05/01/2025 lúc 14:26 (GMT+7)
Breaking News

Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác phòng cháy, chữa cháy

Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác chiến lược và toàn diện số 46/TTHT-BCA-VNPT giữa Bộ Công an và Tập đoàn VNPT, mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chuyển đổi số lĩnh vực truyền tin cảnh báo sự cố trong công tác Phòng cháy chữa cháy giữa Cục Công nghiệp an ninh (Bộ Công an), Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT VinaPhone) và Công ty cổ phần Viễn thông VTC.

 Ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác PCCC.

Mới đây ba đơn vị: Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (Tập đoàn VNPT), Công ty Cổ phần viễn thông VTC và Cục Công nghiệp an ninh (Bộ Công an) vừa cùng nhau ký kết ghi nhớ hợp tác chuyển đổi số (CĐS) lĩnh vực truyền tin cảnh báo sự cố trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Theo nội dung ghi nhớ hợp tác, ba đơn vị sẽ phát huy thế mạnh của từng bên, cùng tham gia phối hợp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác phòng cháy, chữa cháy; hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin thị trường, nghiên cứu, sản xuất, xây dựng các giải pháp, thiết bị ứng dụng công nghệ mới,... trong công tác phòng cháy chữa cháy đến với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh - Bộ Công an, đánh giá cao vai trò quan trọng của Tập đoàn VNPT trong việc cung cấp các nền tảng số, giải pháp hạ tầng và công nghệ phục vụ CĐS các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, DN. Cục Công nghiệp an ninh hy vọng VNPT sẽ tiếp tục phát huy vai trò là một DN công nghệ số hàng đầu hỗ trợ đắc lực công tác truyền tin cảnh báo sự cố và CĐS phòng cháy chữa cháy.
Thống kê cho thấy trong năm 2023, toàn quốc xảy ra 3.440 vụ cháy, làm 255 người thương vong, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 878 tỷ đồng và 236ha rừng. Riêng tháng 1/2024 có 376 vụ cháy, làm 6 người thương vong, thiệt hại gần 74 tỷ đồng và 214,7ha rừng.
Từ báo cáo sơ bộ trên cho thấy những kết quả thiệt hại do cháy, nổ gây ra còn rất lớn. Và nhìn ở góc độ khách quan, những thiệt hại xảy ra không phải là do các tổ chức, DN và người dân chủ quan, thờ ơ, mà có những nơi đã đầu tư trang bị các hệ thống PCCC hợp chuẩn theo quy định hoặc tổ chức nhân sự ứng trực theo dõi, để phòng tránh cháy nổ… nhưng kết quả cuối cùng vẫn không được như mong đợi, kỳ vọng.
Các tổ chức, doanh nghiệp và người dân mặc dù đã đầu tư trang bị các hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) hợp chuẩn theo quy định cũng như tổ chức nhân sự ứng trực theo dõi, nhưng để phòng tránh cháy nổ một cách an toàn rất cần những giải pháp thông minh, đáng tin cậy giúp tự động giám sát và cảnh báo sớm kịp thời tới thân chủ cũng như liên kết ngay với lực lượng PCCC gần nhất để xử lý sự cố nhanh nhất, kịp thời bảo đảm an toàn về người và của.
Do đó, việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực cảnh báo sớm PCCC và cứu nạn, cứu hộ sẽ là bước ngoặt mới để giảm thiểu rủi ro đến tài sản và tính mạng của người dân, đồng thời mang lại hiệu quả trong phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ, xác định nguyên nhân cháy.
Như vậy có thể nói, việc ba đơn vị phối hợp ký kết bản ghi nhớ có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với nhu cầu, xu thế công nghệ hiện đại của cách mạng công nghiệp 4.0. Và quan trọng hơn, việc làm ý nghĩa trên chính là thực hiện yêu cầu về CĐS của Chính phủ, về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại và CĐS trong công tác cảnh báo sớm PCCC – một yêu cầu cấp bách cần sớm thực hiện. Và khi thực hiện tốt sẽ góp phần giúp chúng ta nâng cao hiệu quả công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên cả nước, đồng thời, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ, sự cố, tai nạn gây ra, đảm bảo tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Vũ Nhật