngành sản xuất chủ yếu là các ngành công nghệ thấp và trung bình, tuy nhiên các lĩnh vực sản xuất cụ thể trong các ngành này vẫn chưa đa dạng. Thị trường trong nước vẫn tràn ngập các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi với nguồn lao động dồi dào, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những trung tâm sản xuất dạng sản phẩm này.
Hiện nay, một số “xu hướng” đang được khởi xướng bởi các nước có trình độ phát triển cao. Tuy nhiên, việc mô phỏng và thích ứng với các công nghệ đến từ các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến đòi hỏi phải có năng lực công nghệ để hấp thụ. Để hiện thực hóa Cách mạng công nghiệp, Việt Nam cần nỗ lực rất lớn trong cải cách kết cấu hạ tầng công nghệ cũng như phát triển sản xuất; việc áp dụng và lan tỏa các công nghệ mới dựa trên trình độ sản xuất cũ là không phù hợp.
Sản xuất như thế nào và lựa chọn ngành công nghiệp nào để tạo sức lan tỏa và cộng hưởng mạnh nhất là bài toán cần được các nhà hoạch định chiến lược phân tích một cách kỹ lưỡng. Cần xây dựng một “hệ sinh thái” cùng các chính sách công nghiệp phù hợp để tạo ra một ngành mũi nhọn có tác dụng thúc đẩy quá trình sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm GTGT cho nền kinh tế. Việc lựa chọn các ngành sản xuất mũi nhọn và tổ chức sản xuất là hai vấn đề không thể tách rời, để có thể thành công ở thị trường nội địa cũng thị trường quốc tế.
3. Ngành công nghiệp nào nên được lựa chọn?
Một là, các ngành công nghiệp bảo đảm các vấn đề về an ninh quốc gia
CNH, HĐH đất nước không thể xa rời các vấn đề về an ninh quốc gia; do đó hầu hết các nước đều ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp bảo đảm các vấn đề an ninh quốc gia(11).
Chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ (năm 2018) đặt ra yêu cầu đối với các công nghệ mới như: tính toán tiên tiến, phân tích “dữ liệu lớn”, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, robot, năng lượng định hướng, siêu âm và công nghệ sinh học. Chiến lược an ninh quốc gia Hoa Kỳ (năm 2017) nêu rõ: Hoa Kỳ sẽ ưu tiên các công nghệ mới nổi đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an ninh, chẳng hạn như: khoa học dữ liệu, mã hóa, công nghệ tự vận hành, chỉnh sửa gen, vật liệu mới, công nghệ nano, công nghệ tính toán tiên tiến và trí tuệ nhân tạo...
Sách trắng quốc phòng Trung Quốc (năm 2015) không cung cấp thông tin về các công nghệ mới mà Quân đội Trung Quốc muốn ưu tiên, nhưng thừa nhận sự cần thiết phải đi theo các xu hướng toàn cầu trong việc chế tạo vũ khí thông minh, tự hành, tàng hình và tên lửa hành trình chính xác, tác chiến không gian và không gian mạng(12). 10 lĩnh vực công nghệ được xác định trong Made in China 2025(13) giống 10 lĩnh vực trong Chiến lược công nghiệp quốc gia 2030(14) của Đức (năm 2019), phần lớn mang tính chất dân sự; tuy nhiên Đức tập trung trực tiếp vào vũ khí, trong khi Trung Quốc nhắm vào trí tuệ nhân tạo và robot.
Từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể ưu tiên phát triển các ngành sản xuất nền tảng phục vụ sản xuất quốc phòng, bao gồm:
(1) Vật liệu: quan trọng nhất là kim loại chế tạo, bởi nó tạo nên sức mạnh của mọi vũ khí, trang bị kỹ thuật, đặc biệt là các kim loại chiến lược quan trọng dùng cho sản xuất đạn, súng, pháo, vũ khí; vật liệu phi kim loại (chịu nhiệt), composite dùng phát triển các thân vỏ, các chi tiết quan trọng trong các vũ khí chiến lược, UAV, tên lửa...
