17/01/2025 lúc 06:42 (GMT+7)
Breaking News

Uơm mầm lớp trẻ đam mê Quan họ ở Bắc Ninh

VNHN - Những liền anh nhí này tuy tuổi “còn cả sữa măng non” nhưng hễ cất giọng ca là khiến khán giả lớn tuổi trầm trồ và rất có thể sẽ trở thành nhân tố hứa hẹn tạo nên nhiều dấu ấn.

VNHN - Những liền anh nhí này tuy tuổi “còn cả sữa măng non” nhưng hễ cất giọng ca là khiến khán giả lớn tuổi trầm trồ và rất có thể sẽ trở thành nhân tố hứa hẹn tạo nên nhiều dấu ấn.

Có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh, ngoại hình sáng, ưa nhìn lại cùng chung tình yêu dân ca, luôn cố gắng học tập, trau dồi vốn liếng văn hóa Quan họ, đó là Vương Văn Nam, 10 tuổi ở Nghĩa Xá (Nghĩa Đạo, Thuận Thành) hay Nguyễn Thực Thanh, 12 tuổi ở Xuân Ổ B (Võ Cường, thành phố Bắc Ninh).

Là hai trong số hiếm liền anh nhí tham gia sân chơi “Tiếng hát măng non Quan họ” lần thứ Nhất do Cung văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức trong tháng 4 vừa qua, cả Vương Văn Nam và Nguyễn Thực Thanh đã thể hiện tài năng của mình qua những làn điệu Quan họ cổ như “Gửi bức thư sang”, “Lý cây đa”, “Hoa thơm bướm lượn”.

Vượt qua hơn 100 thí sinh từ vòng sơ khảo, chung khảo để vào chung kết, hai liền anh măng non với chất giọng vang sáng, nảy hạt ngọt, có màu Quan họ đã thuyết phục tai nghe sành sỏi của các vị giám khảo vốn là những anh hai, chị hai Quan họ tài danh nức tiếng như NSƯT Lệ Ngải, NSƯT Quý Tráng và nghệ sĩ Văn Tuấn.

Cuộc thi khép lại, Vương Văn Nam đạt Quán quân nhóm tuổi 7-11, còn Nguyễn Thực Thanh được Ban tổ chức trao giải Ba nhóm tuổi 12-15. Không chỉ ghi dấu ấn ở sân chơi tiếng hát măng non Quan họ, ngay sau đó, hai liền anh nhí này còn tham gia và đạt giải cao tại Hội thi hát Quan họ cho học sinh phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ngoài ra, Nam và Thanh đều là hạt nhân văn nghệ nòng cốt của trường và địa phương, thường xuyên tham gia biểu diễn Quan họ tại các cuộc thi, hội diễn, liên hoan, các sự kiện, hoạt động của trường lớp và ở thôn làng, khu phố.

Gia đình và các bạn nhỏ hàng xóm nghe làn điệu Quan họ cổ do Vương Văn Nam thể hiện.

Điều đó không những khẳng định tài năng của những “anh hai măng non” mà còn chứng thực cho sự hấp dẫn, tinh túy của di sản văn hóa thế giới - Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Chị Lưu Thị Hà, mẹ của liền anh nhí Vương Văn Nam tâm sự: Vợ chồng tôi làm nông nghiệp, gia đình không có ai theo nghệ thuật. Riêng với Nam từ lúc 3 tuổi, nhiều từ nói vẫn còn ngọng nhưng con đã rất thích ca hát.

Thấy trên ti vi nghệ sĩ hát bài Quan họ “Vào chùa”, con tự lấy khăn quấn làm trang phục, cầm nón của mẹ, đứng trên giường biểu diễn và hát theo. Sau đó đi học Mầm non rồi lên Tiểu học đều được các cô giáo chọn tham gia trong đội văn nghệ của trường. Hè năm ngoái, lần đầu tiên gia đình đăng ký cho con tham gia khóa học hát Dân ca Quan họ của huyện. Nhưng hè năm nay, sau khi đạt giải Nhất cuộc thi “Tiếng hát măng non Quan họ”, con có ước nguyện được lên thành phố học Quan họ để giao lưu với nhiều liền anh, liền chị tài năng khác. Tuy nhiên, gia đình vẫn chưa biết nên gửi con đến học ở đâu…”.

