VNHN-Vào 12.56 ngày 12-4-2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO (CVĐCTC).
Với danh hiệu này, Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng trở thành CVĐCTC thứ hai ở Việt Nam, sau CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cho đến trước kỳ họp xét công nhận này, trên thế giới chỉ có tổng cộng 127 CVĐCTC UNESCO ở 35 quốc gia.
CVĐCTC UNESCO là danh hiệu cao quý dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý-hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội..., tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể. Một CVĐCTC UNESCO cần có diện tích đủ lớn để có tác động đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương.
Đại diện Việt Nam tại Hội nghị
Từ năm 2015, UBQG UNESCO đã giới thiệu với tỉnh Cao Bằng mô hình phát triển bền vững của CVĐCTC UNESCO. Lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và cộng đồng địa phương đã cùng BTK UBQG UNESCO (Bộ Ngoại giao) và Tiểu ban Kỹ thuật về CVĐCTC của UBQG (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường) quyết tâm triển khai trên thực tế các bước xây dựng CVĐC Non Nước Cao Bằng, mời các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng hồ sơ và kết nối với Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu của UNESCO (GGN) để nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình UNESCO (tháng 11 năm 2016). UBQG UNESCO Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ và đồng hành cùng chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng và người dân địa phương tiến hành các bước bảo vệ thành công hồ sơ trước các cơ quan uy tín quốc tế, bao gồm Nhóm Thẩm định CVĐCTC (tháng 7/2017) và Hội đồng CVĐCTC UNESCO (tháng 9/2017).
CVĐCTC UNESCO Non NướcCao Bằng có diện tích hơn 3275 km2, nằm trên địa bàn của 9 huyện nơi địa đầu Tổ quốc, nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc ít người. Đến nay các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá, đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng, như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ-sông-hang ngầm liên thông..., phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới. Thêm vào đó là rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản..., tất cả cùng minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này.
Đoàn Việt Nam tại sự kiện
CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, Quần thể Hồ Thang Hen, Động Ngườm Ngao… và đặc biệt Thác Bản Giốc, một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới.
CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng cũng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, được coi là một trong những khu vực ở Việt Nam được người tiền sử chiếm cư từ rất sớm, cố đô của một số triều đại phong kiến, và đặc biệt, là cái nôi của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tỉnh Cao Bằng đã xây dựng và đang triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên, giữ gìn và phát huy tối đa các giá trị về địa chất, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc... song song với phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển du lịch bền vững nhằm phát huy giá trị của CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng.