23/01/2025 lúc 02:08 (GMT+7)
Breaking News

Vaccine tốt nhất là loại vaccine đang có

Để so sánh hiệu quả của các loại vaccine COVID-19 thì phải đem thử nghiệm trong cùng 1 điều kiện, tại cùng 1 thời điểm và cùng 1 khu vực trên thế giới, mà điều này chưa thực hiện được, bởi vậy, “Loại vaccine tốt nhất bây giờ chính là tất cả những cái đang có hiện nay”, (bà Deborah Fuller).

Để so sánh hiệu quả của các loại vaccine COVID-19 thì phải đem thử nghiệm trong cùng 1 điều kiện, tại cùng 1 thời điểm và cùng 1 khu vực trên thế giới, mà điều này chưa thực hiện được, bởi vậy, “Loại vaccine tốt nhất bây giờ chính là tất cả những cái đang có hiện nay”, (bà Deborah Fuller).

Ảnh minh họa

Hiểu đúng về chỉ số hiệu quả của vaccine

Một số loại vaccine phòng COVID-19 hiện đang được sử dụng có chỉ số hiệu quả như sau:

95% là chỉ số hiệu quả của vaccine Pfizer/BioNtech (7 ngày sau liều thứ II)

94% là chỉ số hiệu quả của vaccine Moderna (14 ngày sau liều thứ II)

92% là chỉ số hiệu quả của vaccine Sputnik 5 (21 ngày sau liều thứ I)

89% là chỉ số hiệu quả của vaccine Novavax  (7 ngày sau liều thứ II)

72% là chỉ số hiệu quả của vaccine Oxford/Astrazeneca (15 ngày sau liều thứ II)

66% là chỉ số hiệu quả của vaccine Johnson & Johnson (28 ngày sau liều đơn)

Dựa vào chỉ số trên, nhiều người cho rằng thì vaccine Astrazeneca và Johnson & Johnson kém hiệu quả hơn so với Pfizer và Moderna, điều đó có đúng không?

Theo Trung tâm an toàn sức khỏe của Đại học John Hopkin - Amesh Adalja: “Để so sánh 2 vaccine thì 2 vaccine này phải được thử nghiệm trong cùng 1 điều kiện, tại cùng 1 thời điểm và cùng 1 khu vực trên thế giới”.

Còn Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thì cho rằng: Hiệu quả của vaccine chỉ được chứng minh thông qua thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, phải có nhóm tiêm và nhóm không tiêm hoặc là nhóm tiêm vắc xin và nhóm tiêm giả dược. Trên thực tế, mỗi một chủng tộc người sẽ đáp ứng với vaccine rất khác nhau, kể cả vấn đề hiệu quả vắc xin hay là vấn đề phản ứng bất lợi thì mỗi một chủng tộc sẽ có những điểm khác nhau.

Chính vì vậy, khi thông qua vaccine, trước đây các vaccine khi về các trung tâm tiêm chủng mở rộng chẳng hạn, đều phải có thử nghiệm lâm sàng lại. Chỉ có mỗi đợt này khi mà chúng ta chống dịch, chúng ta mới công nhận ngay chứ không phải là không qua các thử nghiệm lâm sàng nữa.

Bác sĩ Thái cũng nêu quan điểm, nếu các vaccine không được thử nghiệm trên những đối tượng giống nhau thì chắc chắn là không thể so sánh với nhau về mặt hiệu quả được.

Ví dụ như, vaccine Pfizer tiêm cho nhân viên y tế và người dân, khi đó người ta so sánh, tại thời điểm đó toàn là chủng cũ. Cho nên hiệu quả ghi nhận ở mức rất cao 95%. Trong khi đó, Astrazeneca thử nghiệm tại Anh, Brazil và Nam Phi, lúc đấy bắt đầu xuất hiện chủng mới, nên đã có sự kháng lại vaccine và hiệu quả bảo vệ không cao bằng so với cả vaccine thử nghiệm tại Mỹ là hoàn toàn là bình thường.

“Và chúng ta cũng thấy là gần đây, khi đối diện với chủng chủng Delta, Astrazeneca lại rất tốt. Như ở Việt Nam, không có trường hợp nào tiêm đủ 2 mũi mà bệnh nặng hay tử vong”, bác sĩ Thái khẳng định.