Khác với gia đình em Vương Văn Nam ở Thuận Thành, khá vất vả để tìm lớp cho con học Quan họ thì Nguyễn Thực Thanh ở Võ Cường, thành phố Bắc Ninh lại có điều kiện từ sớm. Anh Nguyễn Thực Nhã, bố của Nguyễn Thực Thanh chia sẻ: Có mẹ là cô giáo mầm non nên năng khiếu nghệ thuật của Thanh được mẹ phát hiện từ bé. Sau đó, vào dịp nghỉ hè, gia đình thường cho con học các lớp năng khiếu ở Cung văn hóa thiếu nhi tỉnh. Ban đầu cũng học nhiều môn như hội họa, đàn, thể thao nhưng con chỉ thích ca hát và đặc biệt yêu thích Dân ca Quan họ. Thanh được đi tham gia biểu diễn Quan họ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất hiện trên nhiều sân khấu lớn.

Nguyễn Thực Thanh (đứng cạnh cụ ông áo đỏ) là liền anh nhí duy nhất được tham gia biểu diễn trên sân khấu chương trình “Rạng rỡ miền Quan họ” tại Festival Về miền Quan họ.

Đáng chú ý nhất, Thanh là liền anh nhí duy nhất cùng với 30 liền chị măng non khác được lựa chọn biểu diễn trên sân khấu của chương trình nghệ thuật “Rạng rỡ miền Quan họ” tại Festival “Về miền Quan họ-2019” dịp đầu Xuân vừa qua. Có thể thấy, trong bối cảnh Quan họ đang “cạn liền anh” như hiện nay thì Vương Văn Nam và Nguyễn Thực Thanh là những nhân tố thực sự quý giá, rất cần được các đơn vị hoạt động chuyên môn quan tâm thu hút đào tạo, bồi dưỡng.

Trực tiếp gặp gỡ phụ huynh của Nam và Thanh, chúng tôi được biết cả hai gia đình đều sẵn lòng đầu tư thời gian, công sức cho các em theo đuổi sở thích, ước mơ. Đặc biệt, họ mong muốn các cơ quan, đơn vị chuyên môn tiếp tục quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho con em được tiếp cận sâu hơn, học hỏi thêm vốn liếng dày dặn hơn để có thể gắn bó lâu dài với văn hóa Quan họ.

Thiết nghĩ, các cấp, ngành chức năng cần có thêm cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút liền anh. Và trước mắt, tránh lãng phí tài năng Quan họ, nhất là những liền anh, liền chị nhỏ tuổi thì sau những cuộc thi, liên hoan, hội diễn, Ban tổ chức nên phối hợp với các trung tâm, cơ sở nghệ thuật uy tín để dành tặng cho các em phần thưởng là những khóa đào tạo ngắn hạn về văn hóa Quan họ. Phần thưởng này càng thiết thực, có ý nghĩa với các bạn nhỏ không sinh ra và lớn lên ở vùng Quan họ gốc.

Hy vọng, dưới bóng những cây cổ thụ là nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp, cùng sự quan tâm của các đơn vị chuyên môn, thế hệ liền anh, liền chị măng non kế cận sẽ tiếp tục biểu diễn, bộc lộ tài năng đầy sức sống. Và với năng khiếu âm nhạc, thành tích học tập luôn đạt Khá, Giỏi cùng rất nhiều cơ hội trau dồi, nhiều đỉnh cao để chinh phục phía trước, tin tưởng Vương Văn Nam, Nguyễn Thực Thanh và nhiều liền anh, liền chị nhí khác sẽ là những người tiếp lửa cho Dân ca Quan họ Bắc Ninh và hơn thế, khẳng định sức sống trường tồn, lấp lánh của một di sản văn hóa phi vật thể đã được thế giới ngưỡng mộ.