Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ vũ trụ là nhu cầu cấp thiết nhằm chủ động về nguồn, đảm bảo tính an toàn, tin cậy của dữ liệu vệ tinh. Góp phần bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Nâng cao tiềm lực về khoa học, công nghệ. Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm các lợi ích của quốc gia khác. Phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và liên kết hài hòa với các chiến lược quốc gia khác.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 169/QĐ-TTg về việc ban hành Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030. Với mục tiêu tổng quát nhằm ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ vũ trụ. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực có liên quan đến quốc phòng – an ninh, quản lý tài nguyên môi trường, giám sát và hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cung cấp đa dạng dịch vụ cho người dân, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước. Góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy phát triển mọi mặt của kinh tế - xã hội và bảo đảm các lợi ích quốc gia khác.
Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ vũ trụ là nhu cầu cấp thiết nhằm chủ động về nguồn, đảm bảo tính an toàn, tin cậy của dữ liệu vệ tinh. Ảnh: Internet
Đây là quá trình liên tục và lâu dài, kế thừa và phát huy tối đa các kết quả đã đạt được của chiến lược phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2020 cùng những thành tựu mới nhất của nhân loại. Đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy tiềm năng của doanh nghiệp, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực dùng chung. Từng bước làm chủ, hướng tới sáng tạo công nghệ mới.
Làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh, ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, đem lại hiệu quả trong giám sát môi trường, hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai là một trong những nội dung trọng tâm trong Chiến lược vũ trụ Việt Nam đến năm 2030.
Cơ quan Nghiên cứu hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) thông báo trong tháng 9 tới, vệ tinh NanoDragon do các kỹ sư Việt Nam nghiên cứu, thiết kế và chế tạo vừa được chuyển sang Nhật Bản để kiểm định và chuẩn bị phóng lên quỹ đạo. NanoDragon là một trong 15 vệ tinh được chọn lựa để phóng lên quỹ đạo bởi tên lửa Epsilon của Nhật Bản. Nếu thành công khi kiểm định và phóng lên quỹ đạo ở độ cao 520km, vệ tinh NanoDragon không chỉ chụp ảnh quang học mà trong tương lai có thể góp phần kiểm soát và định vị tàu biển.
Vệ tinh NanoDragon. Ảnh: VNSC
Tại Việt Nam, công nghệ vũ trụ đang góp phần quản lý, phòng, chống, chặt, phá, cháy rừng. Gần đây nhất là hỗ trợ các công tác khắc phục hậu quả trận lũ lụt lịch sử tại Quảng Nam, Quảng Ngãi cuối năm 2020 vừa qua.
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã xây dựng một hướng đi lâu dài cho vũ trụ Việt Nam. Đặc biệt là làm sao để chế tạo vệ tinh quan sát trái đất bằng vệ tinh nhỏ của Việt Nam và làm sao để tăng cường ứng dụng và trên cở sở ứng dụng để tạo ra những giá trị gia tăng.
Phát triển khoa học và ứng dụng công nghệ vũ trụ là động lực thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ, phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Tự động hóa, vật liệu mới, sinh học, cơ điện tử, cơ khí chính xác và các công nghệ mới đang dẫn dắt sự phát triển toàn cầu.
Làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh, cung cấp đa dạng các dịch vụ như định vị nguồn thủy sản, đánh giá chất lượng nước, phòng chống thiên tai, ứng dụng khinh khí cầu phát triển du lịch, trao đổi cơ sở dữ liệu. Phát triển các dịch vụ viễn thông, định vị, dẫn đường, cảnh báo cho người dân là những trọng tâm khác của Chiến lược vũ trụ Việt Nam đến năm 2030.
Trong thời gian tới, về phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ vũ trụ, thay vì chỉ có vài chục chuyên gia và hơn 100 kỹ sư như hiện nay. Chiến lược sẽ phấn đấu đào tạo tới 300 chuyên gia và 3000 kỹ sư cho lĩnh vực khoa học vũ trụ. Điều này góp phần hình thành nền công nghiệp vũ trụ Việt Nam và giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành một trong những nước thuộc top dẫn đầu khu vực về lĩnh vực khoa học vũ trụ.