(2) Hóa chất - nguyên liệu cơ bản để sản xuất: nhiên liệu rắn, lỏng cho phát triển các động cơ phóng, đẩy; thuốc phóng, thuốc nổ, thuốc hỏa thuật của vật thể bay mang uy lực nổ...
(3) Chip, linh kiện điện tử phát triển các loại vũ khí công nghệ cao, vũ khí thông minh mà không bị kiểm soát hoặc chế áp điện tử....
Ở những quốc gia có trình độ công nghệ phát triển, một số công nghệ nền phục vụ sản xuất quốc phòng có thể được huy động một cách dễ dàng trong công nghiệp dân sinh, song ở Việt Nam hầu như là không thể. Năng lực sản xuất quốc phòng ở 3 lĩnh vực này cũng khá hạn chế.
Các ngành công nghiệp trên không chỉ quan trọng đối với quốc phòng, an ninh mà còn quan trọng đối với cả an ninh kinh tế. Nhiều nhà kinh tế như Ph.Ăngghen, Adam Smith, Alexander Hamilton đã đặt các ngành sản xuất dưới sự bảo hộ của quốc phòng. Bên cạnh những lợi ích kinh tế, các ngành này còn bảo đảm sự độc lập, tự chủ công nghiệp trong trường hợp có chiến tranh hoặc có xung đột cục bộ hoặc các vấn đề khác.
Hai là, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động
Mary Hallward Driemeier và Gaurav Nayyar - trong công trình Sản xuất, tương lai của sự phát triển (năm 2018) - đã đánh giá các ngành công nghệ thấp và trung bình có vai trò quan trọng và là con đường ngắn nhất trong việc dễ dàng tiếp thu kiến thức từ nước ngoài so với các ngành khác. Chúng ta tập trung xây dựng nền sản xuất hiện đại bằng việc lựa chọn một vài ngành công nghiệp ưu tiên, vì nguồn lực có hạn và dàn trải là con đường dễ dẫn đến thất bại. Các chính sách của Nhà nước phải bảo đảm “hệ sinh thái” của ngành sản xuất được lựa chọn đủ sức đương đầu với thách thức, từng bước “đánh bật” các sản phẩm trên thị trường nội địa; chinh phục và chiếm lĩnh từng phần thị trường thế giới.
Xây dựng và duy trì một nền sản xuất chủ động trước các điều kiện chính trị, xã hội bất lợi bên ngoài là một nhiệm vụ của quá trình phát triển công nghiệp. Cần tập trung mở rộng quy mô sản xuất, hiện đại hóa công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu nhiều sản phẩm Made by Việt Nam, cụ thể:
(1) Ngành lắp ráp, sản xuất thiết bị điện dân dụng, đồ điện tử là ngành tiềm năng, giúp thúc đẩy ngành nhựa, sản xuất vỏ hộp kim loại, sơn, sản xuất cáp, dây điện...; đẩy mạnh các nghiên cứu về lĩnh vực điện tử cơ bản. Trong lĩnh vực này, Việt Nam hiện có một số doanh nghiệp đã chiếm lĩnh được thị trường trong nước, tuy nhiên năng lực xuất khẩu còn hạn chế. Nếu có sự đầu tư thích đáng của Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm đến từ Trung Quốc, từng bước thâm nhập các thị trường khó tính trên thế giới.
(2) Sản xuất kim loại. Kim loại chế tạo có vai trò rất quan trọng đối với lĩnh vực quốc phòng và an ninh, đặc biệt là các kim loại chiến lược bảo đảm sự chủ động và duy trì sản xuất quốc phòng. Về cơ bản, kim loại chế tạo có thể thúc đẩy chuỗi sản xuất gồm: chế biến khoáng sản, vận tải, cơ khí, chế tạo máy, cơ khí chính xác, công nghiệp phụ trợ; hỗ trợ và thúc đẩy công nghiệp ô tô và sản xuất đồ gia dụng, thiết bị điện và cả các container..., thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sản xuất kim loại chế tạo gián tiếp tạo ra nhiều công ăn việc làm, có sức lan tỏa lớn trong chuỗi sản xuất để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh một loạt lĩnh vực hẹp như: gia công biến dạng, gia công kim loại; các nghiên cứu về kim loại có thể được ứng dụng để tạo ra các sản phẩm quan trọng cho quốc phòng và các ngành công nghiệp khác của đất nước.
