VNHN - Việt Nam sẽ nỗ lực để đóng góp vào việc ngăn ngừa xung đột, phát huy ngoại giao phòng ngừa và giải quyết một cách hoà bình các tranh chấp theo tinh thần Điều 6 Hiến Chương Liên hợp quốc.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý phát biểu tại phiên họp (Ảnh: TTXVN)
Ngày 12/12, phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã tổ chức buổi gặp mặt với giới báo chí quốc tế đang tác nghiệp tại Liên hợp quốc nhằm giới thiệu về những ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào năm tới, đặc biệt khi Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngay tháng đầu tiên của năm 2020.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định trong nhiệm kỳ của mình, Việt Nam sẽ nỗ lực để đóng góp vào việc ngăn ngừa xung đột, phát huy ngoại giao phòng ngừa và giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp theo tinh thần Điều 6 Hiến Chương Liên hợp quốc.
Việt Nam cũng sẽ cố gắng tham gia vào cải tiến cách thức làm việc của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tích cực hợp tác giữa Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực.
Đại sứ cho biết Việt Nam sẽ chú trọng tham gia ý kiến vào những vấn đề lớn như bảo vệ dân thường, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với người dân tại các nơi xung đột, bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong xung đột vũ trang, khắc phục hiểm họa bom mìn còn sót lại từ thời chiến cũng như các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Theo Đại sứ, chống tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh cũng sẽ là một vấn đề Việt Nam chú trọng trong năm tới.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên liệu Việt Nam có nỗ lực đóng góp để các ủy viên không thường trực có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hay không, Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng nếu chỉ một nước ủy viên không thường trực nỗ lực thì khó có thể tạo ra thay đổi.
Tuy nhiên, nếu tất cả các ủy viên không thường trực đồng tình và đoàn kết thì việc đó hoàn toàn khả thi.
Giới báo chí cũng bày tỏ quan tâm về mối quan hệ của Việt Nam với Triều Tiên, nhất là sau khi Việt Nam đã rất thành công trên cương vị chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội hồi đầu năm.
Về vấn đề này, Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết Việt Nam và Triều Tiên hiện có quan hệ cả đa phương và song phương và Việt Nam vẫn đang nỗ lực hết sức để truyền tải thông điệp của mình tới Triều Tiên rằng mở cửa và hội nhập với thế giới sẽ khiến mỗi nước trở nên mạnh hơn và phát triển hơn.
Việt Nam cũng chia sẻ với Triều Tiên những kinh nghiệm quý báu của mình trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và giờ đây Mỹ và Việt Nam đã đạt tới quan hệ đối tác toàn diện.
Đối với câu hỏi liệu Việt Nam có đưa vấn đề Biển Đông ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hay không, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định để một vấn đề có thể được thảo luận tại Hội đồng Bảo an cần ít nhất 9 nước thành viên ủng hộ, Việt Nam không loại trừ bất kỳ khả năng nào và sẽ làm những gì cần làm, có thể làm vào thời điểm thích hợp.
Các vấn đề quốc tế nổi bật khác như tiến trình tái thiết Syria, tình hình nhân quyền ở một số nước cũng như các hoạt động cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc đều được Đại sứ Đặng Đình Quý trả lời thỏa đáng.
Hiện công tác chuẩn bị của Việt Nam cho năm đảm trách vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tương đối hoàn tất.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 1/2020, Việt Nam sẽ chủ trì các cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và khi được cơ quan này cho phép, sẽ đại diện cho Hội đồng Bảo an với tư cách là một cơ quan của Liên hợp quốc.
Chương trình nghị sự tạm thời của mỗi cuộc họp của Hội đồng Bảo an sẽ do Tổng Thư ký xây dựng và được Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua./.