Cũng theo bác sĩ Phạm Quang Thái, hiệu quả một vaccine là 85% thì không có nghĩa là cứ tiêm cho 100 người thì 85 người sẽ không bị mắc và 15 người sẽ bị mắc. Phải hiểu đúng là, vaccine sẽ làm giảm nguy cơ mắc 85% .

Hoặc nếu như so sánh cộng đồng mà không có vaccine, người ta có thể nhiễm là 10%, thì cộng đồng có tiêm vaccine sẽ chỉ nhiễm ở mức 1,5%. Như thế, người tiêm vẫn có thể bị mắc nhưng mà tỷ lệ sẽ thấp hơn rất nhiều so với người không tiêm.

Nên tiêm vaccine đang có

Kết luận phiên họp Chính phủ đầu tiên của khóa XV (2021-2026) vào chiều 11/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để thực hiện chiến lược vaccine, tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã điện đàm với Thủ tướng 16 nước; gửi thư, điện cho lãnh đạo 22 nước; tiếp, điện đàm và gửi thư cho 10 tổ chức quốc tế để thúc đẩy ngoại giao vaccine, đạt một số kết quả.

Đến nay, đã huy động được khoảng 18 triệu liều vaccine để tiêm phòng miễn phí cho toàn dân. Tuy nhiên, việc tiếp cận vaccine vẫn rất khó khăn, cần tiếp tục triển khai tích cực, Bộ Ngoại giao thúc đẩy ngoại giao vaccine.

"Phải tiếp cận bình đẳng tất cả các loại vaccine, vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất"- Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống COVID-19, sáng ngày 12/8, ở trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, dịch đang rất căng thẳng và vẫn thiếu vaccine ở cả nước. TP. Hồ Chí Minh rất cần vaccine tiêm cho người dân để bảo vệ người dân khỏi lây nhiễm và nếu bị nhiễm thì triệu chứng cũng sẽ không nặng.

Chúng ta đã ký hợp đồng mua hàng trăm triệu liều vaccine nhưng trong tháng 8/2021 chỉ có thêm khoảng 3 triệu liều vaccine về Việt Nam, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của riêng TP Hồ Chí Minh để đủ miễn dịch cộng đồng, chưa kể còn một số địa phương khác như Long An, Đồng Nai, Bình Dương hay TP. Hà Nội.

Trong tháng 9/2021, dự kiến chỉ có khoảng 9,3 triệu liều vaccine được nhập về. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài đang bị chậm tiến độ, Phó Thủ tướng thông tin.

Đề cập đến vaccine, theo Amesh Adalja: “Mục đích của vaccine COVID-19 không nhất thiết phải là tiêu diệt hoàn toàn virus, mà mục đích chính là làm suy yếu, giảm độc lực của virus và loại bỏ bớt khả năng khiến cho bệnh nhân có những triệu chứng nặng phải nhập viện hoặc tử vong”.

Mục đích của vaccine COVID-19 không phải giúp bảo vệ đến mức không nhiễm, mà là giúp cho cơ thể tạo ra đủ kháng thể để loại bỏ khả năng tử vong, nhập viện, triệu chứng nặng để khi bị bệnh ta cảm thấy như bị cảm chứ không phải nhập viện (giảm 3 mức độ nặng/6 mức độ diễn tiến của bệnh: không nhiễm, nhiễm không triệu chứng, triệu chứng thông thường, triệu chứng nặng, nhập viện, tử vong).

Điều này thì vaccine COVID-19 nào cũng làm rất tốt. Trong tất cả các thử nghiệm lâm sàng, mặc dù có những ca phải nhập viện và tử vong trong số tiêm giả dược nhưng lại không có ca nào phải nhập viện hoặc tử vong trong số những người được tiêm vaccine rồi, Amesh Adalja cho biết.

Còn bà Deborah Fuller - giáo sư ngành Vi sinh học - Đại học Washington thì khẳng định, tất cả những loại vaccine COVID-19 đều có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa tử vong. Chỉ số hiệu quả không phải là thứ quan trọng nhất, mà câu hỏi được đặt ra là vaccine đó có thể giúp bạn không phải nhập viện hay không và vaccine nào có thể giúp bạn sống.  

Căn cứ vào diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên thế giới, tình trạng khan hiếm vaccine, chưa có đủ cơ sở để đánh giá loại nào tốt nhất và tác dụng "lá chắn" bảo vệ cộng đồng của vaccine, bà Deborah Fuller nhấn mạnh: “Loại vaccine tốt nhất bây giờ chính là tất cả những cái đang có hiện nay”./.