(3) Các ngành công nghệ thấp (thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm thuốc lá; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; giấy và các sản phẩm từ giấy; in ấn và xuất bản; sản phẩm cao su và nhựa; chế biến đồ nông sản) và một số ngành công nghệ trung bình (sản xuất thiết bị vận tải, sản xuất linh kiện, láp ráp máy móc thiết bị...) có mức thâm dụng lao động cao và yêu cầu lao động kỹ năng thấp. Các lĩnh vực này sẽ góp phần chuyển đổi đáng kể cơ cấu lao động và tạo ra nhiều sản phẩm GTGT.
Những khu vực nên được lựa chọn để tiếp thu, lan tỏa công nghệ, xây dựng nền công nghiệp hiện đại.
Quá trình xây dựng ngành sản xuất công nghiệp hiện đại cần có các doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực tiếp cận vốn, công nghệ. Việc định hướng và dẫn dắt một ngành sản xuất không thể dựa vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Tuy nhiên, các ưu tiên và những khoản đầu tư phù hợp để bảo đảm khu vực SME tăng trưởng với tốc độ ổn định là rất quan trọng đối với sự tăng trưởng chung của các ngành sản xuất cũng như nền kinh tế quốc dân; tạo cơ hội phát triển và thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu nhờ sự năng động, khả năng cạnh tranh quốc tế. Những thách thức đối với khu vực SME (bao gồm khả năng tiếp cận nguồn lực không đầy đủ, trình độ công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp kém và trên hết là sự cạnh tranh gay gắt do mở cửa nền kinh tế) cần được các cơ quan nhà nước tháo gỡ và hỗ trợ kịp thời. Khi đó, các SME, với số lượng đủ lớn, sẽ có vai trò là động lực tăng trưởng và năng lực tiếp thu công nghệ khi đó có thể được đảm nhiệm bởi các SME.
4. Kiến nghị chính sách
(i) Sản xuất là động lực cho sự phát triển kinh tế trong dài hạn và là nền tảng cho quá trình CNH; muốn CNH phải thúc đẩy sản xuất trong nước gắn liền với đổi mới công nghệ và hướng đến xuất khẩu. Sản xuất có thể là trục dọc cho chiến lược tăng trưởng kinh tế hướng đến đạt mục tiêu đột phá tăng trưởng.
(ii) Bên cạnh việc tập trung nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng, cần đẩy mạnh phát triển một số ngành sản xuất chủ đạo, hướng đến xuất khẩu trong giai đoạn ngắn hạn. Nên xây dựng một chiến lược có tham vọng với những mục tiêu cụ thể về một số ngành sản xuất cơ bản cho mục tiêu phát triển kinh tế tự chủ, ổn định và dài hạn làm cơ sở cho quá trình CNH, HĐH đất nước.
(iii) Giai đoạn 2022-2025, tập trung nguồn lực, cấu trúc lại các ngành sản xuất thâm dụng lao động; đầu tư, đổi mới công nghệ để tăng năng suất và quy mô sản xuất. Giai đoạn 2025-2030, tập trung nâng cấp công nghệ, hiện đại hóa các ngành sản xuất, chuyển đổi cơ cấu; dịch chuyển công nghệ thấp sang công nghệ trung bình; công nghệ trung bình sang công nghệ cao. Từng bước chuyển dần từ thâm dụng lao động sang thâm dụng vốn và công nghệ.
_________________
(1) Nhận định được đưa ra bởi các tác giả thuộc Ngân hàng Thế giới là Mary Hallward - Driemeier và Gaurav Nayyar trong công trình Sản xuất, tương lai của sự phát triển, xuất bản 2018.
(2), (3), (4), (5) Theo Báo cáo phát triển công nghiệp năm 2016 của Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc.
