VNHNO – Hiện nay, truy xuất nguồn gốc có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nói riêng và đời sống xã hội nói chung.
Những yêu cầu và sự cần thiết của truy xuất nguồn gốc là vấn đề chính được thảo luận tại hội thảo "Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại” được tổ chức sáng ngày 24/8 do Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương tổ chức.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhận định, truy xuất nguồn gốc có vai trò quan trọng gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nói riêng và toàn xã hội nói chung. Trong hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng đóng vai trò định danh đối tượng cần truy xuất, giúp liên kết dữ liệu và truy cứu thông tin trong suốt chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, quy trình truy xuất nguồn gốc mới là yếu tố đảm bảo cho sự thành công và tin cậy của một hệ thống quản lý.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu chỉ đạo tại hội thảo
Cách mạng 4.0 hiện nay bùng nổ với nhiều công nghệ tiên tiến và tính ứng dụng thực tiễn cao như công nghệ đám mây, blockchain, ... Vì vậy, vấn đề truy xuất nguồn gốc nói riêng và mọi mặt của đời sống nói chung sẽ trở thành xu thế thời đại.
Tại Việt Nam, hình mẫu tiêu biểu của mô hình truy xuất nguồn gốc hiện đại đã và đang áp dụng thành công tại TP. Hồ Chí Minh là Chương trình Truy xuất nguồn gốc điện tử thịt heo theo Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo do Sở Công Thương phối với Công ty TNHH Chế tạo máy và dịch vụ công nghệ cao TE thực hiện. Bên cạnh đó, còn truy xuất nguồn gốc cho gà, trứng từ 21 tỉnh, thành phố ở các tỉnh phía Nam.
Chính vì vậy, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử đối với các mặt hàng nông sản như rau củ, quả và các mặt hàng nông - thủy sản như tôm, cá cũng đang được các doanh nghiệp trong nước và thị trường nước ngoài hiện nay quan tâm.
Bà Phạm Thị Lý- Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển chia sẻ tại hội thảo
Bà Phạm Thị Lý- Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển - chia sẻ, từ năm 2019 tới đây, Hà Nội sẽ mở rộng ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR để thực hiện truy xuất nguồn gốc ở các sản phẩm khác, tập trung tại các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, trang trại, cơ sở giết mổ tập trung…
Nắm bắt được xu hướng trên, Cofidec đưa vào vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với sản phẩm cà tím chế biến xuất khẩu. “Trong tương lai gần, Cofidec sẽ thực hiện áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử cho toàn bộ chuỗi cung ứng”- Bà Đặng Thị Phương Ninh - Tổng giám đốc Công ty Cofidec cho biết thêm.
Lễ kí kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Hapro và Hội Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh; TE-food và Cofidec
Vì vậy, Thứ trưởng Đặng Hoàng An mong muốn qua Hội thảo này, mọi người có thể thay đổi được tư duy và nhận thức về tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc hàng hoá không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ hải sản mà kể cả trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Tiến đến các Bộ, ngành sẽ có những định hướng đúng đắn trong quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp, nhà tiêu dùng cũng có chiến lược trong việc đổi mới toàn bộ quy trình quản lý nội bộ và tư duy quản lý ở cấp địa phương cũng như cấp quốc gia./.