VNHN-Tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 34, với nội dung trọng tâm tập trung vào 4 Nhóm vấn đề chính nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV.
Kéo dài từ ngày 8 - 10/5, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về các nội dung chuẩn bị của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV và xem xét quyết định các nội dung theo thẩm quyền.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp thứ 34 là phiên họp cuối của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi tiến hành Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Giới thiệu nội dung chương trình phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến về 4 nhóm vấn đề.
Nhóm vấn đề thứ nhất là cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); cho ý kiến về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và cho ý kiến về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật Tổ chức Quốc hội.
Nhóm vấn đề thứ hai là cho ý kiến về các báo cáo: Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Nhóm vấn đề thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội; việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ địa phương; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Hà Tĩnh; việc chuyển nguồn vốn Dự án đóng mới 6 tàu kiểm ngư và Dự án sửa chữa nâng cấp 3
tàu đã qua sử dụng của Nhật Bản viện trợ (thành tàu kiểm ngư) theo Nghị quyết số 72/2014/QH13 của Quốc hội. Xem xét việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bổ sung danh mục mới vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Nhóm vấn đề thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh thuộc tỉnh Đồng Nai: Thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất; thị trấn Nhơn Trạch thuộc huyện Nhơn Trạch; 6 phường thuộc thành phố Biên Hòa; việc sử dụng nguồn vốn 10.000 tỷ đồng từ việc điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, về cơ bản các cơ quan của Quốc hội, cùng các Bộ, ngành, các cơ quan hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, tích cực chuẩn bị các nội dung thuộc trách nhiệm để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này.
Nhấn mạnh khối lượng phiên họp tương đối nhiều trong khi thời gian của phiên họp chỉ có 3 ngày, đây lại là phiên họp cuối cùng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát, xem xét các nội dung còn lại trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 cũng như xem xét các điều kiện bảo đảm cho kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan bố trí tham dự đầy đủ, tập trung xem xét các nội dung thảo luận chất lượng đối, bảo đảm kết thúc phiên họp như dự kiến.
Cũng trong phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019./.