(6) https://vietnamnet.vn/con-duong-mang-lai-su-than-ky-cua-kinh-te-nhat-ban-651660.html
(7) Hàn Quốc đã trải qua 3 giai đoạn chuyển đổi: Những năm 1960 và 1970 được đặc trưng bởi sự học hỏi công nghệ, đào tạo lao động, đầu tư FDI có chọn lọc, mô phỏng, vay mượn công nghệ và các thỏa thuận kỹ thuật nước ngoài. Những năm 1980 được đánh dấu bởi sự chuyển đổi công nghệ ngày càng tăng khi các ngành công nghiệp trở nên phức tạp hơn. Những năm 1990, giai đoạn đổi mới, chứng kiến sự đầu tư mạnh mẽ cho R&D của khu vực công và tư nhân, sự hỗ trợ rộng rãi của Chính phủ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đổi mới, ứng dụng công nghệ... Ngoài việc tăng cường chi tiêu cho R&D, Chính phủ Hàn Quốc còn đưa ra các ưu đãi về thuế cho R&D (chuyển từ hỗ trợ tài chính trực tiếp) và trợ cấp R&D cho các SME trong giai đoạn đổi mới. Ưu đãi thuế là một trong những chính sách hiệu quả nhất, giúp tăng tổng chi tiêu nội địa cho R&D tính theo tỷ trọng GDP từ 1,7% năm 1991 lên 4,1% năm 2013. Trợ cấp R&D đã lần đầu tiên giúp các SME vượt lên trước các doanh nghiệp lớn về GTGT.
(8) Ngành công nghiệp thép của Tây Đức, được xem như là một mối đe dọa đối với an ninh châu Âu nói chung và Pháp nói riêng. Vì vậy, quân Đồng minh đã hạn chế sản xuất sắt và thép ở Tây Đức. Hàng chục cơ sở sản xuất thép đã được lên kế hoạch chi tiết để tháo dỡ.
(9) Đến năm 2012, công ty Société Marocaine de Constructions Automobiles của Marốc, có năng lực sản xuất 90.000 xe mỗi năm, phần lớn là cho xuất khẩu. Nhà máy mới trị giá 1 tỷ euro của Renault ở Tangiers có thể lắp ráp tới 400.000 xe mỗi năm, mang lại 6.000 việc làm trực tiếp và nhiều việc làm gián tiếp khác. Chính phủ Marốc đã đánh giá tiềm năng của hơn 600 phụ tùng ô tô trước khi lựa chọn khoảng 100 phụ tùng để cạnh tranh thông qua sản xuất trong nước. Việc có sản lượng xuất khẩu các phụ tùng, linh kiện tương đối lớn và xuất khẩu một số sản phẩm công nghệ cao có tỷ trọng cao nhất trong khu vực đã tạo được sự lan tỏa và động lực để tiếp tục nâng cấp công nghệ.
(10) Bùi Tất Thắng: Tiêu chí nước công nghiệp trong điều kiện hiện nay.
(11) (i) Sản xuất trong nước bao gồm cả sản xuất quốc phòng và dự trữ các sản phẩm quốc phòng: Năng lực sản xuất các sản phẩm quốc phòng trong nước khi cần thiết, các yếu tố đầu vào mà quân đội cần để duy trì sản xuất quốc phòng (khí tài quân sự, hệ thống vũ khí và thực phẩm, quần áo, giày ống, thiết bị,...); (ii) Kết cấu hạ tầng trọng yếu: Việc bảo đảm liên tục các công trình công cộng, bao gồm: hạ tầng giao thông, cấp nước, lưới điện,... để người dân có thể tiếp tục các hoạt động kinh tế, bao gồm cả nguồn cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho quân đội trong chiến tranh; (iii) Hệ thống thông tin liên lạc: hệ thống viễn thông, internet, vệ tinh,... phục vụ công tác chỉ huy, phối hợp quân sự; (iv) An ninh mạng và an ninh hệ thống tài chính: an ninh mạng có liên quan chặt chẽ đến an ninh thông tin liên lạc, còn an ninh hệ thống tài chính giúp bảo đảm hệ thống lưu thông tài chính, vốn không thể thiếu cho hoạt động của nền kinh tế quốc dân; (v) Những công nghệ mới đóng vai trò quan trọng cho khả năng chiến đấu của quân đội trên đất liền, trên biển, trên không, vũ trụ và trên không gian mạng.
TS LÊ VĂN LONG
Tổng cục Công nghiệp quốc phòng